Lý do được đưa ra là để giảm tải cho tuyến Trung ương và thuận lợi cho người bệnh đến khám. Sáng 21/6, GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Đoàn công tác cuả Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đoàn công tác đã kiểm tra hoạt động cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh; Cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế tài chính, thanh quyết toán bảo hiểm y tế; An ninh bệnh viện; Đổi mới phong cách thái độ và khảo sát hài lòng người bệnh; chuẩn bị liên thông xét nghiệm y tế.
Kiểm tra Khoa Hỗ trợ sinh sản – được thành lập vào năm 2006, báo cáo của lãnh đạo khoa cho thấy, tại đây đã có những cải tiến, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Cụ thể, khoa đã xây dựng kịch bản tiếp đón bệnh nhân, tập huấn cho cán bộ thực hiện kịch bản này. Trong đó, nhân viên của Khoa được đào tạo về giao tiếp, đặc biệt là chào bệnh nhân.
Ngoài ra, do đón tiếp không ít bệnh nhân nước ngoài nên Khoa đã xây dựng phiên bản kịch bản tiếp đón tiếng Anh. Nhân viên trong Khoa cũng được tạo điều kiện tham gia nâng cao trình độ ngoại ngữ. Các cán bộ trong Khoa thường xuyên thực hiện giao ban bằng Tiếng Anh.
Được biết, nếu năm 2013, khoa chỉ mới thực hiện khoảng 200 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm thì đến năm 2017, con số này đã nâng lên 1.200 chu kỳ. Năm 2018, Khoa sẽ kỷ niệm 10 năm đón em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên.
Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, năm 2016, điểm kiểm tra bệnh viện của BV này đạt 3,98 điểm/5 điểm. Trong quý II/2016, Bệnh viện phấn đấu hoàn thành liên thông xét nghiệm. Hiện Bệnh viện đã triển khai thực hiện liên thông xét nghiệm, xây dựng khoa Xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO15189.
“Nếu hoàn thành được mục tiêu này, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ là bệnh viện đầu tiên trong toàn Sở Y tế Hà Nội thực hiện” – TS Ánh nói.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho biết, từ 4-5 năm nay, do ngày càng hoàn thiện về chuyên môn, dịch vụ,mỗi năm, chỉ có khoảng 1-2 ca chuyển tuyến lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Hiện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không chỉ tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân trong địa bàn Hà Nội mà còn các tỉnh miền Bắc.
Do đó, để giảm tải cho tuyến Trung ương và thuận lợi cho người bệnh đến khám, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đề xuất Bộ Y tế cấp phép chứng nhận cho BV trở thành bệnh viện tuyến cuối sản phụ khoa.
Tại buổi làm việc, TS Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thế mạnh lớn nhất của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong thời gian qua là hoạt động sàng lọc trước sinh, sơ sinh và hỗ trợ sinh sản.
BV Phụ sản Hà Nội là 1 trong 4 bệnh viện chuyên khoa hạng 1 của Hà Nội, đã tự chủ tài chính. Thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, Sở Y tế Hà Nội điều chuyển, sáp nhập Trung tâm Chăm sóc SKSS Hà Đông và Trung tâm Chăm sóc SKSS Hà Nội về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đối với đề xuất trở thành bệnh viện tuyến cuối sản phụ khoa, TS Hiền thông tin, tại Hà Nội đã có Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội được Bộ Y tế cấp phép chứng nhận là bệnh viện tuyến cuối trong ngành tim và ung bướu.
Đánh giá cao những kết quả hoạt động của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong thời gian qua, đặc biệt là những cải tiến trong chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao trình độ, kỹ thuật, xây dựng bệnh viện Xanh – sạch – đẹp – thân thiện, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn của bệnh viện.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đề nghị Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có thêm những cải tiến về nhận dạng bệnh nhân, thể hiện bảng hiển thị danh sách bệnh nhân chờ ở khu vực khám bệnh để bệnh nhân tiện theo dõi.
Đối với khoa Hỗ trợ sinh sản, Thứ trưởng bày tỏ sự hài lòng với kết quả thực hiện của Khoa nhưng đề nghị khoa và Bệnh viện cần tuân thủ, quản lý chặt chẽ, khoa học hơn nữa.
Về đề xuất của Bệnh viện xin Bộ Y tế cấp phép chứng nhận trở thành bệnh viện tuyến cuối sản phụ khoa, Thứ trưởng ủng hộ đề xuất này, tuy nhiên lưu ý bệnh viện phải đúng quy trình quy định của Bộ Y tế.
Theo Cục quản lý khám chữa bệnh