Ngày 26/4/2021 ê kíp BSCKII Nguyễn Xuân Hải – phó trưởng khoa D5, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội mổ đẻ thành công và triệt sản cho sản phụ Nguyễn Thị L sinh năm 1988 ở Nam Từ Liêm, Hà Nội mang thai lần thứ 6 . Bé trai chào đời nặng 3000g.
Về phương diện sản khoa thì sinh mổ chính là phương pháp tối ưu để làm giảm nguy cơ tai biến, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi nếu mẹ bầu gặp phải các vấn đề bất thường như bệnh lý tim mạch, biến chứng thai kỳ, thai nhi quá lớn hoặc thai suy trong chuyển dạ.Nếu như sinh thường có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ thì một cuộc sinh mổ chỉ mất khoảng 30-45 phút,
Tuy nhiên sinh mổ cũng có nhược điểm:
- Sau khi sinh mổ, mức độ phục hồi của người mẹ sẽ lâu hơn và đau đớn hơn so với sinh thường
- Những vết mổ sau khi sinh nếu không được vệ sinh, chăm sóc kỹ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, viêm bàng quang, rau cài răng lược vào sẹo mổ cũ nếu mẹ mang thai lần tiếp theo. Đặc biệt, nếu mang thai lần tiếp theo cách thời điểm mổ trước đó chưa tới 2 năm sẽ có nguy cơ bị nứt vết mổ. Sinh mổ càng nhiều lần thì tỷ lệ biến chứng càng cao, đặc biệt là thai làm tổ tại vết mổ, sẹo sẽ dính xấu, mổ khó khăn.
- Do cơ thể chưa hồi phục nên phải mất khoảng vài ngày sau sinh thì ngực mẹ mới bắt đầu sản xuất sữa.
- Trong sinh mổ, em bé không tiếp xúc được với hệ vi khuẩn trong môi trường âm đạo của người mẹ nên hệ miễn dịch của em bé cũng kém hơn.
- Có khả năng gặp phải những biến chứng thai kỳ trong lần mang thai tiếp theo cao hơn so với sinh thường.
- Mẹ bầu đã từng sinh mổ một lần thì trong những lần mang thai sau nguy cơ cao phải tiếp tục sử dụng phương pháp sinh mổ.
- Tỷ lệ em bé sinh mổ suy hô hấp cao hơn so với sinh thường.
Lời khuyên của BSCKII Nguyễn Xuân Hải – Phó trưởng khoa D5 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội dành cho các bà mẹ: ở những mẹ sau sinh mổ, tử cung thường bị tổn thương và khó phục hồi hơn sinh thường. Vết sẹo do sinh mổ gây ra đã trở thành nhược điểm lớn trên thành tử cung. Số lần sinh mổ càng nhiều thì mẹ càng dễ gặp phải biến chứng trong lần mang thai và sinh con sau. Có thể là các biến chứng thai kỳ như: Nhau tiền đạo, nhau bong non, rau cài răng lược, vỡ tử cung,gây khuyết sẹo mổ lấy thai... hay các bất thường sau sinh như: Viêm dính tử cung, đau nhức vết mổ, sẹo mổ cũ dính các tạng vào vết mổ thành bụng, đặc biệt là bàng quang. Những nguy cơ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của mẹ.
Không có lời giải cụ thể cho thắc mắc “Sinh mổ tối đa được mấy lần”, bởi thực tế có những sản phụ vẫn đẻ mổ lần 3, thậm chí lần 4 mà vẫn suôn sẻ. Nhưng nhìn chung, giới chuyên gia khuyến cáo chỉ nên áp dụng biện pháp sinh mổ tối đa 2 lần, còn lại có tiếp tục hay không sẽ phải dựa vào kết quả đánh giá sức khỏe, tiền sử y tế của người mẹ mới quyết định được. Đặc biệt, các mẹ nên có khoảng cách mang thai sau khi sinh mổ ít nhất là 2 năm, để vết mổ được hồi phục hẳn.Việc mang thai sớm hơn 12 tháng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non. Mặc dù vậy nhưng khoảng thời gian này còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng của vết sẹo mổ cũng như cơ địa và sức khỏe của từng cá nhân.Các mẹ nên cân nhắc về việc muốn sinh nhiều con, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé cùng hạnh phúc gia đình.
Thu Linh - Tổ Truyền thông