Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Chăm sóc trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu tiên

Chăm sóc trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu tiên

Trẻ sơ sinh còn quá non nớt, vì vậy, cha mẹ cần cẩn thận và chu đáo thêm một chút trong việc chăm sóc con giai đoạn chu sinh 7 ngày đầu tiên, đây chính là một trong những thay đổi đầu đời quan trọng của con. Trẻ sơ sinh mới tiếp xúc với môi trường bên ngoài cơ thể mẹ nên sẽ phải dần thích nghi nhiều với việc tự thở, tự bú và chống chịu dưới thời tiết bên ngoài lúc nóng lúc lạnh. Để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của trẻ thì việc chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách là vô cùng quan trọng.

Theo Ths Đỗ Thị Thuỷ - điều dưỡng trưởng khối, Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: Thời kỳ chu sinh được tính từ tuần thứ 28 đến hết ngày thứ 7 sau khi sinh (tuần đầu sau sinh). Chu sinh được hiểu là xung quanh thời điểm mẹ sinh em bé, đây là một trong những giai đoạn đầu đời quan trọng nhất của con. Bố mẹ cần lưu ý:

* Cho con bú sớm nhất có thể:  mẹ nên tăng cường cho con bú và bú càng sớm càng tốt để bé có thể tiếp nhận được lượng sữa non bổ dưỡng. Thời gian và tần suất bú phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Hầu hết trẻ sơ sinh cần được cho bú 2 – 4 tiếng/lần và khoảng 8 – 12 lần/ngày. Mẹ cũng lưu ý tư thế bú và cách bú đúng, để giúp bé hấp thụ được lượng dinh dưỡng cần thiết.

Cần chọn tư thế bú sao cho cả mẹ và bé đều thoải mái, Nguyên tắc đơn giản nhất khi cho con bú mà các mẹ cần nhớ là giữ đầu và lưng của bé thẳng hàng, mặt của bé hướng thuận vào bầu vú; như thế sẽ tạo ra tư thế bú đúng và con sẽ bú dễ dàng, thoải mái nhất, có thể cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm. Nên cho bé bú hết một bầu sữa rồi mới chuyển qua bầu còn lại, việc này vừa giúp bé có thể bú được sữa cuối (lượng sữa giàu dinh dưỡng nhất) vừa kích thích giúp vú sản sinh ra lượng sữa mới. Nếu sau khi bú sạch 1 vú mà bé vẫn khóc, hãy cho bé bú vú bên kia. Nếu bé bú chưa hết mà đã no thì các mẹ nên vắt sữa còn dư trữ lạnh. Sau vài ngày mẹ sẽ biết được nhu cầu bú của bé. Vào các cữ bú sau có thể vắt bỏ một ít sữa đầu để bé bú sữa có nhiều năng lượng hơn.

* Con phải được ngủ đủ giấc: Ba mẹ cần đảm bảo con yêu được ngủ đủ, ngủ ngon giấc. Theo các chuyên gia chuyên gia thì sự tăng trưởng ở trẻ sơ sinh phần lớn đạt được thông qua giấc ngủ và bú sữa. Giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Thông thường, trẻ mới sinh cho đến một tháng tuổi gần như ngủ suốt ngày đêm và chỉ thức dậy để bú (2-3 giờ/ lần). Vì chưa phân biệt được ngày đêm nên bé có thể ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm (8-9 giờ vào ban ngày và khoảng 8 giờ vào ban đêm). Không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú nhưng cũng không nên để bé ngủ quá 3 giờ mà không cho bú. Các trường hợp đặc biệt như non tháng, nhẹ cân, trào ngược dạ dày thực quản…có thể phải cho bú thường xuyên hơn.  

* Cần bế con đúng cách: Lần đầu tiên bế con yêu trên tay mẹ sẽ lúng túng, nhưng mẹ yên tâm, mẹ chỉ cần nhẹ nhàng âu yếm. Trước khi bế bé lên, người mẹ cần lên tiếng cho bé biết là sẽ bế bé. Hãy nhìn và âu yếm trò chuyện với bé, nhẹ nhàng luồn hai tay xuống dưới đầu, vai và mông bé để bế bé lên một cách nhẹ nhàng. Điều này giúp bé không giật mình, khóc hoảng vì bất ngờ bị nhấc lên khỏi chỗ nằm. Với những bé mới lọt lòng, tư thế bế trẻ an toàn và dễ dàng nhất là cho bé nằm ngang. Mẹ cố gắng giữ cho phần đầu và cổ của bé nằm trên một đường thẳng, bụng bé ép vào bụng mẹ, mặt bé quay vào ngực mẹ. 

* Chăm sóc rốn cho con: Rốn là một trong số những phần nhạy cảm của cơ thể trẻ sơ sinh nên cần đặc biệt chăm sóc tốt để đảm bảo các hốc rốn khô và dây rốn rụng tự nhiên mà không có bất kỳ tổn thương nào. Nếu không chú ý, rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng và xảy ra nhiều biến chứng khác như chảy máu, chảy dịch,...

Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh cần phải được làm hằng ngày và vệ sinh theo các bước sau:

  • Trước khi chăm sóc rốn cho trẻ, mẹ cần rửa tay thật sạch, sát trùng tay bằng cồn 90 độ.
  • Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc rốn của bé ra.
  • Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem rốn có bị viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, chảy máu, có mùi hôi hay có bất kỳ bất thường nào khác không.
  • Lau rốn bằng bông gòn với nước sạch, sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
  • Sát trùng vùng da quanh rốn bằng nước muối sinh lý.
  • Có thể để hở rốn hoặc chỉ cần che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
  • Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hay bất kỳ thứ gì vấy bẩn vùng rốn.
  • Luôn giữ cho rốn của trẻ khô và sạch sẽ nhất có thể.

Không sử dụng nước thơm hoặc rắc bột lên trên hoặc xung quanh rốn của bé.

* Chăm sóc làn da non nớt: 

Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên việc chăm sóc da cho bé cần phải được chú trọng. Việc chăm sóc và lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ sơ sinh cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

Tránh việc cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích da:

  • Chọn quần áo cho trẻ là các loại vải mềm;
  • Chú ý tránh cọ xát, kể cả cọ xát nhẹ trên da bé vì có thể gây tổn thương làn da của trẻ;
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại xà phòng thô bởi các sản phẩm này thường có độ kiềm cao, dễ làm kích thích da của bé;

Giữ da bé có độ ẩm thích hợp:

  • Khí hậu khô hanh hoặc tắm rửa nhiều quá có thể khiến da bé mất nước. Mẹ nên thoa kem dưỡng da ở những vùng da khô hay bong tróc cho bé.  
  • Việc không thay tã thường xuyên cộng với thời tiết nóng ẩm có thể gây nhiễm nấm, nhiễm trùng ở trẻ. Vì vậy, cần thường xuyên rửa sạch khu vực mang tã của trẻ bằng các chất làm sạch có thành phần dịu nhẹ, không gây kích ứng;

Hạn chế làm thay đổi sự cân bằng của các loại vi khuẩn trên da bé:

Các chủng vi khuẩn thường trú trên da bắt đầu có ngay từ khi trẻ ra đời. Chúng hiếm khi gây bệnh trừ khi trên da có vết thương hở hoặc độ axit tự nhiên trên da trẻ bị phá hủy. Do vậy, các mẹ cần phải:

  • Giữ sạch cuống rốn và các vết thương hở của bé;
  • Làm sạch da bé với sữa tắm dịu nhẹ, có độ pH cân bằng, phù hợp với sinh lý của da.

* Giữ gìn chăm sóc đôi mắt của con

Trẻ sơ sinh đôi mắt còn rất mong manh và yếu ớt và đặc biệt rất nhạy cảm. Để giúp mắt trẻ  phát triển một cách tốt nhất cha mẹ nên chú ý cách chăm sóc mắt cho trẻ sơ sinh. Các bước vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh như sau:

  • Bước 1: Rửa tay sạch trước khi vệ sinh mắt cho trẻ
  • Bước 2: Chuẩn bị nước muối sinh lý chuyên biệt cho vệ sinh mắt trẻ sơ sinh, 2 miếng gạc vô khuẩn để vệ sinh riêng từng mắt.
  • Bước 3: Dùng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu đến đuôi mắt.

Bố mẹ nên vệ sinh mắt 3 lần cho trẻ một ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ. Đừng quên rửa mặt cho trẻ bằng khăn sạch và nước ấm. Cần chuẩn bị cho bé khăn riêng, dùng xong giặt sạch, phơi nắng, thay khăn định kỳ và không dùng để lau người. 

--------------------------------------

Ngày chào đời, con đã đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho bố mẹ. Thế nhưng, cùng với đó là vô vàn nỗi lo, nhất là với những ai lần đầu làm cha mẹ. Mẹ vừa trải qua cơn đau sinh nở, bố lóng ngóng chẳng biết chăm.

Bố mẹ đừng lo, lựa chọn sinh con tại khu dịch vụ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, bố mẹ sẽ được các y bác sĩ và nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc bé, đặc biệt vào ban đêm. Bố mẹ hoàn toàn yên tâm khi có nhân viên y tế đồng hành chăm sóc bé từ những ngày đầu. Khi cần tư vấn, hãy liên hệ ngay với phòng hành chính khoa hoặc chỉ cần nhấn nút chuông đầu giường, bạn sẽ được hỗ trợ kịp thời.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

Tổng đài đặt khám: 1900 6922

Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội

Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

Thu Linh - Tổ Truyền thông