Bệnh nhân ung thư là một trong những nhóm nguy cơ cao mắc và tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, khi đã và đang điều trị ung thư, đặc biệt là hóa trị liệu, một trong những câu hỏi chúng tôi hay nhận được từ bệnh nhân và gia đình là: “Liệu tôi có đủ điều kiện tham gia tiêm Vaccine hay không?”
Câu trả lời là: Có và càng sớm càng tốt, ngay cả khi đang được điều trị ung thư!
Sars-CoV-2 là gì?
SARS-CoV-2 là virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (gọi tắt là COVID-19). Virus này được đặt tên theo người anh em của nó (SARS-CoV) đã hoành hành tại Việt Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) và lan ra toàn cầu từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003, làm lây nhiễm 8422 người và 774 trường hợp tử vong [1]. Cùng trong họ virus Corona còn có 1 virus rất nổi tiếng khác gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (hay MERS-CoV) lây nhiễm tại các nước Trung Đông từ năm 2012 đến 2018.
Nếu so với 2 người anh em kia, thì SARS-CoV-2 có vẻ chẳng phải một loại virus quá nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong của MERS là 37%, của SARS là 9,2% còn của COVID-19 chỉ là 2%. Nhưng cái nguy hiểm của virus Corona mới lại nằm ở đặc điểm dễ lây lan của nó. Khi số người mắc quá nhiều và tăng với cấp số nhân. Mặc dù tỷ lệ tử vong thấp nhưng sô nhiễm quá nhiều dẫn đến số bệnh nhân chuyển nặng quá đông, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế. Sự thật đã chứng minh: Không một hệ thống nào đủ sức chống đỡ lại đại dịch, ngay cả ở những nước phát triển nhất. Chúng ta đã thấy thảm kịch xảy ra ở Vũ Hán, Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Brazil và gần đây nhất là Ấn Độ. Hơn 4 triệu người đã chết trên toàn cầu, 200 triệu người nhiễm và những con số vẫn không dừng lại ở đó [2].
Làm sao để chặn đứng đại dịch?
Để chặn đứng đại dịch, chỉ có một cách duy nhất, đó là tạo miễn dịch cộng đồng. Điều này có nghĩa là phải có khoảng 70% dân số mang trong mình kháng thể kháng virus. Có 2 cách để đạt được mục tiêu này.
Một là để lây nhiễm tự nhiên, như điều đã xảy ra với đại dịch cúm Tây Ban Nha (H1N1) vào năm 1918-1920. Khi đó, con đường đã trải đầy máu: 500 triệu người nhiễm và khoảng 50 triệu người đã chết trước khi miễn dịch cộng đồng được thiết lập trên toàn cầu [3]. Đối với Covid-19, nếu theo kịch bản này thì số người tử vong sẽ là khoảng 140 triệu, gấp đôi số người chết trong Chiến tranh thế giới thứ II và gấp 70 lần chiến tranh Việt Nam.
Cách thứ hai là tiêm vaccine để kích thích cơ thể tự sản sinh ra kháng thể trước khi mắc bệnh, khiến cho khi mắc, bệnh không còn nặng nữa và tránh được nguy cơ tử vong. Khi tiêm đủ cho 70% dân số, virus sẽ không có điều kiện tồn tại và lây nhiễm sang người khác (do người nhiễm khỏi nhanh hơn, có miễn dịch tốt hơn, không phát bệnh...). Nhờ vậy, 30% còn lại có thể được bảo vệ thậm chí ngay cả khi không cần tiêm vaccine. Vaccine là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, đã cứu loài người khỏi hàng chục dịch bệnh khác nhau. Covid-19 cũng không phải ngoại lệ.
Vaccine và bệnh nhân ung thư
Các loại vaccine Covid-19 còn quá mới mẻ. Chúng ta chưa có nhiều thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả cũng như mức độ an toàn của chúng được thực hiện trên đối tượng là bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, ngay từ khi dịch bùng phát, bệnh nhân ung thư đã được coi là nhóm đối tượng dễ tổn thương, cần được chú trọng đặc biệt [4]. Phân tích sơ khởi trong một nghiên cứu gần đây tại Israel cho thấy khả năng sinh kháng thể của người bệnh ung thư thấp hơn đáng kể so với người khỏe mạnh. Do vậy, thời gian chờ giữa hai mũi tiêm vaccine của bệnh nhân ung thư cần được rút ngắn hơn (21 ngày so với 28 ngày đối với vaccine của Pfizer-BioNtech) [5].
- Israel đã triển khai tiêm vaccine mũi thứ 3 cho công dân lớn tuổi và sắp tới sẽ là những bệnh nhân nguy cơ cao khác [6].
- Cân nhắc nguy cơ và lợi ích cho bệnh nhân trong bối cảnh số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ngày càng tăng cao, nhiều tổ chức và chính phủ cũng cho rằng bệnh nhân ung thư kể cả những bệnh nhân đã, đang và sẽ tham gia vào những thử nghiệm lâm sàng đều cần được tiêm vaccine [7], [8].
- Mỹ xếp bệnh nhân ung thư vào nhóm bệnh nền nguy cơ cao (nhóm ưu tiên vaccine 1b, chỉ sau nhân viên y tế) [9].
- Bỉ, Luxembourg và Thụy Điển đều chỉ rõ ưu tiên tiêm vaccine cho bệnh nhân ung thư và nhân viên y tế [10].
Nên tiêm loại vaccine nào?
Đầu tiên phải nói rõ: chúng ta sẽ không mắc bệnh nếu tiêm vaccine. Những loại vaccine hiện tại được tiêm nhiều ở Việt Nam là của Pfizer-BioNtech (Mỹ - Đức) và của AstraZeneca (Anh - Thụy Điển). Nếu vaccine của Mỹ dùng công nghệ mRNA thì vaccine của Anh dùng một loại adenovirus để đưa thông tin di truyền của Sars-CoV-2 vào tế bào người, từ đó kích thích sản sinh kháng thể. Cả 2 công nghệ này đều không đưa trực tiếp virus vào người như một số loại vaccine cũ mà chỉ đưa đặc điểm nhận dạng của virus cho cơ thể. Do đó, cả 2 loại vaccine được coi là khá an toàn với tỷ lệ biến chứng thấp.
Tuy vậy, không phải loại vaccine nào cũng phù hợp nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc, đặc biệt là bệnh nhân ung thư. Vấn đề không nằm ở bản chất vaccine mà là ở thành phần tá dược [11]. Xin lưu ý rằng:
- Thành phần của vaccine Pfizer (Mỹ) có PEG (polyethylene glycol), một chất làm ổn định thuốc. PEG có cấu tạo tương tự Polyoxyl 35 được dùng trong dung dịch hóa chất Paclitaxel. Do vậy, nếu bệnh nhân bị dị ứng khi truyền Paclitaxel thì cũng rất có nguy cơ dị ứng khi tiêm vaccine của Pfizer. Những bệnh nhân này nên lựa chọn tiêm vaccine của AstraZeneca (Anh).
- Ngược lại, thành phần của vaccine AstraZeneca (Anh) lại có chứa tá dược Polysorbate 80, cũng sử dụng trong dung dịch hóa chất Docetaxel. Do vậy nếu bệnh nhân có dị dứng khi truyền Docetaxel thì có nguy cơ dị ứng khi tiêm vaccine của AstraZeneca. Những bệnh nhân này nên lựa chọn tiêm vaccine của Pfizer-BioNtech hoặc Moderna (Mỹ).
Ths. Bs. Nguyen Khac Toan - Khoa ung bướu - E5
----------------------
Tham khảo:
1. Summary of probable SARS cases with onset of illness from 1 November 2002 to 31 July 2003. <https://www.who.int/.../summary-of-probable-sars-cases...>, accessed: 07/31/2021.
2. Coronavirus COVID-19 (2019-nCoV). <https://gisanddata.maps.arcgis.com/.../bda7594740fd402994...>, accessed: 07/31/2021.
3. Taubenberger J.K. and Morens D.M. (2006). 1918 Influenza: the Mother of All Pandemics. Emerg Infect Dis, 12(1), 15–22.
4. Trapani D. and Curigliano G. (2021). COVID-19 vaccines in patients with cancer. Lancet Oncol, 22(6), 738–739.
5. Monin L., Laing A.G., Muñoz-Ruiz M., et al. (2021). Safety and immunogenicity of one versus two doses of the COVID-19 vaccine BNT162b2 for patients with cancer: interim analysis of a prospective observational study. Lancet Oncol, 22(6), 765–778.
6. (2021). Israel to offer 3rd COVID booster shot to older citizens. AP NEWS, <https://apnews.com/.../middle-east-health-israel...>, accessed: 07/31/2021.
7. Desai A., Gainor J.F., Hegde A., et al. (2021). COVID-19 vaccine guidance for patients with cancer participating in oncology clinical trials. Nat Rev Clin Oncol, 18(5), 313–319.
8. Australia C. (2021). Frequently Asked Questions about COVID-19 vaccines for people affected by cancer. <https://www.canceraustralia.gov.au/.../covid-19.../FAQs>, accessed: 07/31/2021.
9. Dooling K., Marin M., Wallace M., et al. (2021). The Advisory Committee on Immunization Practices’ Updated Interim Recommendation for Allocation of COVID-19 Vaccine - United States, December 2020. MMWR Morb Mortal Wkly Rep, 69(5152), 1657–1660.
10. ESMO ESMO Statements for vaccination against COVID-19 in patients with cancer. <https://www.esmo.org/covid-19-and.../covid-19-vaccination>, accessed: 08/01/2021.
11. Clinical Exellence Queensland COVID-19 vaccination advice for cancer patients. Queensland Health.