Trong không khí ấm áp, tràn ngập tình thân ái, đoàn kết, chiều ngày 8/3/2023, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2023).
Tới dự buổi lễ có Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện TTND. GS. TS Nguyễn Duy Ánh, cùng Ban Giám đốc Bệnh viện; lãnh đạo chủ chốt của các khoa phòng, cùng gần 100 nữ cán bộ nhân viên đại diện cho các cán bộ nhân viên nữ của 43 khoa, phòng, trung tâm, tổ, bộ phận.
Thay mặt Đảng uỷ, Ban giám đốc, TTND. GS. TS Nguyễn Duy Ánh đã gửi lời chúc mừng đến chị em cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Bệnh viện. Thời gian qua, các cán bộ nhân viên nữ trong Bệnh viện luôn không ngừng nỗ lực, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn, nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ và nghiệp vụ. GS.TS Nguyễn Duy Ánh cũng biểu dương những nỗ lực vượt bậc, những đóng góp tích cực của tập thể nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.
Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Thu Linh -Tổ Truyền thông