Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ là tình trạng khá thường gặp. Nhất là với trẻ dưới 4 tuổi thì hẹp bao quy đầu sinh lý có thể tự khỏi sau khi trẻ lớn lên. Do vậy việc xác định tình trạng hẹp bao quy đầu, đánh giá mức độ hẹp rất quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu cho trẻ.
Dấu hiệu nhận biết hẹp bao quy đầu ở trẻ
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là tình trạng da bao quy đầu không tuột để lộ toàn bộ quy đầu, ngay cả khi đã kéo da quy đầu ngược về phía bụng. Một số trường hợp, hẹp bao quy đầu chỉ để lộ một phần nhỏ (thường là lỗ tiểu); khi tuột xuống, bao quy đầu khó kéo lên như bình thường.
Hẹp bao quy đầu thường dẫn đến các biểu hiện sau:
Dòng nước tiểu bị lệch hướng
Da bao quy đầu không thể kéo xuống được.
Một số trường hợp da BQĐ bị viêm, tấy đỏ, ngứa ngáy, có mùi hôi. Trẻ có thể bị tiểu đau, tiểu khó.
Điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ như thế nào
Khi bố mẹ nhận định con bị hẹp bao quy đầu cần đưa con đến khám để được bác sĩ đánh giá mức độ, cũng như tư vấn biện pháp điều trị phù hợp. Với trẻ em, ưu tiên hàng đầu là trong điều trị hẹp bao quy đầu là các biện pháp bảo tồn/nội khoa. Nếu như các biện pháp thực hiện tại nhà không mang lại kết quả, hoặc trẻ bị các tình trạng viêm BQĐ, lúc này mới nên tiến thành các can thiệp ngoại khoa tiểu phẫu hoặc phẫu thuật đối với bao quy đầu của trẻ.
Hiện nay có phương pháp xử trí hẹp bao quy đầu ở trẻ thường được áp dụng, bao gồm:
Điều trị nội khoa: là biện pháp kéo da quy đầu có thể kèm dùng thuốc bôi hoặc không. Thuốc bôi thường dùng là có chứa steroid giúp thúc đẩy quá trình căng da, làm da mỏng hơn từ đó dễ dàng kéo căng và giúp da bao quy đầu dễ tuột khỏi phần quy đầu hơn. Biện pháp này phụ huynh sẽ được hướng dẫn làm hàng ngày cho trẻ, thực hiện 2-3 lần/ngày và liên tục trong khoảng 1 tháng.
Điều trị ngoại khoa: chỉ đặt ra sau khi đã điều trị nội khoa mà không có hiệu quả. Điều trị ngoại khoa phải được thực hiện tại bệnh viện do các bác sĩ chuyên khoa tiến hành. CTùy thuộc vào mức độ hẹp và các biến chứng có thể có mà các bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn biện pháp nào:
Nong bao quy đầu: đây là thủ thuật đơn giản, do đó thời gian thực hiện cũng rất nhanh, khoảng từ 3 - 5 phút. Trẻ sẽ được sử dụng các thuốc bôi/xịt giảm đau tại chỗ, trước khi tiến hành nong. Một số trường hợp, các bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh điều trị nội khoa cho con trước, để thủ thuật ít gây đau cho trẻ hơn. Sau thủ thuật, trẻ sẽ được kê đơn thuốc giảm đau, cũng như thuốc bôi kháng viêm và cho về nhà theo dõi.
Cắt bao quy đầu: Phẫu thuật này bao gồm cắt bao quy đầu, mở rộng bao quy đầu và cắt bỏ vòng hẹp. Đây là biện pháp cuối cùng khi những cách trên không hiệu quả, thường áp dụng cho trẻ lớn và thanh thiếu niên (sau tuổi dậy thì). Quy trình cắt BQĐ được thực hiện giống như ở người lớn
Chữa hẹp bao quy đầu ở trẻ em ưu tiên hàng đầu là điều trị nội khoa do là biện pháp không tốn kém, dễ thực hiện tại nhà, giúp tránh tổn thương do tác động can thiệp y tế, cũng như tránh sang chấn tâm lý cho trẻ khi nong hoặc cắt bao quy đầu. Chính vì vậy, phụ huynh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, cố gắng kiên trì hỗ trợ kéo bao quy đầu cho trẻ hàng ngày trước khi quyết định cho con làm can thiệp ngoại khoa.
Nguồn: TS.BS Tưởng Thị Vân Thuỳ
----------------------------------------------
Mọi nhu cầu thăm khám xin liên hệ:
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
Hotline : 038 231 3838
https://www.facebook.com/NAMKHOA.PSHNCS2/
Địa chỉ : 38 Cảm Hội, Đống Mác, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Đặt khám: 1900 6922 nhánh 2
Thu Linh - Tổ Truyền thông