Quyền trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác An toàn vệ sinh lao động (Trích điều 10 Luật An toàn, vệ sinh lao động)
1. Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động.
2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm.
3. Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động.
4. Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
5. Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
6. Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
7. Tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động; trường hợpngười sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo theo quy định tại Điều 34 của Luật nàythì công đoàn cơ sở có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 của Luật này để tiến hành điều tra.
8. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi những ảnh hưởng của những yếu tố nguy hiểm có hại và tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của đất nước, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế -xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Nội dung về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quy định trong rất nhiều văn bản luật như: Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn,… và một số Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ưởng Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động. Thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn, nhân văn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.
Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết các nhân viên phải làm việc trong điều kiện có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhân viên y tế phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch bệnh nên rất dễ bị lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan vi-rút, lao, SARS, H5N1 v.v. Không những thế, nhân viên y tế còn phơi nhiễm với rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như bụi chứa các mầm bệnh, phóng xạ, điện từ trường, siêu âm, tiếng ồn, các khí gây mê, hoá chất khử khuẩn và các loại hóa chất.
Ngành Y tế nói chung và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nói chung đã có nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người lao động đạt hiệu quả, hạn chế tối đa những rủi ro, ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp.
Tổ Truyền thông