Theo Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn, Trưởng khoa D3 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ thai ngoài tử cung chiếm từ 1- 2 % các ca đẻ (tức là 100 ca thì có 1- 2 ca). Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, có nhiều trường hợp mang thai ngoài tử cung, trong đó có cả trường hợp thường gặp và trường hợp hiếm. Một vị trí đặc biệt khác của thai ngoài tử cung là thai bám ở vết mổ cũ đã mổ lấy thai trước đó.
Dấu hiệu thai ngoài tử cung
Theo Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn, mang thai ngoài tử cung gồm 3 dấu hiệu lâm sàng chính:
Chậm kinh: với thai ngoài tử cung, chậm kinh là dấu hiệu đặc biệt có giá trị khi kinh nguyệt của người phụ nữ đều.
Đau bụng: khi đau bụng, một trong hai bên hố chậu đau âm ỉ hoặc thành từng cơn. Khi khối thai vỡ thì thai phụ thấy đau nhói và choáng.
Ra máu: máu âm đạo sẫm màu, ra từng đợt hoặc kéo dài sau 1 vài tuần chậm kinh.
Bên cạnh những dấu hiệu lâm sàng và thăm khám, thai phụ cũng cần phải thực hiện những xét nghiệm, siêu âm cần thiết để chắc chắn đó là thai ngoài tử cung.
Dấu hiệu của thai ngoài tử cung rất dễ nhầm với một số bệnh và biến chứng khác, đặc biệt là sảy thai. Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, thai phụ cần tới ngay bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và siêu âm.Trường hợp bệnh nhân không đi khám sớm nếu thai ngoài tử cung vỡ sẽ dẫn đến mất máu, nhiều bệnh nhân có thể sốc do mất máu, biểu hiện chóng mặt, hoa mắt hay ngất xỉu, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung
Nguyên nhân ở vòi tử cung: thai phụ bị viêm dính vòi tử cung (chủ yếu do nhiễm Chlamydia), các bất thường bẩm sinh của vòi tử cung, phẫu thuật tạo hình vòi tử cung, dính bên ngoài sau viêm phúc mạc, vòi tử cung quá dài, vòi tử cung bị xoắn, co bóp và nhu động bất thường của vòi tử cung.
Các nguyên nhân khác: khối u ở phần phụ (u buồng trứng), lạc nội mạc tử cung, can thiệp vào buồng tử cung (nạo thai), sử dụng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản…chửa ngoài tử cung.
Cách phòng tránh thai ngoài tử cung
Phụ nữ mang thai ngoài tử cung sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản. Hiện tượng này khiến phụ nữ giảm khả năng thụ thai về sau, hoặc có thể bị thai ngoài tử cung lại vào lần mang thai kế tiếp, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.
Để phòng ngừa và hạn chế mang thai ngoài tử cung, Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn đã đưa ra một số lưu ý cho các chị em:
Thứ nhất, khi phụ nữ phát hiện các bệnh như viêm vòi tử cung, viêm dính vòi tử cung, chỉnh sửa bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung thì cần điều trị một cách tích cực và triệt để, đặc biệt là viêm nhiễm do Chlamydia. Chú ý trong phẫu thuật tạo hình vòi tử cung, tránh hiện tượng gấp khúc, xoắn của vòi tử cung.
Thứ hai, phụ nữ cần chữa các bệnh liên quan đến lạc nội mạc tử cung. Chú ý sau sảy thai phải điều trị viêm nhiễm phụ khoa đúng cách và triệt để.
Sau khi điều trị mang thai ngoài tử cung, chị em nên đợi ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới có thai trở lại. Lúc này, cơ thể người phụ nữ đã ổn định nên sẽ tránh được những biến chứng của việc bị thai ngoài tử cung trước đó.
Nguồn:
https://vtv.vn/suc-khoe/mang-thai-ngoai-tu-cung-dau-hieu-nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-20180909235809221.htm
http://vietbao.vn/Suc-khoe/Mang-thai-ngoai-tu-cung-va-nhung-dieu-can-biet-truoc-khi-qua-muon/530518682/248/
Tổ Truyền thông