Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

“Bác sĩ ơi đẻ non như vậy thì có nuôi được không?”

“Bác sĩ ơi đẻ non như vậy thì có nuôi được không?”

Bây giờ khi con đã được gần 2 tuổi rồi, mình vẫn thấy sợ khi nghĩ lại quãng thời gian khi con được sinh ra. Mọi chuyện bắt đầu trong một lần mình đi khám thai định kỳ ở tuần 28, em bé vẫn phát triển bình thường. Tiếp đó, mình tiêm thêm một mũi uốn ván để chuẩn bị thật tốt cho những tuần cuối thai kỳ. Nhưng…

Tối hôm đó, mình bị ra máu, bản năng làm mẹ cho mình biết có điều gì đó không ổn rồi. Mình nhập viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu ngay trong đêm hôm đó. Cho đến lúc ấy mình mới biết cổ tử cung của mình bị ngắn, mà càng cuối thai kỳ em bé càng lớn hơn áp lực xuống cổ tử cung nên không thể giữ được lâu hơn. 

Mình nằm viện được 3 ngày thì có cơn co chuyển dạ và sinh em bé. Khi đó con được 29 tuần và chỉ nặng 1000g. Ngày xưa, mình cũng đã bị sinh non ở tuần 26 và không giữ được con nên lúc đấy mình hoang mang lắm. 

“Bác sĩ ơi đẻ non như vậy thì có nuôi được không?”

Đó là câu mình đã hỏi bác sĩ sau khi sinh xong và nhận được câu trả lời “cũng khó lắm nhưng các bác sẽ cố gắng”. Mình chỉ sợ con cũng giống như em bé đầu tiên cũng không ở lại bên mình.

Sau khi đẻ, con không thể tự thở được nên các bác sĩ đã đưa con đi cấp cứu luôn mà mình chưa kịp nhìn mặt con. Lúc đó mình chỉ biết đặt niềm tin vào các bác sĩ và may mắn đã mỉm cười với mình.

Nhớ lại lần đầu tiên mình được gặp con là khi con được hơn 20 ngày tuổi, các bác cho con đi chụp Xquang. Thực sự mình chưa tưởng tượng ra gương mặt em bé trước đó, trong lòng mình tự dưng vui lắm. Con được 1,3kg, nhỏ lắm nhưng xinh xắn trông hệt như búp bê vậy.

Rồi hai mẹ con lại xa cách nhau, đến khi con được hơn 40 ngày tuổi. Các bác sĩ trên khoa gọi mẹ lên cho con tập bú. Cảm giác khi ấy kỳ lạ lắm. Mình bế con mà tay run bật bật, hồi hộp đến nỗi bác sĩ đo nhiệt độ mà mình còn bị sốt luôn.

Con nằm viện 56 ngày thì được về nhà. Vì con sinh non nên việc nuôi cũng khó hơn các bạn khác. Nhiều lần mình bị hoảng loạn vì con bú bình mạnh quá bị ngưng thở, toàn thân tím tái. Mỗi khi như vậy lại phải búng thật mạnh vào chân để con khóc to, cứ khóc được là thở được, đó là cách xử lý mà cách cô điều dưỡng dạy trước khi mình đưa con về nhà.

Lần đầu tiên làm mẹ, nhiều thứ mình không biết, vụng về, lóng ngóng lắm. Nhưng mình may mắn vì có mẹ luôn bên cạnh. Bà chăm cháu còn nhiều hơn cả mẹ chăm con. Nhờ có bà mà mình mới tự tin để đồng hành với con đến bây giờ.

Qua câu chuyện của mình, mình muốn nhắn nhủ với các mẹ đã từng sinh non hoặc các mẹ có dự định mang thai nên đi khám định kỳ thường xuyên trong suốt thai kỳ tại những địa chỉ uy tín, có chuyên môn cao. Và đừng quên kể cho các bác sĩ nghe về tiền sử của mình để các bác theo dõi kỹ hơn trong thai kỳ và có phương áp xử lý kịp thời.

Câu chuyện của mẹ: Nguyễn Ngọc Huyền (Từ Sơn, Bắc Ninh) - mẹ của bé sinh non từng được chăm sóc và điều trị tại khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

#WorldPrematurityDay #TinieBU #humansofsinhnon

___________________________

Hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về chăm sóc trẻ sinh non, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã phối hợp cùng tổ chức Newborns Việt Nam và nhãn hàng Bu Baby đã tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông thông qua các bài viết mang chủ đề “Human of SinhNon”. Bài viết xoay quanh chủ đề là những hoạt động thường ngày nhưng giàu cảm xúc, tính nhân văn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đang hàng ngày làm công việc cứu sống và nuôi dưỡng các em bé sinh non cũng như những người bố, người mẹ đã và đang có em bé sinh non tại viện.

Hãy chia sẻ bài viết này kèm theo hashtag #WorldPrematurityDay #TinieBU #HumansofSinhNon bởi với mỗi lượt chia sẻ hợp lệ, BU Baby sẽ quyên góp 1 bộ quần áo dành cho trẻ sinh non (sản phẩm BU Tinie) trị giá 215.000đ/bộ.