Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Chuyên gia cảnh báo mối nguy hiểm với hậu Covid-19 ở thai phụ

Chuyên gia cảnh báo mối nguy hiểm với hậu Covid-19 ở thai phụ

Theo chuyên gia sản khoa, các biến chứng của hậu Covid-19 ở bà bầu, bà mẹ sau sinh tăng gấp nhiều lần so với người bình thường, bởi bản thân bà bầu được coi là người có bệnh nền, có miễn dịch kém hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nhìn chung, các biểu hiện, triệu chứng của Covid-19 có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi xét nghiệm âm tính.

Theo BS Sim, đối với những bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị, sau khi âm tính và được ra viện, các cuộc tái khám phải được sắp xếp ngay trong 1-2 tuần đầu tiên. Còn những người mắc Covid-19 thể nhẹ mà không rõ triệu chứng, bác sĩ cho rằng vẫn cần phải theo dõi trong 3-4 tuần đầu tiên trở sau khi khỏi bệnh để mình có thể quản lý sức khỏe toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người mắc Covid-19.

Sản phụ đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

                         Sản phụ đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Theo BS Sim, các triệu chứng hậu COVID-19 thường xuất hiện từ 4 tuần trở lên sau khi mắc COVID-19. Các triệu chứng dai dẳng, các di chứng muộn để lại cũng khá nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm thì mất khả năng điều trị, gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên việc phát hiện và quản lý vẫn còn chưa được phổ biến một cách rộng rãi, vì vậy cần đến các cơ sở y tế có đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị được đầu tư phục vụ cho khám hậu covid để thăm khám hiệu quả nhất.

Các biến chứng của hậu Covid-19 có thể biểu hiện ở các hệ cơ quan như não, tim, phổi (tức ngực kéo dài, ho kéo dài, hoạt động gắng sức mệt mỏi), thận, tụy, cơ (đau mỏi cơ, thậm chí có biểu hiện tắc mạch ở chi)... Đó là triệu chứng chung của một người bình thường mắc Covid-19. Tuy nhiên với một bà bầu mang thai, bà mẹ sau sinh, những nguy cơ này tăng gấp nhiều lần, bởi bản thân bà bầu mang thai được coi là người có bệnh nền, mang thai có sức miễn dịch kém hơn và khả năng nhiễm bệnh và trở nặng cao hơn.

Bên cạnh đó, sức khỏe của thai nhi, trẻ sơ sinh cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt khi mẹ mắc Covid-19. Cụ thể, nhiều người lo ngại thai nhi có phát triển tốt hay không, có bất thường không? cân nặng như thế nào, hình thái phát triển có bất thường hay không, các biến chứng sản khoa như sảy thai, đẻ non, thai lưu liệu có xuất hiện?

BS Sim cũng cho hay, với trẻ sơ sinh non tháng, có thể rối loạn nhịp thở, giảm tiểu cầu, sốt nhẹ, nhịp tim nhanh, tràn khí màng phổi, chức năng gan rối loạn, mặc dù những em bé này test âm tính với Covid-19.

Tầm soát hậu Covid-19 tránh dẫn đến nguy kịch

Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 mặc dù tăng nhanh, tỷ lệ bà bầu mắc Covid-19 cũng cao, tuy nhiên chỉ tập trung vào những thai phụ chưa tiêm vaccine. TS Nguyễn Thị Sim cũng cho biết, do biến chủng Omicron có biểu hiện bệnh khá âm thầm, triệu chứng nhẹ. Do đó, nhiều bà bầu chủ quan không đi tái khám sau khi khỏi Covid-19. Thậm chí, một số trường hợp khi đến làm thủ tục sinh còn bỏ qua các việc tầm soát, xét nghiệm, sàng lọc phát hiện nguy cơ rất có giá trị.

 

“Có những người may mắn không bị làm sao, nhưng cũng có trường hợp thập tử nhất sinh vì các biến chứng đó đã biểu hiện trên toàn thân của người mẹ mà mình không hề phát hiện bởi đã bỏ qua việc tầm soát, xét nghiệm sàng lọc. Có trường hợp trông người mẹ rất khỏe nhưng khi xét nghiệm trong cơ thể đã có tổn thương đa cơ quan và khi cuộc đẻ kết thúc, người mẹ không thể tự hồi phục, sẽ rơi vào tình huống nguy kịch ngay sau đó”- BS Sim nêu rõ.

Vì vậy, TS.BS Nguyễn Thị Sim khuyến cáo, các sản phụ sau khi mắc COVID-19 nên đi khám hậu Covid-19 tại các cơ sở chuyên sâu để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng cho mẹ cũng như cho thai nhi.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh tầm soát hậu Covid-19 còn có ý nghĩa kiểm tra cơ thể đã hoàn toàn ổn định sau thời gian điều trị Covid-19 hay chưa, đồng thời sàng lọc các bệnh lý mạn tính, tiềm ẩn, nay khởi phát bởi các đáp ứng viêm trong Covid-19 như tiểu đường, tuyến giáp, rối loạn khoáng, một số bệnh tự miễn.

“Khám hậu Covid-19 không phải đi khám để chữa bệnh, đôi khi chỉ là tầm soát xem mình có ổn định sau khi mắc Covid-19 hay chưa. Nếu thực sự ổn định thì là may mắn, nếu phát hiện ra cũng là may mắn vì phát hiện nguy cơ mình còn lên kế hoạch theo dõi thai, chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn, để quản lý nguy cơ một cách toàn diện nhất và giảm được các rủi ro tốt nhất cho các sản phụ”- BS Sim cho biết.

TS.BS Nguyễn Thị Sim cũng khuyến cáo, đối với những sản phụ khi nhập viện chuyển dạ mới phát hiện mắc COVID-19, thì việc phòng tránh lây bệnh từ mẹ sang con đã được nhân viên y tế lên kế hoạch chăm sóc cho mẹ và bé sao cho an toàn nhất.

“Nếu như bình thường, sau khi sinh có thể dùng phương pháp da kề da, nhưng trong trường hợp bà mẹ mắc Covid-19 thì tạm thời không dùng phương pháp này mà đưa ngay bé sang phòng chăm sóc đặc biệt. Khi về nhà, tùy vào tình trạng sức khỏe của người mẹ để có thể chăm sóc con hay nhờ người chăm sóc để tránh nguy cơ lây nhiễm sang trẻ sơ sinh, vì trẻ sơ sinh khả năng miễn dịch chưa tốt”- BS Sim cho hay.

Triệu chứng "hậu Covid-19" biểu hiện ở cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Có người luôn cảm giác lo âu và hoang mang khiến cuộc sống kém chất lượng, có người mất ngủ, rối loạn cơ thể, dẫn tới trầm cảm, rối loạn hành vi... Nhất là với phụ nữ mang thai – đối tượng rất dễ nhạy cảm thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

"Các bà bầu cần phải được quan tâm, theo dõi, thậm chí phải có bác sĩ chuyên sâu tầm soát tất cả các yếu tố ở trường hợp phát bệnh, phát bệnh cơ quan nào thì phối hợp với bác sĩ chuyên ngành cơ quan đó để điều trị bệnh. Vì sau khi mắc Covid-19 ngoài xuất hiện bệnh lý cho mẹ còn nhiều nguy cơ cho thai như: Biến chứng tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, suy thai, thai lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh"- TS Nguyễn Thị Sim lưu ý.

Với hội chứng hậu Covid-19, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, ở phụ nữ tuổi sinh đẻ đa phần là người trẻ, vì thế, tổn thương phổi không quá nặng nề và sự hồi phục rất tốt. Tuy nhiên, cũng như các bệnh nhân Covid-19 khác, họ có thể bị ảnh hưởng tâm lý, phổi ở giai đoạn hậu Covid-19.

Bên cạnh việc tái khám sau đẻ, các bác sĩ sẽ khai thác thêm các vấn đề tâm lý, hô hấp của bệnh nhân để trong trường hợp cần thiết có thể mời chuyên gia về tâm lý, hô hấp hỗ trợ.

"Trong bối cảnh này, tôi khuyến cáo với tất cả mọi người, việc tự phòng bệnh cho chính mình là cực kỳ quan trọng. Thực hiện tốt 5K, virus SARS-CoV-2 không xâm nhập vùng hầu họng thì không thể mắc bệnh. Virus cần vật chủ để lây truyền, không có vật chủ, dịch sẽ giảm"- PGS.TS Trần Danh Cường cho biết./.

Nguồn:

https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-canh-bao-moi-nguy-hiem-voi-hau-covid-19-o-thai-phu-post934049.vov

Bá Thành - Tổ Truyền thông