Sàng lọc trước sinh sẽ phát hiện sớm dị tật bẩm sinh cho thai nhi, giúp thai phụ có thể phát hiện các bệnh lý để sinh con khỏe mạnh. Đồng thời, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi, giảm gánh nặng bệnh tật về sau của trẻ.
Theo Bộ Y tế, dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tuy nhiên, phần lớn là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, khi các bộ phận cơ thể của thai nhi đang hình thành. Dị tật bẩm sinh gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ. Dị tật bẩm sinh hoàn toàn có thể chẩn đoán, phát hiện và sàng lọc sớm ngay từ những tháng đầu của thai kỳ thông qua các phương pháp sàng lọc trước sinh.
Trên thực tế có không ít phụ nữ mang thai chưa hiểu hết tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh nên khi trẻ ra đời đã bị dị tật bẩm sinh. Chị N.T.T (36 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, vợ chồng có tiền sử khỏe mạnh. Gia đình hai bên cũng không ai mắc bệnh di truyền. Vì thế, khi mang thai con đầu lòng ở tuổi 37 (do lập gia đình muộn), chị không thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh theo lời khuyên của bác sĩ. Đến khi sinh con, bé được xác định mắc hội chứng Down. "Chỉ vì chủ quan mà con phải chịu khổ cả đời. Tôi rất ân hận và mong muốn chị em khi mang thai nên thực hiện sàng lọc trước sinh để không ai phải chịu nỗi khổ như tôi nữa", chị T chia sẻ.
Không chỉ vậy, có rất nhiều thai phụ đau đớn khi chứng kiến con mình ra đời bị hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh... Mà nguyên nhân chính là do gia đình không sàng lọc trước sinh để sớm phát hiện dị tật.
Theo các chuyên gia, dị tật bẩm sinh là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của các cơ quan, bộ phận trên cơ thể thai nhi. Mức độ ảnh hưởng của các khiếm khuyết bẩm sinh đến sức khỏe của bé còn phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của dị tật. Một số dị tật bẩm sinh thể nhẹ có thể không cần điều trị. Nhưng với các thể nặng, trẻ có thể bị khuyết tật về thể chất, tinh thần hoặc trí tuệ suốt đời.
Thống kê từ Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Số lượng trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh là khoảng hơn 1.700 ca.
Theo TS.BS Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội), sàng lọc trước sinh là việc sử dụng những biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở giai đoạn bào thai. Ví như hội chứng Down (tam bội thể 21), hội chứng Edwards (tam bội thể 18), hội chứng Patau (tam bội thể 13) và dị tật ống thần kinh..., từ đó tham vấn cho gia đình chọn hướng xử trí kịp thời và thích hợp.
Theo thống kê của Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội), mỗi năm có hơn 20.000 thai phụ đến trung tâm khám và đăng ký tư vấn về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Trong đó, hơn 1.000 trường hợp cần chọc dịch ối để làm xét nghiệm di truyền. Nhờ đó, đã phát hiện được ra nhiều trường hợp có nguy cơ cao và bệnh viện đã tư vấn cho gia đình lựa chọn hướng xử lý phù hợp.
Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/benh-vien-phu-san-ha-noi-phat-huy-the-manh-trong-cong-tac-sang-loc-truoc-sinh-161230402214046476.htm
Thu Linh - Tổ Truyền thông