Mẹ H.T.H (25 tuổi, quê ở Hà Nam) mang thai ở tuần thứ 35. Tưởng chừng như niềm vui làm mẹ sắp sửa đến gần thì bất ngờ, mẹ H.T.H lên cơn co giật dữ dội tại nhà. Gia đình vội vàng đưa mẹ đến bệnh viện tuyến dưới, sau đó được chuyển tuyến đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng lơ mơ, phù toàn thân, huyết áp cao và tim thai nhanh.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sản giật nặng. Khai thác bệnh sử, mẹ H. không thực hiện sàng lọc tiền sản giật trong quá trình khám thai. Nắm bắt tình hình cấp bách, ekip bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định mổ lấy thai để bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và bé.
Ca mổ diễn ra thành công, bé gái chào đời với cân nặng 1600g, được chuyển khoa Sơ sinh đánh giá, chăm sóc và điều trị. Sau phẫu thuật, mẹ H. được tiếp tục theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực, chống độc & giảm đau. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y tế, sức khỏe của mẹ và bé đã hoàn toàn ổn định và được xuất viện.
Trường hợp của mẹ H.T.H cho thấy tầm quan trọng của việc sàng lọc và dự phòng tiền sản giật. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm này, do đó, việc theo dõi thai kỳ định kỳ, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là vô cùng cần thiết. Sàng lọc từ quý I thai kỳ giúp phát hiện sớm những thai phụ có nguy cơ cao bị tiền sản giật. Việc điều trị dự phòng sẽ được áp dụng với những thai phụ có nguy cơ cao nhằm hạn chế việc khởi phát tiền sản giật. Trong trường hợp thai phụ có khởi phát, việc điều trị sẽ giúp bệnh đến muộn hơn để em bé có thêm thời gian phát triển trong bụng mẹ, cứng cáp hơn nếu phải lấy thai ra sớm.