Chuẩn bị kĩ càng khi vợ mang thai và hành trình đưa vợ đi đẻ lúc 3h sáng
Đối với nhiều người chồng thì việc đưa vợ đi đẻ đúng là một kỉ niệm khó quên. Chứng kiến vợ phải chịu nhiều đau đớn, thậm chí là nguy hiểm tính mạng để sinh con khiến các ông bố trẻ không khỏi xót xa. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (sống tại Hà Nội) cũng là một người chồng như thế, khi kỷ niệm vào phòng đẻ với vợ đã để lại trong anh rất nhiều cảm xúc.
"Từ khi vợ bắt đầu bầu thì 2 vợ chồng mình đã tìm hiểu rất kĩ. Từ đồ dùng của bé như quần áo, thuốc, tã bỉm hay đồ của mẹ như máy hút sữa, máy hâm nóng sữa... Lần đầu làm cha mẹ nên cũng rất lo lắng vì chưa có nhiều kinh nghiệm, mặc dù cả 2 vợ chồng đều công tác trong ngành Dược. Về bệnh viện thì 2 vợ chồng mình cũng tìm hiểu rất nhiều viện như 198, 108, viện E, Thu Cúc, Tâm Anh và 2 viện phụ sản công.
Cơ sở vật chất tại các bệnh viện quốc tế có vẻ tốt hơn mà giá dịch vụ tại các bệnh viện là tương đương nhau, không chênh lệch quá nhiều. 2 vợ chồng mình quyết định chọn viện Phụ sản Hà Nội vì đây là bệnh viện đầu ngành nên lỡ có vấn đề phát sinh sẽ yên tâm hơn. Nhưng dù chuẩn bị kĩ đến đâu hai vợ chồng cũng không tránh khỏi cảm giác hồi hộp lo lắng vì là lần đầu mà.
Sau khi tham khảo nhiều bệnh viện khác nhau, 2 vợ chồng anh Hùng quyết định chọn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Gần sinh khoảng 1 tuần thì vợ mình thi thoảng xuất hiện cơn gò và đau hơn bình thường. Đặc biệt 1 ngày trước sinh thì cơn gò nhiều hơn hẳn. Đến rạng sáng cơn gò xuất hiện liên tục khiến vợ mình đau không thể ngủ, cô ấy quyết định gọi điện cho bác sĩ và bác sĩ cũng khuyên nhập viện đi. Thế là 3-4h sáng hai vợ chồng liền chuẩn bị đồ để đi đẻ.
Khi đến viện, đầu tiên là vào thẳng nhà cấp cứu, vợ mình được hỏi han, thăm khám lại 1 lần nữa. Mình thì làm các thủ tục cần thiết, trình bảo hiểm, giấy khám thai lần gần nhất, điền thông tin, đăng ký các dịch vụ sàng lọc cho con sau khi sinh.
Làm thủ tục xong xuôi thì mình đi nộp viện phí (hết 21 triệu) còn vợ được đưa lên khám tiếp. Sau khi khám thì vợ đã mở 1cm và được chuyển sang phòng trước sinh để nghỉ ngơi, ăn uống và quay trở lại phòng sinh để khám theo chỉ định của bác sĩ".
Kỷ niệm "vượt cạn" cùng vợ không thể nào quên
Trong quá trình đưa vợ đi đẻ, ấn tượng nhất với anh Hùng là khoảnh khắc vào phòng sinh cùng vợ: "Khoảng 4h chiều thì bác sĩ gọi mình mặc quần áo của bệnh viện và bước vào phòng sản phụ sinh. Mặc dù các bà bầu nằm cách biệt khu vực riêng nhưng khi nghe tiếng kêu gào, tiếng các bác sĩ... nghĩ lại vẫn cảm thấy rùng mình. Khi đó mình thấy thương vợ lắm! Các ông chồng phải chứng kiến cảnh này ít nhất 1 lần trong đời thì mới hiểu được.
Nhìn các bác sĩ dạy vợ cách rặn, cách thở, cách làm sao để dễ đẻ hơn. Nghe tiếng bác sĩ cắt thịt sống và họ phải dùng lực rất mạnh để ấn bụng, cùng với sức rặn của các mẹ để tìm cách đưa em bé ra ngoài, đến giờ mình vẫn sốc. Biết sinh nở là rất khổ cực nhưng không nghĩ lại đến mức vậy. Mình làm bên Dược, cũng từng học qua khá nhiều kiến thức y khoa nhưng mình vẫn hơi sốc. Vì thương vợ nên mình phải cố không bật khóc khi chứng kiến tận mắt việc mọi người phụ nữ đã và sẽ trải qua.
Vợ mình tiền sử thiếu máu nhẹ và rất hay bị tụt huyết áp, ngất mỗi khi mệt mỏi hoặc đến 'ngày phụ nữ'. Mình còn bảo với vợ là anh lo em ngất trên giường đẻ lắm vì lúc đó sẽ rất đau và mệt. Giờ nói vui được chứ thú thật mình rất lo nhưng may mắn là vợ mình cũng vượt qua rất xuất sắc.
Mang thai quả thực rất vất vả và áp lực, ngay cả khi sinh xong lẫn trong quá trình ở cữ. Thèm ăn, thèm uống rất nhiều thứ, phải kiêng cái này kiêng cái kia rất thiệt thòi. Phải thức đêm thức hôm chăm con, cho con bú rồi cả những lúc con quấy khóc, con khó chịu bỏ ăn, con bệnh... thực sự là rất vất vả.
Em bé hiện giờ đã được gần 1 tháng tuổi, rất kháu khỉnh và đáng yêu.
Cuộc sống của cả 2 vợ chồng đều sẽ bị đảo lộn tất cả, thậm chí có phần sẽ bị sốc nếu như không chuẩn bị trước tinh thần và sức khỏe. Qua trải nghiệm đưa vợ đi đẻ lần này mình muốn nhắn gửi đến các ông bố trẻ rằng hãy quan tâm đến vợ nhiều hơn, hãy hiểu và thông cảm với vợ nhiều hơn. Bởi trong cuộc sống nói chung hay lúc mang bầu nói riêng vợ sẽ có rất nhiều tâm sự, rất cần người có thể san sẻ và làm chỗ tựa. Nên các ông chồng đừng chỉ là những người chồng không, mà hãy trở thành những người bạn tốt nhất của vợ mình nhé!".
Nguồn: http://nhipsongkinhte.ttvn.vn/helino/ong-chong-ke-lai-ki-niem-nho-doi-khi-vao-phong-sinh-cung-vo-rung-minh-khi-xung-quanh-toan-tieng-keu-gao-la-het-2220191010143010888.htm
Tổ Truyền thông