Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Nhu cầu năng lượng, đạm (protein) và chất xơ

Nhu cầu năng lượng, đạm (protein) và chất xơ

  1. Nhu cầu năng lượng

Trong thời kì mang thai và cho con bú, hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng, khối lượng cơ thể tăng dẫn đến nhu cầu năng lượng của bà mẹ khi có thai và cho con bú tăng lên so với chưa mang thai. Nếu năng lượng cung cấp không đủ trong một thời gian dài, bà mẹ dễ bị thiếu năng lượng trường diễn, trẻ dễ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai. Ngược lại, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, bà mẹ tăng cân quá mức dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai nghén và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường (trên 4.000 gam).

  1. Nhu cầu protein (chất đạm) Protein là thành phần cơ bản của các vật chất sống. Protein tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào. Protein là thành phần quan trọng của các hormon, các enzym (men), tham gia quá trình sản xuất kháng thể. Protein cũng tham gia vào hoạt động điều hòa chuyển hoá, duy trì cân bằng dịch thể. Ngoài ra, protein còn có vai trò quan trọng trong vận chuyển các chất dinh dưỡng qua thành ruột vào máu và từ máu đến các mô của cơ thể và qua màng tế bào. Khi mang thai, nhu cầu protein của người mẹ tăng lên giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Bữa ăn của bà mẹ cần phối hợp giữa protein động vật và protein thực vật.

Các thực phẩm cung cấp protein động vật bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, thủy hải sản...

Các thực phẩm cung cấp protein thực vật bao gồm: đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc.

Nhu cầu amino acid thiết yếu: Tổng nhu cầu amino acid thiết yếu là 251mg/kg/ngày

Những thực phẩm giàu đạm và chất xơ
  1. Nhu cầu chất xơ

Hầu hết các chất xơ không có giá trị dinh dưỡng, nhưng được coi là một thực phẩm chức năng. Chất xơ có tác dụng nhuận tràng, kích thích khả năng hoạt động của ruột già, tăng khả năng tiêu hóa đồng thời cũng là tác nhân tham gia thải loại các sản phẩm oxi hóa, các chất độc hại trong thực phẩm ra khỏi cơ thể, giảm được nguy cơ về các bệnh ung thư đại tràng, ruột kết. Ngoài ra chất xơ còn có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, giảm các bệnh tim mạch, điều hòa đường huyết và làm giảm đậm độ năng lượng trong khẩu phần. Đối với phụ nữ có thai, chất xơ giúp giảm táo bón, làm nhẹ các dấu hiệu nghén và giúp ăn ngon miệng hơn.Tuy nhiên, chất xơ còn hấp thụ một số chất có hại cho sức khoẻ nếu không được chế biến đúng cách.

Chất xơ có nhiều trong rau, hoa quả, ngũ cốc, khoai củ.

Bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào liên quan đến lượng dinh dưỡng hoặc sức khỏe tổng thể của bạn trong thời kỳ mang thai nên được chia sẻ và thảo luận với Khoa Dinh dưỡng bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (theo đường links: 

https://www.facebook.com/profile.php?id=100083031114027&mibextid=LQQJ4d hoặc số điện thoại 0964886069), nhân viên tại đây có thể cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu cụ thể và tiến trình mang thai của bạn.

(nguồn tham khảo: “Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú”)

-----------------------

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

Tổng đài đặt khám: 1900 6922

Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội

Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

---------------------------

Phu San Hanoi Hospital

Make an appointment: Call 19006922 - press 0

Address: No. 929 La Thanh Street, Ngoc Khanh Ward, Ba Dinh District, Hanoi

Branch 2: No. 38 Cam Hoi Street, Hai Ba Trung District, Hanoi

 

Hoàng Đức – Tổ Truyền thông