1. Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây ra PCO vẫn là dấu hỏi lớn cho các nhà khoa học nhưng có thể là do phối hợp của nhiều yếu tố, với biểu hiện thường gặp một số trong các triệu chứng như: béo phì kiểu bụng, vòng kinh không phóng noãn dưới dạng không đều hay không thường xuyên, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn có thể vô kinh - thiểu kinh - đa kinh, rong kinh, nặng hơn nữa là tình trạng xuất huyết ở tử cung, tình trạng kháng insulin (đây là tình trạng đáp ứng kém của một số cơ quan so với bình thường với cùng một lượng insulin, gây tăng insulin trong máu và đái tháo đường týp II). Kháng insulin thường đi kèm với một loạt các rối loạn chuyển hóa khác, dẫn đến cao huyết áp, rối loạn lipid máu như: tăng triglyceride, tăng LDL, giảm HDL, tăng vòng bụng. Cường androgen ở phụ nữ HCBTĐN dẫn đến các triệu chứng như: rậm lông; phát triển ở những nơi như hai bên gò má, cằm, cổ ở giữa ngực và dưới rốn, mụn trứng cá, hói đầu, rụng tóc.
2. Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang khi có 2 trong 3 triệu chứng:
Rối loạn kinh nguyệt – Rối loạn phóng noãn:
> 1 năm sau dậy thì: Có 01 chu kỳ kinh nguyệt > 90 ngày
> 1 và < 3 năm sau dậy thì: Chu kỳ < 21 ngày hoặc > 45 ngày
> 3 năm sau dậy thì cho đến tuổi mãn kinh: < 21 ngày hoặc > 35 ngày hoặc < 8 chu kỳ/năm
Vô kinh nguyên phát từ 15 tuổi hoặc > 3 năm từ khi có sự phát triển của tuyến vú
Siêu âm:
Hình ảnh mỗi buồng trứng có > 20 nang trứng hoặc thể tích > 10ml trong điều kiện không có nang hoàng thể, nang cơ năng hoặc nang vượt trội, sử dụng đầu dò siêu âm đường âm đạo, tần số 8 MHz
Cường Androgen:
Rậm lông, là triệu chứng thường gặp nhất của buồng trứng đa nang. Đây là biểu hiện của tình trạng cường Androgen. Có khoảng 92% phụ nữ rậm lông có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Tuy nhiên cần chú ý đến một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình trạng này như di truyền hay chủng tộc. Do đó cần định lượng một số nội tiết để xác định tình trạng cường Androgen.
Bên cạnh triệu chứng rậm lông, mụn cũng rất thường gặp. Theo nghiên cứu của Eden thực hiện 1991 cho thấy khoảng ¾ phụ nữ bị mụn có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
Hói và rụng tóc ít phổ biến trong buồng trứng đa nang nhưng cũng được ghi nhận.
3. Điều trị:
Hiện nay chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho buồng trứng đa nang. Việc điều trị thay đổi theo mục đích: điều trị triệu chứng cường androgen hay điều trị vô sinh. Nếu ở bệnh nhân không có nhu cầu có con, có thể dùng một số thuốc nội tiết để làm giảm các triệu chứng của hội chứng này như kinh không đều, rậm lông … hay ngăn ngừa sự xuất hiện của một số nguy cơ lâu dài sau này.
Tuy nhiên, các yếu tố như đường huyết, cân nặng, huyết áp, hút thuốc, rượu, chế độ ăn uống, tập thể dục, giấc ngủ và sức khỏe tâm thần, cảm xúc và tình dục cần được tối ưu hóa ở phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang, để cải thiện kết quả sinh sản và kết cục thai kỳ.
Khoa Hỗ trợ sinh sản & Nam học