Theo BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Khám Chuyên gia: nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung. Mặc dù có tới hơn 200 tuýp HPV khác nhau, nhưng chỉ khoảng 40 tuýp lây nhiễm ở đường sinh dục và ít nhất 15 tuýp liên quan đến ung thư. Các nhóm 16, 18, 45, 56 thường có liên quan với các tổn thương loạn sản nặng và ung thư cổ tử cung xâm nhập. HPV nhóm 18 có liên quan với ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô kém biệt hoá cổ tử cung cũng như tỷ lệ di căn hạch và khả năng tái phát của bệnh. Các nghiên cứu cho thấy HPV nhóm 16 liên quan với ung thư biểu mô vảy sừng hoá có tỷ lệ tái phát thấp hơn. Do nhận thấy mối liên quan rõ rệt giữa nhiễm HPV và nguy cơ mắc bệnh ung thư nên hiện nay đã có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và đã tìm ra văcxin chống HPV làm giảm sự nhiễm HPV liên tục cũng như giảm các tổn thương loạn sản.
Ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân gây nên, ngoài yếu tố chủ yếu nhiễm HPV, còn phải kể đến các yếu tố nguy cơ khác như: Hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình), nhiễm trùng, nhiễm Herpes virus, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng
Triệu chứng ung thư cổ tử cung
Đối với giai đoạn sớm của bệnh như tổn thương loạn sản hoặc ung thư tại chỗ thường không thấy dấu hiệu gì hoặc chỉ phát hiện vết loét nông khi soi cổ tử cung.
Dấu hiệu lâm sàng có thể chỉ thấy ra khí hư đơn thuần hoặc lẫn máu ở âm đạo, đặc biệt ra dịch rất hôi ở bệnh nhân có tổn thương hoại tử nhiều. Đa số các trường hợp bệnh nhân xuất hiện ra máu âm đạo tự nhiên ngoài chu kỳ kinh hoặc sau sinh hoạt tình dục. Dấu hiệu đau tiểu khung, bất thường của hệ tiết niệu và trực tràng thường xuất hiện ở giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn. Trong những trường hợp này khám lâm sàng có thể đủ để chẩn đoán xác định.
- Giai đoạn sớm: ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có hình ảnh đặc biệt, thường không phát hiện bằng mắt thường.
- Khi bệnh tiến triển: thường có các hình thái đại thể khác nhau, đánh giá các tổn thương tại cổ tử cung trên lâm sàng qua khám cổ tử cung
Một số dấu hiệu ung thư cổ tử cung:
- Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục;
- Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa;
- Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi;
- Khó chịu khi đi tiểu, tiểu nhiều lần;
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu (dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung xâm lấn bàng quang, trực tràng);
- Kinh nguyệt thất thường, kéo dài;
- Sút cân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Nếu như trước đây, việc phát hiện các tế bào ung thư đòi hỏi phải thực hiện nhiều quá trình phức tạp thì hiện nay, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã giúp việc tầm soát bệnh trở nên dễ dàng hơn. Các phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung đang được áp dụng tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội gồm:
* Xét nghiệm tế bào Pap smear
Phương pháp này còn được gọi là xét nghiệm Pap hoặc phết tế bào cổ tử cung, thực hiện thu thập mẫu tế bào trong tử cung và phân tích để phát hiện ung thư cổ tử cung từ sớm. Bên cạnh đó, Pap smear còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào tử cung, cảnh báo sớm các nguy cơ bệnh lý trong tương lai.
* Xét nghiệm Thinprep
Phương pháp này lấy một mẫu mô nhỏ ở cổ tử cung cho vào lọ Thinprep (dạng chất lỏng định hình), chuyển vào phòng thí nghiệm và xử lý bằng máy Thinprep một cách tự động. Đây được xem là bước tiến mới so với các phương pháp truyền thống, giúp nâng cao chất lượng các mẫu tế bào đã thu thập, đảm bảo độ chính xác của việc tầm soát bệnh lý.
* Xét nghiệm virus HPV
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đưa xét nghiệm HPV vào quy trình tầm soát giúp phát hiện bệnh lý. Xét nghiệm này giúp phát hiện các virus gây bệnh và có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung trong tương lai, thường áp dụng cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Khuyến cáo kết hợp cùng xét nghiệm tế bào Pap smear để có kết quả tổng quan chính xác nhất.
BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh cũng khuyên chị em: Bệnh lý ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng, tiến triển âm thầm nên khó phát hiện và can thiệp kịp thời. Do đó, tầm soát ung thư cổ tử cung có ý nghĩa quan trọng, giúp phát hiện sớm những nguy cơ, có biện pháp điều trị kịp thời và đúng cách ngay từ giai đoạn khởi phát. Thời điểm tốt nhất để thực hiện việc tầm soát sẽ khác nhau ở mỗi người tùy theo sức khỏe, môi trường sống và chế độ sinh hoạt… nhưng nhìn chung, khuyến cáo chị em phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên thực hiện tầm soát định kỳ theo yêu cầu của từng phương pháp cũng như chỉ định của bác sĩ.
Ung thư cổ tử cung có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Chị em hãy chủ động tầm soát và tiêm vắc xin phòng virus HPV để bảo vệ chính mình!
Mọi nhu cầu thăm khám xin liên hệ:
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
Tổng đài đặt khám: 1900 6922
Đặt lịch qua website: http://datkham.benhvienphusanhanoi.com/
Ứng dụng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3ahl0KL
Kênh Youtube Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3evh4t3
Kênh Tiktok: https://vt.tiktok.com/rvXtAe/
Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung,
Thu Linh - Tổ Truyền thông