Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là một vấn đề y tế và xã hội nghiêm trọng không chỉ ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 50.000 bệnh nhân đến khám và điều trị, nhưng số người mắc bệnh thực sự ước tính vào khoảng 500.000 người.

Các bệnh lây qua đường tình dục (BLQĐTD) là các bệnh mà tác nhân lan truyền từ người này sang người khác trong quá trình giao hợp (quan hệ tình dục), có thể là giao hợp dương vật - âm đạo, dương vật - hậu môn, hoặc dương vật - miệng.  Các bệnh LQĐTD không chỉ lây truyền qua quan hệ tình dục mà còn qua mẹ truyền cho con khi có thai, khi cho con bú và qua các dụng cụ tiêm, chích và da.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh – Trưởng khoa Khám Chuyên gia các bệnh LTQĐTD thường gặp:

 1.Bệnh lậu:

  • Là một bệnh nhiễm trùng gây ra do vi trùng lậu có tên khoa học là Neisseria gonorhea. Bệnh thường xuất hiện 2-3 ngày ( cũng có khi chỉ sau 1 ngày, có khi sau tới 10 ngày ) sau khi giao hợp với người mắc bệnh.
Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra bệnh lậu
  • Ở nam giới thường thấy chảy mủ ở niệu đạo, đi tiểu khó, nước tiểu đục hay có máu.
  • Ở nữ giới ra nhiều khí hư như mủ trắng, đi tiểu khó.

2. Bệnh nhiễm chlamydia đường sinh dục:

  • Tác nhân chủ yếu là do Chlamydia Trachomatis, là loại vi sinh vật chỉ sống trong tế bào cơ thể người.
Chlamydia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản cần được phát hiện sớm để điều trị hiệu quả
  • Gây viêm niệu đạo và viêm cổ tử cung
  • Biểu hiện giống như bệnh lậu.

3.Bệnh trùng roi đường sinh dục:

  • Là bệnh nhiễm trùng đường sinh dục - tiết niệu thường gặp do loại đơn bào Trichomonas vaginalis gây nên.
Trichomonas vaginalis là trùng roi âm đạo gây viêm, ngứa vùng kín 
  • Ngoài lây qua đường tình dục chủ yếu . có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ.
  • Ở nữ giới: nhiều huyết trắng loãng, có bọt, màu vàng xanh, mùi hôi, ngứa nhiều và đi tiểu khó.
  • Ở nam giới: thường không có triệu chứng , một số có thể bị ngứa dương vật, đi tiểu khó.

4.Bệnh hạ cam mềm(CHANCROID – Săng) :

  Do vi khuẩn hạ cam Haemophilus Ducreyi gây nên.

Viêm loét nhiều ở bộ phận sinh dục, xuất hiện 4-5 ngày sau khi quan hệ tình dục với người mắc bệnh, hạch sưng to và đau.

5.Bệnh giang mai:

 Là bệnh nhiểm trùng kinh điển gây nên do xoắn khuẩn giang mai

Giai đoạn đầu gây tổn thương da, niêm mạc sau đó có thể lan vào các phủ tạng như tổ chức dưới da, xương, thần kinh, tim mạch.

Mẹ bị giang mai có thể lây cho con khi mang thai gây giang mai bẩm sinh.

6.Bệnh mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục ):

 Do vi rút herpes gây nên. Người bệnh có cảm giác đau, ngứa do các mụn nước ở vùng sinh dục ngoài - có thể tổn thương cả âm đạo, niệu đạo làm cho đi tiểu khó, dịch niệu đạo nhiều.Bệnh dễ tái phát do vi rút tồn tại trong cơ thể .

7. Bệnh viêm gan B

Vi rút viêm gan B gây bệnh ở gan nhưng lây qua dịch sinh dục và qua máu. Bạn có thể bị nhiễm vi rút mà không có biểu hiện gì. Cũng có thể sau khi nhiễm một thời gian mới có biểu hiện ( chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt , nước tiểu sẫm màu...) ở nhiều người có thể tự khỏi sau một vài tháng nghỉ ngơi tốt nhưng cũng có thể trở thành bệnh viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan, ung thư gan.Nếu nghi ngờ, cần đi thử máu xác định Viêm gan B có thể phòng bệnh bằng tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.

8. Nhiễm HIV và bệnh AIDS:

HIV là một vi rút gây suy giảm miễm dịch mắc phải ở người làm suy yếu hoặc tiến tới mất hẳn khả năng chống lại bệnh tật, viết tắt của từ  Human immunodeficiency virus.

Vi rút HIV

Khi HIV xâm nhập vào cơ thể, nó có thể tấn công có lựa chọn đối với các tế bào bạch cầu loại limpho - T, làm cơ thể mất sức đề kháng.

Sự phá hoại này diễn ra trong thời gian dài (khoảng 2-10 năm). Đa số người nhiễm HIV không có bất kỳ một dấu hiệu hay một triệu chứng nào trong nhiều năm, chỉ có thể phát hiện nhiễm HIV qua xét nghiệm máu.

 AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV do hệ thống miễn dịch bị tổn thương, có thể bị nhiễm bệnh do cơ thể không tự bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng mà cơ thể của người khoẻ mạnh có thể chống đỡ được. Những bệnh này gọi là bệnh cơ hội, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tử vong.

Khi mới phát hiện AIDS, biểu hiện thường sụt cân nhiều, ho kéo dài, ỉa chảy kéo dài, sốt kéo dài, sưng hạch, đau họng, lở loét trên da ... Đến giai đoạn AIDS toàn phát, người bệnh có thể mắc các bệnh cơ hội như  bệnh lao, viêm phổi đường ruột, các bệnh phụ khoa…

HIV lây truyền qua ba con đường: tình dục, đường máu và từ mẹ sang con ( lúc mang thai, khi sinh hoặc cho con bú ).

Xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính (+) là đã nhiễm HIV, âm tính (-) có thể không nhiễm HIV hoặc đã nhiễm nhưng còn trong “Thời kỳ cửa sổ”.  Trong thời kỳ cửa sổ HIV đã xâm nhập nhưng kháng thể chống HIV chưa được sinh ra hoặc số lượng quá ít nên xét nghiệm chưa phát hiện được. “Thời kỳ cửa sổ” kéo dài từ 3 đến 6 tháng sau khi bị HIV xâm nhập vào cơ thể cho nên để chắc chắn, thời gian thử máu lại cần cách lúc nghi ngờ bị lây bệnh là 6 tháng.           

 HẬU QUẢ CỦA CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC:

Các bệnh LQĐTD có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, nếu khi mắc bệnh không đi khám và điều trị kịp thời.

1. Các biến chứng:

 - Viêm hố chậu ở người phụ nữ .

- Thai ngoài tử cung: do viêm tắc ống dẫn trứng nên khi trứng thụ tinh không xuống được tử cung để làm tổ mà tồn tại ở ống dẫn  trứng hoặc rơi vào ổ bụng.

- Vô sinh: do bệnh gây tổn thương cơ quan sinh dục làm mất khả năng sinh đẻ của người bệnh. Nam giới thường do viêm mào tinh hoàn làm mất khả năng sinh tinh trùng. Nữ do viêm tắc ống dẫn trứng, viêm buồng tử cung.

- Giang mai bẩm sinh: do truyền bệnh từ mẹ sang con qua nhau thai gây nên thai chết, sẩy thai, đẻ non và các dị tật ở trẻ sơ sinh.

- Viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh: do trẻ bị nhiễm khi sinh qua đường sinh dục. Bệnh có thể gây mù vĩnh viễn.

-Nguy cơ bị ung thư: các viêm nhiễm mãn tính dễ dẫn đến ung thư đặc biệt bị bệnh sùi mào gà và mụn  rộp sinh dục ở cổ tử cung có nguy cơ cao bị ung thư.

  1. Hậu quả kinh tế xã hội :

Về mặt kinh tế, chi phí cho điều trị bệnh rất tốn kém. Người bệnh còn phải nghỉ làm việc nên thiệt hại kinh tế do bệnh gây ra rất lớn.

Về mặt xã hội, người bệnh thường cảm thấy xấu hổ, xa lánh mọi người. Phụ nữ bị bệnh vô sinh có thể bị chồng ly dị …

Nếu bố mẹ bị chết sẽ để lại đứa trẻ mồ côi với bao khó khăn, đau khổ.

CÁCH PHÒNG TRÁNH

  1. Phòng tránh lây qua đường tình dục:

 Kiêng không quan hệ tình dục: để thực hiện được điều này rất khó khăn, cần phải quyết tâm cao từ hai phía.

Chung thủy từ cả hai phía khi biết chắc chắn cả hai không mắc các bệnh LQĐTD : chung thủy không những là lá chắn ngăn chặn các bệnh LQĐTD mà có bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Tuy nhiên phải bảo đảm chung thủy cả hai người và trước tiên phải biết chắc chắn rằng cả hai người đều không mắc bệnh LQĐTD ( qua các xét nghiêm).

Dùng bao cao su: là phương pháp tình dục an toàn. Không chỉ an toàn  đối với bạn tình mà còn an toàn cho cả người bạn yêu quý. Nếu không biết chắc chắn có bị nhiễm các bệnh LQĐTD hay không, bạn hãy sử dụng bao cao su. BCS còn là biện pháp có hiệu quả phòng tránh thai ngoài ý muốn.

  1. Phòng tránh lây qua đường máu do dùng chung bơm tiêm:

Cách phòng tránh hay nhất là bất cứ khi nào cần tiêm, phải mua ở hiệu thuốc loại bơm tiêm dùng một lần rồi bỏ, giá chỉ khoảng 1000 đồng. Nếu không có điều kiện làm thế, bạn hãy mua một bộ bơm kim riêng, tiệt trùng trước và sau mỗi lần sử dụng.

  1. Phòng tránh lây qua đường máu do truyền máu:

Nước ta có quy định phải xét nghiệm và loại bỏ máu nhiễm HIV. Nếu vài tháng nữa bạn sẽ phẫu thuật và cần truyền máu, bạn có thể yêu cầu bệnh viện trích máu mình từ bây giờ và để dành. Bạn cũng có thể xin máu của người thân mà bạn biết rõ không nhiễm HIV.

  1. Phòng tránh lây truyền từ mẹ sang con:

Có nhiều ý kiến cho rằng người phụ nữ đã nhiễm HIV thì cách phòng tránh tốt nhất là không sinh con. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng người phụ nữ bị nhiễm HIV cũng như bất cứ ai khác, có nhu cầu làm mẹ và khả năng lây nhiễm chỉ khoảng 30%. Do đó , chính người phụ nữ cùng chồng mình là những người quyết định sinh con hay không. Về sữa mẹ, lời khuyên chung là người mẹ dù nhiễm HIV vẫn nên cho con bú. Lý do là sữa mẹ có những kháng thể rất cần thiết để bảo vệ cuộc sống của bé. Nếu không được bú mẹ, bé dễ bị tiêu chảy hoặc bị suy dinh dưỡng có thể nguy hiểm đến tính mạng, do đó, bé bú mẹ vẫn an toàn hơn cả.

Thu Linh - Tổ Truyền thông