Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Lần đầu tiên mổ tim cho bé sơ sinh ngay tại bệnh viện phụ sản

Lần đầu tiên mổ tim cho bé sơ sinh ngay tại bệnh viện phụ sản

Bé gái chào đời ngày 10-10 vừa qua tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng non tháng, thai chậm phát triển, tim đập rất chậm do block nhĩ thất mức độ 3 và có nguy cơ tử vong ngay sau sinh đã được mổ tim cấp cứu trong ca mổ đặc biệt.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

Lần đầu tiên tại các bệnh viện phụ sản, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã lập một phòng phẫu thuật ngay bên cạnh khu mổ đẻ, để thực hiện một ca đại phẫu với sự hỗ trợ của các bác sĩ ngoại tim mạch, Bệnh viện Nhi trung ương, điều trị chứng block nhĩ nhất gây loạn nhịp tim cho bé sơ sinh ngay sau khi lọt lòng.

Mở ra trang mới cho điều trị trẻ sơ sinh mắc bệnh lý nặng

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chia sẻ tỉ lệ trẻ mắc tim bẩm sinh thông thường khoảng 1%/tổng số trẻ mới sinh, tại bệnh viện ông mỗi năm có 300 - 400 trẻ chào đời mắc bệnh lý này.

Tuy nhiên cơ hội cứu sống nhiều trẻ trong số này rất ít ỏi, kể cả trong trường hợp Bệnh viện Nhi trung ương nơi có rất nhiều chuyên gia tim mạch nhi chỉ cách Phụ Sản Hà Nội có vài phút đi xe, nhưng có bé vẫn tử vong khi được vận chuyển tới phòng cấp cứu.

Trong 8 năm nay, kể từ 2015, các chuyên gia nhi và sản của hai bệnh viện vẫn hội chẩn liên viện hằng tuần, cùng theo dõi các ca bệnh nặng và tìm biện pháp chữa trị hiệu quả cho các em bé sơ sinh.

Lần này Phụ sản Hà Nội tiếp nhận thai phụ bị lupus ban đỏ, phát hiện thai nhi bị tim bẩm sinh từ tuần thứ 22 của thai kỳ, đến tuần thứ 26 thai phụ nhập viện.

"Chúng tôi theo dõi và chăm sóc sản phụ tại Khoa sản bệnh A4 của bệnh viện, các bác sĩ của Khoa sản bệnh và Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã theo dõi mẹ và thai nhi rất kỹ, trong thai kỳ nhiều tình huống nguy hiểm do mức độ bệnh lý nặng, thai nhi có thể ngừng tim bất kỳ lúc nào, nhưng giữ được thai trong bụng mẹ thêm ngày nào sẽ tốt cho bé nên chúng tôi đã nỗ lực được đến tuần thai thứ 35" - TS Đỗ Tuấn Đạt, trưởng khoa A4, cho biết.

Ngày 9-10, các bác sĩ Phụ Sản Hà Nội thăm khám và đánh giá bắt buộc phải mổ đẻ để em bé được an toàn. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, bác sĩ ngoại tim mạch nhi khoa đến thực địa, một phòng mổ đủ điều kiện mổ tim được thiết lập nhanh để ngay sau khi bé chào đời thì triển khai mổ mở, đặt máy tạo nhịp tạm thời.

Bé gái được phẫu thuật điều trị ngay sau khi chào đời và hiện đang hồi phục tốt - Ảnh: BVCC

Bé gái được phẫu thuật điều trị ngay sau khi chào đời và hiện đang hồi phục tốt - Ảnh: BVCC

"Đã có 7 trưởng khoa của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tham gia ca phẫu thuật này, tinh thần chúng tôi đều rất khẩn trương bởi ngay trong ca mổ, có nhiều lúc tim bé dọa ngưng, nhịp tim rất chậm.

Rất may sau mổ bé có đáp ứng với máy tạo nhịp ngay và được hồi sức kịp thời. Trưởng khoa sơ sinh của bệnh viện đã đưa bé lên xe cấp cứu di chuyển sang Bệnh viện Nhi trung ương để điều trị tiếp, đến nay bé đã tăng thêm được 300g và ít ngày nữa sẽ đạt cân nặng 3kg, đủ cân nặng để can thiệp đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn" - TS Đinh Thúy Linh, giám đốc Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, nói.

Ca phẫu thuật đặc biệt này, theo ông Ánh, đã mở ra một trang mới trong can thiệp cứu các bé sơ sinh mắc bệnh lý nặng.

"Chúng tôi từng gặp những ca có sinh nhưng không có đón trẻ vì trẻ tử vong sớm. Giải pháp cho những trường hợp như vậy là làm sao cứu trẻ trong những giờ đầu sau sinh. Nhờ sự phối hợp sản - nhi: một bên chăm sóc, dưỡng thai, mổ đẻ an toàn, một bên can thiệp điều trị sớm, những ca bệnh chưa có tiền lệ như vậy giúp cứu sống trẻ" - GS Ánh nói.

TS Đinh Thúy Linh (bên trái) và TS Đỗ Tuấn Đạt

TS Đinh Thúy Linh (bên trái) và TS Đỗ Tuấn Đạt

TS Đinh Thúy Linh đã chia sẻ như vậy với báo giới, vì niềm xúc động cứu sống em bé bệnh nặng, trong một ca can thiệp khẩn trương nhưng nhịp nhàng và hiệu quả.

Theo TS Linh, cha mẹ em bé dù được phát hiện con mắc tim bẩm sinh nặng, mẹ bé mắc lupus ban đỏ dễ biến chứng trong và sau thai kỳ, em bé là con thứ ba trong gia đình đã có một bé trai và một bé gái, cả hai đều rất lạc quan, tuân thủ yêu cầu của y bác sĩ, phối hợp tốt với bệnh viện trong suốt hơn 3 tháng vừa qua.

"Em bé gần 1 tháng tuổi và giờ đã ổn chị ấy mới khóc, mới mường tượng lại những ngày khó khăn đã qua và biết rằng gia đình và em bé cùng các bác sĩ đã vượt qua một khúc quanh rất khó khăn nguy hiểm.

Chúng tôi rất hạnh phúc khi được cùng gia đình và cùng bé vượt qua thời điểm khó khăn này, và muốn nói với các gia đình có con mắc bệnh lý nặng là y học có thể can thiệp, chữa trị nhiều bệnh lý khó, các gia đình hãy tin tưởng để đến bệnh viện điều trị" - TS Linh cho biết.

Thông thường các bệnh lý tim bẩm sinh có thể phát hiện sớm từ khi trẻ trong bào thai, đặc biệt là ở tuần thai thứ 18 - 22, tuy nhiên nhiều bệnh lý có thể phát hiện được từ tuần thai thứ 12 - 16 trở đi, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn và trang thiết bị của cơ sở y tế.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ nhiều năm qua Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã phát hiện, hỗ trợ can thiệp cứu nhiều ca bệnh nặng ở trẻ sơ sinh sau khi phát hiện bé bệnh lý từ bào thai.

Bên cạnh đó, các bác sĩ phẫu thuật tim trẻ em cũng đã có những bước tiến dài trong can thiệp, điều trị bệnh lý tim bẩm sinh. Từ đó mở ra cơ hội được lớn lên và trưởng thành của nhiều em bé mắc bệnh lý này.

Kỳ vọng vào đội ngũ

Theo ông Ánh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện có đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, trong đó Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã sàng lọc, phát hiện sớm nhiều bệnh lý từ giai đoạn bào thai và sơ sinh như các bệnh rối loạn chuyển hóa, dị tật tim bẩm sinh nặng, dị tật thính lực, xét nghiệm di truyền tế bào...

Nguồn:

https://tuoitre.vn/lan-dau-tien-mo-tim-cho-be-so-sinh-ngay-tai-benh-vien-phu-san-20231108210843992.htm

https://vietnamnet.vn/quyet-dinh-chua-co-tien-le-cuu-song-em-be-mac-benh-tim-bam-sinh-2212698.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông