Chị T.B, 33 tuổi, quê Hà Nam. Ở lần mang thai con thứ 4, chị theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế tư nhân. Ở tuần thai thứ 32, các bác sĩ nghi ngờ chị có rau cài răng lược nhưng chỉ theo dõi, không tư vấn gì thêm.
Đến tuần 36, chị tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội làm hồ sơ sinh, được chẩn đoán rau cài răng lược thể Percreta. Bệnh tiến triển xấu, sản phụ được chỉ định nhập Khoa Sản bệnh (A4).
Sau hội chẩn, các bác sĩ nhận định tuần 37 là thời điểm thích hợp mổ lấy thai chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Ca mổ diễn ra khó khăn do tử cung dính vào thành bụng trước, khi ê-kíp gỡ dính tử cung thấy tử cung tăng sinh rất nhiều mạch máu, rau đẩy lồi đoạn dưới tử cung, tiên lượng chảy máu nhiều.
Ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ đón bé trai nặng 3,6kg. Sản phụ được cắt tử cung bán phần để lại 2 phần phụ. Sau phẫu thuật, tình trạng của mẹ và bé đều ổn định.
Rau cài răng lược là một trong những bệnh lý nguy hiểm ám ảnh bác sĩ sản. Tình trạng này xảy ra khi các gai rau bám đến lớp cơ tử cung, hoặc đâm xuyên qua thành tử cung. Bình thường sau khi sinh, bánh rau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được đưa ra ngoài, nhưng khi bị rau cài răng lược, bánh rau không thể bong.
Việc bóc bánh rau trong trường hợp này có thể gây chảy máu số lượng lớn. Đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, nguy cơ tổn thương hệ tiết niệu rất cao. Đó là biến cố rất nguy hiểm đối với sản phụ bởi có thể đe dọa trực tiếp tính mạng mẹ và bé.
Nếu rau cài đến bàng quang hay trực tràng, sản phụ có thể phải cắt bỏ 1 phần bàng quang hay trực tràng mới cầm máu được. Một số người phải cắt bỏ tử cung, thậm chí có sản phụ tử vong trên bàn mổ do mất máu cấp tính khi phẫu thuật rau cài răng lược.
Tai biến sản khoa này dễ xảy ra ở các mẹ bầu bị rau thai tiền đạo, đẻ nhiều lần, từng nạo hút thai, mang bầu khi ngoài tuổi 35, thói quen hút thuốc, u xơ tử cung,...
Các bác sĩ khuyến cáo để tránh các tai biến sản khoa nguy hiểm do rau cài răng lược, thai phụ nên thăm khám và quản lý thai chặt chẽ tại các bệnh viện chuyên ngành.
Tăng cân khi mang thai là bình thường, điều quan trọng là phải cân bằng giữa tăng cân tổng thể và chỉ số khối cơ thể (BMI), theo số đo trước khi mang thai.
Thông thường, trong một kỳ mang thai bà mẹ tăng 10-12kg bao gồm bào thai, rau thai, nước ối, máu, dịch mô, tử cung, vú. Tăng cân quá nhiều dễ dẫn đến nguy cơ thai phụ bị tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, tăng tỷ lệ sinh non, sinh mổ. Tăng cân quá ít dễ gây ra tình trạng thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung, thai bị suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ sinh non.
Nguồn:
https://vietnamnet.vn/san-phu-130kg-mac-loai-benh-am-anh-bac-si-khi-sinh-con-lan-4-2212662.html
Bá Thành - Tổ Truyền thông