Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh, nhằm dựng lại hình ảnh các cơ quan - bộ phận trong cơ thể bằng sóng siêu âm. Và siêu âm thai chính là dựng lại hình ảnh của thai nhi trong bụng mẹ, thông qua việc sử dụng sóng siêu âm với tần số mà tai bình thường không nghe được.
Có rất nhiều nghiên cứu cũng như nhiều tài liệu được thế giới công bố, chứng minh siêu âm thai hoàn toàn không có hại cho mẹ cũng như thai nhi. Bởi bản chất của sóng siêu âm chỉ là sóng âm ở tần số cao mà tai người không nghe thấy được, do đó không gây bức xạ, không ảnh hưởng đến thính giác, sinh học,...
Đặc biệt với những trường hợp thai chậm tăng trưởng, hoặc suy thai, hoặc cấp cứu sản khoa, việc siêu âm thai còn diễn ra với mật độ cao hơn bình thường: hàng ngày, hàng giờ, thậm chí nhiều lần cách nhau chỉ trong một thời gian ngắn. Do đó, mọi người có thể hoàn toàn yên tâm rằng siêu âm thai là kĩ thuật không hề gây hại cho mẹ và thai nhi, mà còn mang đến nhiều lợi ích trong thăm khám, chẩn đoán cũng như tiên lượng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Khi mang thai, thai phụ đi khám và siêu âm theo chỉ định của bác sĩ. Có một số mốc siêu âm thai phụ cần nhớ:
Siêu âm thai từ 4-8 tuần
Đây được xem là cột mốc siêu âm thai lần đầu tiên mà thai phụ cần thực hiện. Tại lần siêu âm này Siêu âm đầu dò âm đạo được khuyến cáo sử dụng nhằm mục đích:
- Xác định có thai, số lượng thai
- Kiểm tra vị trí làm tổ của thai, kiểm tra phôi và tim thai
- Ước tính tuổi thai và dự sinh
- Phát hiện các biến chứng sớm của thai kỳ
- Kiểm tra tử cung, buồng trứng phát hiện các bệnh lý và nguy cơ đi kèm.
Siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy giai đoạn 11-14 tuần.
Thời điểm này thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, những bất thường lớn có thể nhìn thấy. Ở thời điểm này, mục đích của việc siêu âm là: chẩn đoán tuổi thai và dự kiến sinh cho thai phụ, đo độ mờ da gáy để sàng lọc nguy cơ mắc các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edward, chẩn đoán số lượng thai, số lượng bánh rau và buồng ối đối với thai phụ mang đa thai, sàng lọc nguy cơ tiền sản giật.
Siêu âm hình thái thai nhi giai đoạn 18-22 tuần.
Vào lúc 18-22 tuần là lúc lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di động rất tốt trong buồng tử cung, giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau, nên dễ dàng phát hiện các bất thường về hình thái thai nhi. Trên siêu âm 4-5D kiểm tra chi tiết các bộ phận trên cơ thể của thai nhi:
- Kiểm tra tứ chi về độ dài và số lượng xem có gì bất thường, có đầy đủ hay thiếu ngón chân ngón tay nào không
- Khảo sát các dị tật về não bộ và cột sống.
- Tình trạng của các cơ quan nội tạng khác như tim, phổi, dạ dày… đánh giá dị tật tim thai, dịch bất thường trong khoang màng phổi, trong ổ bụng…
- Đánh giá dị tật về mặt mặt của thai nhi xem có bị sứt môi, hở hàm ếch, có đầy đủ hai tai hay không…
- Cuối cùng là xem có sự bất thường nào về bánh nhau, nước ối không, xem bánh nhau có bám chắc không, diện tích nhau bám có lớn không, nước ối có nhiều quá hay bị thiếu không.
Siêu âm thai nhi giai đoạn 30-32 tuần
Lần siêu âm thứ ba (30 - 32 tuần) nhằm: đánh giá sự phát triển thai, và phát hiện các dị tật xuất hiện muộn. Thai phát triển bình thường hay thai nhỏ hoặc lớn hơn bình thường được xác định ở lần siêu âm này. Bên cạnh việc siêu âm hình thái các cơ quan bộ phận như lần siêu âm mốc 18-22 tuần, lần siêu âm này còn phát hiện các dị tật xuất hiện muộn như nhẵn não, tắc ruột… Vị trí bánh nhau lúc này cũng sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn, xác định rau có bám thấp, che lấp đường ra của thai nhi hay không
Khi gần sinh cũng có thể có thêm một lần siêu âm để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu thai phụ thấy có gì bất thường có thể đi khám và siêu âm để bác sĩ phát hiện và xử trí kịp thời mang lại sự an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Nguồn: BSCKII Nguyễn Xuân Chường - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh
Lịch khám siêu âm tại khoa khám Chuyên gia
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
Tổng đài đặt khám: 1900 6922
Đặt lịch qua website: http://datkham.benhvienphusanhanoi.vn/
Ứng dụng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3ahl0KL
Kênh Youtube Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3evh4t3
Kênh Tiktok: https://vt.tiktok.com/rvXtAe/
Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung,
Thu Linh - Tổ Truyền thông