Nơi những bé sơ sinh bệnh lý nằm điều trị. Ngoài cửa khoa luôn có những ông bố bà mẹ chờ đón những đứa con của mình. Khoa Sơ sinh giờ đã gần như một trung tâm khép kín với nhiều trang thiết bị hiện đại, cứu sống rất nhiều ca bệnh nặng. Nơi đó có những trái tim thầm lặng, những ông bố bà mẹ áo trắng thức thâu đêm để giành giật sự sống, để chăm sóc các thiên thần nhỏ. Sau cánh cửa từ khép kín kia là tiếng máy móc: máy thở, máy đo bão hòa, máy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch,.. và rất nhiều thiết bị khác. Các máy móc to lớn và cồng kềnh xung quanh các bé sơ sinh bé xíu. Các con thật nhỏ bé và yếu ớt. Nhưng các con không cô đơn. Bên trong không gian này là các cô điều dưỡng chăm sóc các con 24/24. Có lẽ nơi đây là nơi tập trung hàng trăm ngọn đèn Nightingale soi sáng cho các con. Ở khoa Sơ sinh, đồng nghiệp của tôi không nghỉ ngơi. Việc chăm sóc những em bé sơ sinh, nhỏ bé yếu ớt cần được chỉnh chu, thật trọng, chính xác nên yêu cầu đối với Điều dưỡng, Hộ sinh là rất cao. Cường độ làm việc trong một ca trực rất nặng, khi đã làm việc các chị em luôn cố gắng hết mình. Những động tác chăm sóc, thực hiện thủ thuật luôn nhẹ nhàng nhất, chính xác nhất để “ các thiên thần nhỏ bé chóng lành bệnh”. Khi còn công tác tại khoa, tôi đã chăm sóc một bé sơ sinh với cân nặng 800 gam. Đó là cân nặng rất thấp lúc bấy giờ. Mẹ bé bị hiếm muộn và nay mới có bé. Một buổi tối mùa đông rất lạnh, mẹ bé xin được vào thăm con. Tôi nhớ mãi dáng người nhỏ nhắn, cao gầy và khuôn mặt lo lắng của chị. Bé sơ sinh tuy đã qua giai đoạn thở máy nhưng còn rất yếu và cần theo dõi sát sao. Giây phút hai mẹ con gặp nhau thật xúc động. Khuôn mặt chị giãn ra, rạng rỡ khi nhìn thấy “thiên thần của mình”. Mẹ bé cất tiếng gọi con. Dường như cảm nhận thấy hơi ấm từ mẹ, bé sơ sinh bất giác khóc khẽ. Đó là một phản xạ có ý nghĩa với một bé non tháng. Chị khóc cho giây phút đầu tiên gặp con. Có lẽ là giọt nước mắt hạnh phúc khi con mình đã trải qua một chặng đường sinh- tử. Sau khi nghe những lời giải thích và động viên của tôi, mẹ bé nắm tay tôi thật chặt và cảm ơn. Cái nắm tay ấy thật ấm áp, như tiếp thêm sức lực cho tôi qua hết đêm trực dài và cũng là sự khích lệ tôi trong công tác chăm sóc người bệnh sau này.
Bây giờ ngoài cửa khoa, các bạn tôi đã làm một cây hy vọng. Ý nghĩa như một lời động viên giữa nhân viên y tế và gia đình các bé sơ sinh. Ở đó, tôi đã được đọc muôn vàn lời tri âm của gia đình các con với đội ngũ Điều dưỡng- Hộ sinh của khoa Sơ sinh. Có lẽ đây là quà tặng vô giá nhất mà các cô, chị, em trong khoa nhận được. Ngày quốc tế ngành sắp tới, thân chúc đội ngũ Điều dưỡng- Hộ sinh bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói chung và các chị em công tác tại khoa Sơ sinh nói riêng thật nhiều sức khỏe, chúc trái tim ấm áp của các chị em luôn tràn ngập tình yêu với nghề, gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp vinh quang: chăm sóc sức khỏe cho mọi người!
Điều dưỡng Đỗ Như Huyền - Khoa Sinh đẻ kế hoạch