HPV (virus gây u nhú ở người) là một loại virus phổ biến lây truyền qua đường tình dục, có thể gây ra một số bệnh lý ở nam giới, từ mụn cóc sinh dục đến ung thư (đặc biệt là ung thư dương vật, hậu môn, và vòm họng). Mặc dù không phải lúc nào cũng dẫn đến bệnh nặng, nhưng việc hiểu biết và phòng ngừa HPV là rất cần thiết.
1. HPV lây truyền như thế nào?
HPV lây qua tiếp xúc da kề da (hoặc niêm mạc) khi quan hệ tình dục. Điều này có nghĩa là ngay cả khi sử dụng bao cao su, nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra nếu virus tồn tại trên da xung quanh bộ phận sinh dục. HPV thường không gây triệu chứng, nên nhiều người mắc mà không biết.
2. Chẩn đoán HPV ở nam giới
HPV ở nam giới thường không có triệu chứng rõ ràng, điều này làm cho việc phát hiện virus gặp khó khăn. Hiện nay, các phương pháp xét nghiệm để phát hiện HPV vẫn chủ yếu áp dụng cho nữ giới. Tuy nhiên, với nam giới, có thể áp dụng một số phương pháp sau để kiểm tra khi có nguy cơ cao hoặc dấu hiệu nghi ngờ:
Kiểm tra các triệu chứng bên ngoài: Nam giới nhiễm HPV thường sẽ không có triệu chứng hoặc biểu hiện rõ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus có thể gây ra các nốt mụn cóc sinh dục hay nốt sùi. Bác sĩ có thể kiểm tra những nốt mụn này bằng mắt thường và khuyến cáo điều trị nếu cần thiết.
Sinh thiết: Trong trường hợp có những mụn bất thường, đặc biệt nếu có kích thước lớn hoặc lâu lành, bác sĩ có thể khuyến nghị làm sinh thiết. Đây là phương pháp lấy một mẫu nhỏ của mô để kiểm tra dưới cả kính hiển vi và xét nghiệm DNA của virus HPV.
Khám tổng quát tại các cơ sở y tế chuyên khoa: Vì không có xét nghiệm định kỳ cho HPV ở nam giới, đặc biệt là tại dương vật hoặc vùng sinh dục, việc thăm khám định kỳ ở các phòng khám chuyên về bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Những dấu hiệu như mụn, nốt sần, hoặc bất cứ thay đổi nào khác ở vùng sinh dục đều nên được kiểm tra sớm để ngăn ngừa nguy cơ cao hơn.
3. Xét nghiệm DNA HPV: Đây là phương pháp chính xác nhất để xác định sự có mặt của virus HPV trong cơ thể. Xét nghiệm DNA HPV sử dụng mẫu mô (mụn cóc/nốt sùi) hoặc dịch phết lấy từ hậu môn, dương vật hoặc cổ họng để phân tích DNA của virus. Kỹ thuật này cho phép phát hiện sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao – các loại virus có khả năng gây ung thư. Đặc biệt, xét nghiệm DNA có thể định typ HPV, giúp xác định chính xác loại virus nào đang nhiễm, như các typ HPV nguy cơ cao (HPV 16, 18) hoặc các typ nguy cơ thấp gây mụn cóc sinh dục (HPV 6, 11).
Lời khuyên của bác sĩ: Mặc dù không có khuyến cáo xét nghiệm tầm soát HPV thường xuyên cho nam giới, nhưng nếu nam giới có bạn tình nhiễm HPV, hoặc nếu có dấu hiệu bất thường, nên cân nhắc tới khám và tư vấn với bác sĩ để xác định tình trạng lây nhiễm. Bước này giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn và định hướng điều trị phù hợp nếu cần thiết.
Nguồn: TS.BS Tưởng Thị Vân Thuỳ - Đơn vị Nam học và Y học giới tính
Mọi nhu cầu thăm khám xin liên hệ:
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
Tổng đài đặt khám: 1900 6922
Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
Thu Linh - Tổ Truyền thông