Sinh mổ có đau không, sinh mổ 1 lần nghĩa là các lần sau cũng phải sinh mổ, mổ đẻ lần sau có đau hơn lần trước? Dưới đây là giải đáp đến từ Ths.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, hy vọng sẽ giúp ích cho các mẹ bầu.
Đẻ mổ lần đầu có đồng nghĩa các lần sau cũng phải mổ?
Thông thường, những trường hợp mổ đẻ do đẻ khó, có chỉ định mổ thì các lần sinh sau sẽ tiếp tục dùng biện pháp mổ. Với một số trường hợp mổ do lựa chọn, việc đẻ thường lần sau dễ gặp nhiều nguy cơ. Nguy hiểm nhất là trong quá trình rặn, tử cung dễ bị rách, nứt, vỡ nên để đảm bảo cho các sản phụ, đẻ mổ được ưu tiên.
Một số sản phụ mong muốn đẻ thường sau đẻ mổ nhưng theo tôi, nguy cơ mất an toàn khi đẻ thường sau đẻ mổ là rất cao.
Những lần mổ sau sẽ đau đớn hơn?
Lần mổ 2 nếu không bị dính các cơ quan trong ổ bụng thì nguy cơ bị đau sau mổ không nhiều hơn so với lần 1.
Ngoài ra hiện tại nhiều bệnh viện có phương án gây tê màng cứng giảm đau sau mổ đẻ cũng cải thiện, giảm các vấn đề về đau giúp chị em bớt lo lắng.
Sau sinh mổ bao lâu có thể mang thai an toàn?
Thông thường thời gian có thể mang thai lại sau mổ đẻ khoảng 1,5 năm, thời gian lành da sau mổ khoảng 2-3 tháng. Với các mẹ sinh mổ cần chú ý tránh thai cẩn thận trong thời gian tối thiểu 1,5 năm.
Đẻ mổ với đẻ thường, đẻ kiểu nào tốt hơn?
Khi đẻ thường, vùng kín bị ảnh hưởng nhiều hơn. Sau cuộc đẻ, toàn bộ ống sinh sản của sản phụ bị giãn ra (cổ tử cung - âm đạo). Và càng sinh nhiều lần thì việc sinh em bé ra ngoài càng dễ dàng nhưng cũng đồng nghĩa là âm đạo sẽ không còn chặt chẽ, khít như những phụ nữ sinh mổ, hay khi chưa sinh con; điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc "quan hệ", cũng như một số hoạt động thể chất do một số sản phụ bị sa thành trước âm đạo, sa thành sau âm đạo nên gần đây có xu hướng đi "thẩm mỹ" vùng kín là vì vậy. "Thẩm mỹ" ở đây là phẫu thuật tái tạo, phục hồi thành âm đạo do bị giãn bởi quá trình sinh nở.
Với đẻ mổ, sẽ rạch một đường khoảng 10cm trên thành bụng vào tử cung để đưa em bé ra ngoài. Sau khi liền lại vị trí này có để lại sẹo, sẹo bên ngoài thành bụng, sẹo bên trong tử cung, một số trường hợp sẽ bị một số vấn đề như khuyết sẹo mổ đẻ cũ, thai làm tổ vào vết mổ cũ... Tuy nhiên, chọn đẻ mổ thì sản phụ sẽ không phải trải qua quá trình chờ sinh, rặn đẻ vất vả, mà sẽ vất vả sau khi mổ.
Dù là đẻ theo phương pháp nào cũng có ưu/ nhược điểm. Là một bác sĩ, tôi khuyên các mẹ nên tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cho việc sinh mổ hay sinh thường. Để mà nói phương pháp nào tốt thì không có cách nào tốt hơn hẳn, chỉ có cách phù hợp nhất với hoàn cảnh, tình trạng, điều kiện, mong muốn sản phụ mà thôi, và một cuộc đẻ an toàn mới là mục tiêu hàng đầu.
Nguồn:
https://phunuvietnam.vn/co-phai-de-mo-lan-2-3-se-dau-hon-lan-dau-cau-tra-loi-tu-bac-si-khien-nhieu-me-bau-bat-ngo-20230413143834489.htm
https://afamily.vn/co-phai-de-mo-lan-2-3-se-dau-hon-lan-dau-cau-tra-loi-tu-bac-si-khien-nhieu-me-bau-bat-ngo-20230413143242638.chn
Bá Thành - Tổ Truyền thông