Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Những nguy cơ cần biết khi phẫu thuật vùng kín

Những nguy cơ cần biết khi phẫu thuật vùng kín

Làm đẹp vùng kín có thể có những sự cố mà nữ giới cần biết trước khi quyết định thực hiện.

Kiêng quan hệ ít nhất 4 - 6 tuần

Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nữ giới trưởng thành muốn làm đẹp vùng kín để cảm thấy tự tin hơn trong đời sống hôn nhân và tình dục cần nhận thức đúng về một số rủi ro trong quá trình thực hiện phẫu thuật.

Một trong các biến chứng có thể xảy ra là nguy cơ hình thành sẹo sau phẫu thuật đối với người có cơ địa lồi, sẹo to, khi đó sẽ không bảo đảm được về mặt thẩm mỹ.

Nguy cơ sốc phản vệ với thuốc gây tê cũng là vấn đề cần được lưu tâm. Ngoài ra, các chị em có thể bị chảy máu hoặc nhiễm trùng nếu bác sĩ thực hiện không khéo, hoặc thực hiện tại cơ sở không uy tín. Vùng kín khi giãn rộng có nhiều da thừa, bác sĩ ít kinh nghiệm có thể cắt thiếu, thừa hoặc lệch, do đó cần thực hiện tại cơ sở y tế đủ điều kiện về chuyên môn, uy tín, nhằm được tư vấn kỹ và thực hiện an toàn.

Sau phẫu thuật, phải uống thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng, và kiêng quan hệ ít nhất 4 - 6 tuần.

Trường hợp nào không nên thực hiện?

Một chuyên gia của Trung tâm Sản phụ khoa - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh lưu ý thêm: Việc làm đẹp, can thiệp phẫu thuật thu nhỏ âm đạo với phụ nữ sau sinh nở cần được thực hiện bởi chuyên gia giàu kinh nghiệm, bởi vùng kín có liên quan chặt chẽ đến chức năng bàng quang và hậu môn - trực tràng.

“Việc tiểu phẫu thu nhỏ vùng kín cần được thực hiện bởi chuyên gia giàu kinh nghiệm, tay nghề cao cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất, tránh nguy cơ biến chứng trong và sau tiểu phẫu. Thực hiện tiểu phẫu tại đơn vị không đủ chuyên môn khiến chị em gặp tai biến sau phẫu thuật như nhiễm khuẩn, nhiễm trùng âm đạo, thủng trực tràng…”, chuyên gia này cho biết.

Chuyên gia sản phụ khoa cũng chia sẻ, nếu phẫu thuật tạo hình thu nhỏ âm đạo là một tiểu phẫu có can thiệp dao kéo thì thu nhỏ vùng kín bằng laser là phương pháp điều trị ít xâm lấn. Bác sĩ sử dụng các tia laser vi điểm để tái tạo lớp biểu mô âm đạo, giúp làm dày và se khít âm đạo, cải thiện tình trạng lỏng lẻo cũng như các bệnh lý sàn chậu khác như són tiểu, sa thành âm đạo, sa tử cung… Tất cả các chị em cần được khám, đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi bác sĩ đưa ra chỉ định. Laser trong thẩm mỹ phụ khoa là công nghệ Erbium: YAG Laser bước sóng 2940 nm. Cần tránh nhầm lẫn với các loại laser khác.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia sản phụ khoa, một số trường hợp không nên thực hiện phẫu thuật thu nhỏ âm đạo là: người đang mang thai hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt; đang mắc các bệnh lý phụ khoa (nhiễm khuẩn, nấm sinh dục, chảy máu âm đạo bất thường, cổ tử cung có biến đổi tế bào bất thường, nhiễm HPV sinh dục đang theo dõi và điều trị); mắc các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, tim mạch, lao…; đang có các vấn đề bất thường về tâm lý.

Nguồn:

https://thanhnien.vn/nhung-nguy-co-can-biet-khi-phau-thuat-vung-kin-post1535592.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông