Sức khỏe và thể trạng của người mẹ trước khi mang thai có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Do vậy, chị em nên thực hiện các bước sau để tăng cơ hội có được một thai kỳ khỏe mạnh:
1. Khám sức khoẻ tiền mang thai
Để chuẩn bị cho việc mang thai, các mẹ nên đi khám tiền sản. Qua đó bác sĩ sẽ nắm được tiền sử bệnh của các mẹ, các loại thuốc mà các mẹ đang sử dụng… Ngoài ra, chị em phải ngưng uống một số thuốc làm ảnh hưởng đến việc thụ thai.
Thông qua việc thăm khám tiền sản, bác sĩ sẽ tư vấn chị em nên ăn những gì trước khi mang thai, nên tập thể dục như thế nào, tiêm phòng ra sao và nên từ bỏ những thói quen nào như: Hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích.
Nếu đã lên kế hoạch có con, chị em cần đi khám để phát hiện các bệnh lý phụ khoa. Trong trường hợp đang có bệnh thì cần điều trị dứt điểm vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai như: Viêm phụ khoa, polyp cổ tử cung, u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung...
Nên xét nghiệm máu để tìm các bệnh lý về máu như thiếu máu, Thalassemia,... hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến thai kỳ như viêm gan B, HIV, giang mai.
Để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, chị em cần tìm đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu mẹ bị tiểu đường, hen suyễn hoặc huyết áp cao, các chứng bệnh này cần phải được kiểm soát trước khi mang thai.
2. Chuẩn bị dinh dưỡng cho mẹ
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thụ thai, nuôi bào thai an toàn và khỏe mạnh. Mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo tốt nhất, từ đó mới đủ sức khỏe để hoàn thành thiên chức mang bầu sinh nở. Chính bởi vậy, chế độ ăn uống hợp lý là điều hết sức quan trọng.
Để suốt 9 tháng mang thai được trọn vẹn, các mẹ cần lên kế hoạch xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học ngay từ trước khi thụ thai.
- Để phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, các mẹ cần bổ sung acid folic từ thực phẩm hoặc viên uống trước khi mang thai 3 tháng và trong suốt quá trình mang thai. Ăn các loại rau sẫm màu (rau cải xanh, rau bina…), các loại hạt, sữa, chuối, dưa hấu, hải sản…
- Bổ sung vitamin từ thực phẩm hoặc viên uống, vitamin A (có nhiều trong gan cá biển, cà rốt, bí ngô, cà chua…) và vitamin C (có nhiều trong các loại trái cây tươi, rau…).
- Bổ sung sắt giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Sắt có nhiều trong rau ngót, cá biển, thịt nạc, rau muống…
- Nếu mẹ không có nhiều canxi có thể dẫn đến tình trạng thai nhi bị còi xương, kém phát triển… rất nguy hiểm. Chính bởi vậy, chị em chuẩn bị mang thai cần bổ sung canxi đầy đủ giúp xương mẹ khỏe mạnh, vững chắc hơn.
- Bổ sung thêm protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa…
3. Tiêm phòng trước khi mang thai
Tiêm phòng trước khi mang thai là một trong những việc cực kỳ quan trọng trong các bước chuẩn bị trước khi mang thai.
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch cơ thể mẹ sẽ yếu hơn bình thường. Do đó, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm của mẹ cũng vì vậy mà tăng lên. Việc tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ thai nhi tránh khỏi các bệnh nguy hiểm như Rubella, viêm gan B…
Đây cũng là cách tốt để bảo vệ cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, khi tiêm vacxin các mẹ cần hết sức lưu ý và tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Một số loại vacxin sống như chủng ngừa sởi, quai bị, rubella (MMR), chị em được khuyến cáo không nên thụ thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm.
- Vacxin ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap) có thể được tiêm trong khi bạn đang mang thai.
- Vacxin ngừa cúm thì có thể được tiêm trước hoặc trong khi mang thai tùy thuộc vào thời điểm (đang có dịch cúm hay không).
Từ những chú ý trên, để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh các mẹ nên biết bản thân cần tiêm phòng vacxin gì và chọn thời điểm tiêm phù hợp.
4. Chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai
Các nghiên cứu cho thấy, trong thời gian chuẩn bị trước khi mang thai, nếu phụ nữ thường xuyên bị stress sẽ có khả năng thụ thai thấp hơn những người có tâm trạng vui vẻ. Vì vậy, để sớm có tin vui, các mẹ hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thật thoải mái…
Với những chị em có vấn đề về sức khỏe từ trước đó, cần bình tĩnh tìm hướng giải quyết thay vì đôn đáo chạy ngược xuôi tìm các phương pháp sinh con thiếu khoa học. Tập trung trang bị hệ thống kiến thức về vấn đề thụ thai để việc quan hệ hiệu quả hơn.
5. Chuẩn bị tài chính trước khi mang thai
Ngoài sự chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, những kiến thức đúng đắn về quá trình thụ thai, vợ chồng bạn cần sẵn sàng về cả vấn đề tài chính.
Khi sinh một đứa con, các mẹ sẽ phải chi tiêu rất nhiều, từ bỉm, sữa, cho đến những vấn đề lớn hơn như khi con bị bệnh, sau đó là nuôi ăn học. Do đó, vợ chồng hãy cân nhắc vấn đề tài chính một cách thấu đáo để chắc chắn mình đủ khả năng lo cho cuộc sống của con và cho con một tương lai tốt đẹp.
Nguồn: Ths.BSCKII Nguyễn Công Định - Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khoẻ sinh sản (cơ sở 2)
Mọi nhu cầu thăm khám và điều trị xin liên hệ:
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
Tổng đài đặt khám: 1900 6922
Đặt lịch qua website: http://datkham.benhvienphusanhanoi.vn/
Ứng dụng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3ahl0KL
Kênh Youtube Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3evh4t3
Kênh Tiktok: https://vt.tiktok.com/rvXtAe/
Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung,
Thu Linh - Tổ Truyền thông