Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Nhiễm virus gây sùi mào gà tuýp nào thì dễ bị mắc ung thư cổ tử cung nhất?

Nhiễm virus gây sùi mào gà tuýp nào thì dễ bị mắc ung thư cổ tử cung nhất?

Theo các chuyên gia, khi bệnh nhân bị nhiễm virus HPV - virus gây bệnh sùi mào gà, đáng lo ngại nhất nếu nhiễm phải tuýp 16 hoặc 18. Hai tuýp virus này có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung cao nhất.

Nhiễm virus gây sùi mào gà tuýp nào thì dễ bị mắc ung thư cổ tử cung nhất?
Bác sĩ đang tầm soát ung thư cổ tử cung cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

Ths.BSCKII Nguyễn Công Định - Giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Cơ sở 2 - Bệnh viên Phụ Sản Hà Nội cho biết: Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Biểu hiện thường gặp nhất của virus HPV là bệnh sùi mào gà. HPV lây truyền rất mạnh. Từ khi nhiễm HPV đến khi trở thành bệnh ung thư có thể diễn biến trong vòng 10 năm. 

Theo bác sĩ, HPV chia ra nhiều tuýp, tuýp 16 và 18 là nhóm nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, đặc biệt là tuýp 16 rất nguy hiểm. Vì vậy, khi nhiễm phải cần phải đi kiểm tra tế bào, sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Mặc dù virus HPV tuýp 16 và 18 là những tuýp virus nguy cơ gây ung thư rất cao, chiếm khoảng 70- 80% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm 2 tuýp virus này thì bạn sẽ mắc ung thư cổ tử cung. 

"Nếu như không có vấn đề gì thì thông thường, HPV sẽ được đào thải qua cơ chế cơ chế đề kháng tại chỗ, miễn dịch ở cổ tử cung. Dưới 30 tuổi thì từ 18 - 24 tháng HPV có thể tự đào thải. Tuy nhiên, trong quá trình tự đào thải, virus có thể tích hợp vào các tế bào ở cổ tử cung, gây biến đổi gene, gây ra các tổn thương tiền ung thư, sau đó trở thành ung thư cổ tử cung" - bác sĩ Định nói. 

Bác sĩ Định chia sẻ về quy trình sàng lọc ung thư cổ tử cung. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Công Định chia sẻ về quy trình sàng lọc ung thư cổ tử cung. Ảnh: Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

"Khi bị nhiễm HPV, bạn nên đi kiểm tra tế bào cổ tử cung để biết virus HPV đã gây biến đổi ở cổ tử cung hay chưa. Nếu như chỉ nhiễm HPV tuýp 16 hoặc 18 thì cũng không có gì đáng lo ngại. Tỉ lệ nhiễm virus HPV rất cao cả ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có những người nhiễm virus này và bị biến đổi tế bào thì mới có nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung" - Bác sĩ Định phân tích. 

Đối với các trường hợp đã nhiễm HPV thuộc 2 tuýp này, theo bác sĩ, việc đầu tiên là nên đi kiểm tra về tế bào học. Tiếp đó, sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ kê thuốc đào thải HPV. Sau khi dùng hết thuốc lại tiếp tục đi kiểm tra xem HPV có được đào thải hay không hoặc HPV có biển đổi gì hay không.

"Nếu như trước kia chúng ta không có cách chữa HPV, phải chờ đợi vào sự tự đào thải của cơ thể, nếu virus HPV gây ra biến đổi tế bào thì mới điều trị, tuy nhiên, ngày nay đã có thuốc tăng khả năng đào thải virus HPV. Khi điều trị, thuốc có thể giúp làm lành các tổn thương tiền ung thư. Thuốc làm tăng khả năng đào thải virus, nếu tuân thủ tốt có thể đào thải nhanh trong vòng 6 tháng, với tỉ lệ từ 88-90%"- bác sĩ Định cho hay.  

Bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân nên đi kiểm tra 6-12 tháng 1 lần để xác định tình trạng nhiễm virus HPV.

Quy trình sàng lọc ung thư cổ tử cung đã được thống nhất trong toàn bệnh viện. Theo bác sĩ, khi đặt lịch khám, chị em sẽ được dặn 48 giờ trước khi thực hiện khám sàng lọc sẽ không được tác động gì đến vùng cổ tử cung như không thụt rửa, đặt thuốc hay quan hệ tình dục...

Sàng lọc sẽ gồm 2 phần là xét nghiệm tế bào cổ tử cung, 2 là xét nghiệm HPV. Nếu kết quả cả 2 xét nghiệm này âm tính, 3 năm sau mới cần thiết phải sàng lọc lại. Tổng thời gian sàng lọc mất khoảng 30 giây và không đau. Chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng 1.480.000 đồng.

Nguồn:

https://laodong.vn/suc-khoe/nhiem-virus-gay-sui-mao-ga-tuyp-nao-thi-de-bi-mac-ung-thu-co-tu-cung-nhat-1155757.ldo

Bá Thành - Tổ Truyền thông