Chiều ngày 28/08/2024, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: "Cập nhật hướng dẫn sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp (Tiền sản giật, sản giật) ở phụ nữ mang thai" nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật những tiến bộ mới nhất về chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp (tiền sản giật, sản giật) ở phụ nữ mang thai.
Sinh hoạt khoa học diễn ra dưới sự chủ trì của TS.BSCKII. Mai Trọng Hưng - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cùng sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, bác sĩ quan tâm về lĩnh vực sản, phụ khoa.
Phát biểu khai mạc, TS.BSCKII. Mai Trọng Hưng - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội mong muốn buổi sinh hoạt khoa học sẽ tạo cơ hội để các chuyên gia, bác sĩ cập nhật kiến thức, kinh nghiệm mới và trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị tối ưu cho phụ nữ mang thai.
Tiền sản giật là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng xảy ra ở một số phụ nữ mang thai, đặc trưng bởi huyết áp cao và protein trong nước tiểu. Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Sản giật là một biến chứng nghiêm trọng của tiền sản giật, biểu hiện bằng các cơn co giật toàn thân không kiểm soát được ở phụ nữ mang thai
Tại buổi sinh hoạt khoa học, các báo cáo viên đã đem đến những bài báo cáo chuyên sâu, bổ ích gồm các nội dung chính như sau:
Báo cáo về "Thực hành Sàng lọc dự phòng Tiền sản giật ở TCN1" do TS.BS. Đinh Thúy Linh - Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Shẩn đoán trước sinh và Sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trình bày, nhấn mạnh: Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh. Trong 3 tháng đầu, áp dụng ở tất cả thai phụ: sàng lọc sử dụng mô hình phối hợp, bao gồm: yếu tố của mẹ, siêu âm, HATB, PlGF mang đến hiệu quả vượt trội trong việc phát hiện nguy cơ tiền sản giật. Trong ba tháng giữa và ba tháng cuối: chỉ áp dụng ở thai phụ có dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ tiền sản giật: sử dụng tỷ số sFlt-1/PlGF để giúp tiên lượng, hỗ trợ chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt tiền sản giật với các trường hợp tăng huyết áp khác, chấm dứt thai kỳ và quản lý tiền sản giật phù hợp.
Báo cáo về "Thực hành chẩn đoán, quản lý TSG ở TCN 2 và 3" do TS.BS. Đỗ Tuấn Đạt - Trưởng khoa Khoa Sản bệnh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khẳng định: Sàng lọc nguy cơ tiền sản giật cao hay thấp đều cần được theo dõi và quản lý trong suốt thai kỳ (phân tầng theo dõi) và bất kì bệnh lý nào xuất hiện ở người mẹ đều có thể là tiền căn gây tiền sản giật. Việc lựa chọn thuốc và phương pháp điều trị dựa trên cân nhắc lợi ích - nguy cơ giữa thai phụ và thai nhi.
Báo cáo về "Cập nhật hướng dẫn sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp (Tiền sản giật, sản giật) ở Phụ nữ mang thai" do Ths.Bs. Nguyễn Cảnh Chương – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến trình bày: Việc cập nhật liên tục các hướng dẫn về sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Điều này giúp đảm bảo rằng phụ nữ mang thai được chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé.
Buổi sinh hoạt khoa học đã diễn ra thành công tốt đẹp với các thảo luận chuyên sâu giữa các chuyên gia, các bác sĩ tham dự và đưa ra những nhận định quan trọng về cập nhật hướng dẫn sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp (tiền sản giật, sản giật) ở phụ nữ mang thai. Hy vọng rằng, với những kiến thức quý báu và những cập nhật hướng dẫn sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp (tiền sản giật, sản giật) ở phụ nữ mang thai mà các chuyên gia đã chia sẻ sẽ góp phần vào việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là trong công tác sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp (tiền sản giật, sản giật) ở phụ nữ mang thai tại Việt Nam.
Ngọc Ánh/Tuấn Anh - Tổ Truyền thông