Ngày Nước Thế giới và Ngày Khí tượng Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 22 và 23 tháng 3, đây là dịp để nhìn lại những thách thức liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước mà chúng ta đang đối mặt.
Theo đó, Ngày Nước thế giới năm 2023 có chủ đề là “Accelerating Change” - “Thúc đẩy sự thay đổi” nhằm khuyến khích mọi người tham gia hành động để thay đổi cách sử dụng, tiêu thụ, và quản lý nguồn nước. Những cam kết thay đổi này sẽ được bổ sung vào Chương trình hành động vì nước, sẽ được phát động tại Hội nghị về nước của Liên hợp quốc vào ngày 22/3 tới - Đây là sự kiện lần đầu được tổ chức trong gần 50 năm qua.
Ngày Khí tượng thế giới là sự kiện thường niên được tổ chức hàng năm vào ngày 23/3 để ghi nhớ việc thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vào ngày 23/3/1950. Mỗi năm, tổ chức này phát động một chủ đề cho Ngày Khí tượng Thế giới và năm nay là “The Future of Weather, Climate and Water across Generations” - chủ đề tuyên truyền của Việt Nam là “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”. Thông điệp này khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội đồng thời kêu gọi trách nhiệm của mỗi một cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của cơ quan Khí tượng thủy văn (KTTV) trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “The Biggest Hour for Earth” -“Thời khắc quan trọng cho Trái đất”. Thông điệp nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học; kêu gọi toàn thể cá nhân, cộng đồng cùng nhau hợp tác hành động khẩn cấp để thích nghi và thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ này, chống lại tình trạng suy giảm môi trường sống. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng cường sức khỏe, sự đa dạng phong phú của các loài, quần thể và hệ sinh thái. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thực hiện hóa các mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 27 (COP27), sử dụng năng lượng bền vững và hướng tới tương lai 100% năng lượng tái tạo.
Để hưởng ứng chuỗi các sự kiện quan trọng nêu trên, dưới đây là một số hoạt động chúng ta có thể thực hiện được:
Theo dõi các kênh dự báo thời tiết địa phương: Hiện nay, biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Hà Nội, chúng ta cũng nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu. Xu thế khí hậu ngày càng nóng lên, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tại ngày càng gia tăng và diễn biến bất thường gây nhiều thiệt hại. Đứng trước xu thế nêu trên thông tin thời tiết ngày càng trở nên quan trọng đối với cộng đồng và với mỗi chúng ta.
Mỗi người nên biết thời tiết hàng ngày sẽ như thế nào tại nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, vào Ngày Khí tượng Thế giới, hãy tìm hiểu những nhà dự báo viên đã đưa ra những dự báo này. Đài KTTV Hà Nội là đơn vị đã đưa ra những thông tin dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn của khu vực Hà Nội trong điều kiện thời tiết nguy hiểm cũng như thời tiết bình thường nhằm phục vụ các hoạt động sống của người dân. Người dân có thể chủ động tìm kiếm thông tin để có thể tiếp cận được thông tin nhanh nhất và chính xác nhất.
Tình nguyện truyền phát thông tin thiên tai, giúp đỡ các tổ chức dự báo, phòng chống và cứu trợ thiên tai: Những thông tin cảnh báo sớm có thể cứu sống rất nhiều người, hãy hỗ trợ công tác PCTT, giúp đỡ những người gặp khó khăn thông qua việc tình nguyện hoặc quyên góp.
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng hưởng ứng và phát động các phong trào cộng đồng: trồng cây xanh; vệ sinh môi trường; sử dụng tiết kiệm điện và nước tại gia đình, nơi công sở và các công trình công cộng; sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa.
Nguồn: Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên môi trường
Thu Linh - Tổ Truyền thông