Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài 28 - 30 ngày, được tính từ ngày đầu của kỳ kinh hiện tại đến ngày đầu của kỳ kinh tiếp theo. Ngoài ra, khi bạn có chu kỳ ngắn từ 21 ngày hoặc kéo dài từ 32 - 35 ngày nhưng chu kỳ được lặp lại đều đặn thì vẫn là bình thường.
Tuy nhiên một số chị em phụ nữ gặp phải hiện tượng chảy máu giữa kỳ kinh, chảy máu giữa kỳ kinh có phải là biểu hiện của bệnh lý phụ khoa và cần làm gì khi bị ra máu ngoài kỳ hành kinh?
Chảy máu âm đạo bình thường được gọi là kỳ kinh hay hành kinh, thường kéo dài từ 5-7 ngày và lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt. Ngược lại, khi phụ nữ bị ra máu bất thường không thuộc về chu kỳ kinh nguyệt sẽ được gọi là chảy máu âm đạo bất thường hay xuất huyết âm đạo.
Triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường thường được mô tả như những đốm máu nhỏ, không thấm ướt quần lót và rải rác hay cũng có thể diễn ra như một kỳ kinh nhưng ít ngày. Ngoài ra, dù ít được biết đến nhưng vì một số nguyên nhân làm âm đạo bị xuất huyết mà kỳ kinh nguyệt có thể sẽ ra nhiều hơn và kéo dài, còn thường gọi là rong kinh.
Điều gì gây ra hiện tượng xuất huyết giữa chu kỳ?
Theo BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh – Trưởng khoa khám Chuyên gia: có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra hiện tượng này, có thể kể đến như sau:
- Các phương pháp tránh thai sử dụng nội tiết:
Hiện tượng này thường gặp trong vài tháng đầu tiên bắt đầu tránh thai nội tiết, chẳng hạn như dùng viên uống tránh thai kết hợp, thuốc tránh thai chỉ có progestin, miếng dán tránh thai, cấy que, tiêm thuốc tránh thai, hoặc sử dụng vòng tránh thai nội tiết.
Chảy máu giữa chu kỳ cũng có thể xảy ra khi bạn quên uống viên tránh thai, nôn hoặc tiêu chảy liên tục làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu hormone của cơ thể, hoặc dùng thuốc tránh thai kéo dài để tránh kinh.
Tương tự như vậy, bạn cũng có thể mất cân bằng nội tiết tố do căng thẳng hoặc thay đổi chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, đối với những bé gái mới bắt đầu có kinh hoặc phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh thì kinh nguyệt thường không đều. Đôi khi, việc ra kinh sớm có thể khiến bạn dễ nhầm lẫn với hiện tượng ra máu bất thường giữa kỳ kinh.
Xuất huyết bất thường do tránh thai bằng nội tiết tố có thể không nguy hiểm và tự biến mất theo thời gian, nhưng bạn nên thăm khám bác sĩ nếu hiện tượng này kèm theo các triệu chứng bất thường khác như đau bụng, tức ngực, chảy máu nhiều, thay đổi thị lực, hoặc xảy ra nhiều lần trong chu kỳ kinh.
- Mắc bệnh lây qua đường tình dục hoặc tình trạng viêm nhiễm khác
Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu có thể gây chảy máu đột ngột. Đôi khi, nó cũng có nguyên do từ tình trạng viêm nhiễm khác, chẳng hạn như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, bệnh viêm vùng chậu.
Cùng với xuất huyết đột ngột, bạn có thể gặp phải các dấu hiệu như đau hoặc rát vùng chậu, nước tiểu đục, tiết dịch âm đạo bất thường hoặc có mùi hôi. Trong trường hợp này, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến vô sinh và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài lòng tử cung như ở cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phúc mạc chậu, bàng quang, trực tràng, niệu quản… Đây là một trong những nguyên nhân gây nên vô sinh ở phụ nữ.
Nếu bạn gặp các triệu chứng bất thường như đau bụng trước và trong khi hành kinh, đau khi quan hệ tình dục, kinh nguyệt ra nhiều kéo dài… thì nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Một số nguyên nhân khác
Có khá nhiều nguyên nhân gây xuất huyết bất thường giữa kỳ kinh. Do đó, bên cạnh những nguyên nhân chính kể trên thì bạn cần lưu ý thêm một số nguyên nhân khác, bao gồm polyp phát triển trong lòng tử cung, u xơ tử cung, mang thai ngoài tử cung hoặc chảy máu do động thai, dọa sẩy thai.
Khi viêm nhiễm có thể gây xây xước đường sinh dục dưới khiến âm đạo bị tổn thương cũng có thể gây chảy máu giữa chu kỳ, đặc biệt là khi quan hệ tình dục. Điều này thường xảy ra đối với phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh bị khô âm đạo.
Bạn nên làm thế nào khi bị xuất huyết giữa kỳ kinh?
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng chảy máu xảy ra thường xuyên, gây khó chịu. Hoặc nếu nó có kèm theo các triệu chứng bất thường khác, cách tốt nhất là bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Mọi nhu cầu thăm khám sản phụ khoa xin liên hệ
Khoa Khám Chuyên gia tầng 1 nhà B
929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội
Hãy liên hệ với chúng tôi trước 1 ngày để hẹn lịch đặt khám:
Hotline: 024.374858585
Đặt khám trêm web: https://datkham.benhvienphusanhanoi.vn/ chọn khoa Khám Chuyên gia, ghi chú cụ thể tên chuyên gia
Đặt khám trên App: tải app Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để đặt lịch
Đặt khám trên Fanpage: https://www.facebook.com/benhvienphusanhanoi.vn inbox để lại thông tin để đặt lịch hẹn
Lịch khám chuyên gia:
Thu Linh - Tổ Truyền thông