Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi những ảnh hưởng của những yếu tố nguy hiểm có hại và tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của đất nước, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế -xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Nội dung về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quy định trong rất nhiều văn bản luật như: Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn,… và một số Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ưởng Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động. Thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn, nhân văn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.
Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết các nhân viên phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhân viên y tế phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch bệnh nên rất dễ bị lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan vi-rút, lao, SARS, H5N1 v.v. Không những thế, nhân viên y tế còn phơi nhiễm với rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như bụi chứa các mầm bệnh, phóng xạ, điện từ trường, siêu âm, tiếng ồn, các khí gây mê, hoá chất khử khuẩn và các loại hóa chất.
Ngành y tế nói chung và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã có nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người lao động đạt hiệu quả, hạn chế tối đa những rủi ro, ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp.
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã chú trọng xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bảo hộ lao động; tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, phối hợp tổ chức huấn luyện bảo hộ lao động cho người lao động; tham gia xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; kiểm tra, giám sát công tác bảo hộ lao động tại cơ sở.… Qua đó đã nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho mỗi cán bộ công nhân viên. Chính nhờ sự nỗ lực, tận tâm của Ban lãnh đạo bệnh viện nên công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công nhân viên y tế đã được cải thiện một cách đáng kể. Cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đã được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ như: khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, mũ, kính, dép. Đồng thời, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng đã tiến hành khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho nhân viên y tế nhằm đảm bảo quyền lợi và phòng tránh các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác vệ sinh an toàn lao động cho toàn thể cán bộ nhân viên. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản chuyên môn, công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, quy tắc ứng xử đối với nhân viên y tế, quy định về y đức,… và một số nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc các văn bản quy phạm pháp luật mới về chế độ chính sách đối với người lao động. Bệnh viện cũng đã tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho cán bộ viên chức vận hành máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…
Công tác đo kiểm tra môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc đã được Lãnh đạo bệnh viện xác định là nhiệm vụ trọng tâm nên đã đầu tư nhiều kinh phí để tạo ra môi trường làm việc tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động.
Bằng nhiều hình thức và giải pháp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, công tác an toàn vệ sinh lao động trong những năm qua tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội được triển khai tích cực, đồng bộ; quá trình thực hiện nề nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các khoa, phòng, tổ chức, đoàn thể, góp phần nâng cao sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế trong toàn bệnh viện.
Thu Linh - Tổ Truyền thông