U nang buồng trứng là hiện tượng một khối u có chứa dịch lỏng, phát triển bất thường ở buồng trứng. Khối u có thể hình thành từ các mô của buồng trứng hoặc mô của các cơ quan khác. Ai cũng có thể mắc bệnh u nang buồng trứng, đặc biệt trong độ tuổi từ 20 đến 45 tuổi rất dễ mắc u nang buồng trứng ác tính.
U nang buồng trứng thường có nhiều loại khác nhau và 90% là các khối u lành tính (ít gây ung thư), 10 % phát triển thành ác tính. Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh bị u buồng trứng có nguy cơ phát triển thành ung thư cao hơn so với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Các khối u này tiến triển âm thầm với triệu chứng mơ hồ hoặc thậm chí không gây ra triệu chứng bất thường, đôi khi vô hại và tự biến mất.
1.Các triệu chứng thường gặp nhất.
Đau vùng chậu, thắt lưng hoặc đùi: Người bệnh có thể gặp các cơn đau mơ hồ vùng chậu, dọc thắt lưng hoặc đùi. Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuyên gặp phải do các khối u chèn ép lên các cơ quan hoặc các dây thần kinh chạy dọc sau xương chậu.
Các cơn đau mơ hồ vùng chậu, dọc thắt lưng hoặc đùi là triệu chứng phổ biến nhất của u nang buồng trứng
Đau tức bụng dưới, đầy hơi, buồn nôn và nôn: Khối u có kích thước lớn có thể gây khó chịu, tức thời cho người bệnh, đôi lúc cảm giác chướng bụng, bụng to, sờ thấy khối u. Đặc biệt khi có cảm giác đầy hơi liên tục hằng ngày, nôn và buồn nôn thì nên cảnh giác với những tế bào ác tính ở buồng trứng do các khối u ác tính không vỡ, sẽ biến chứng thành ung thư gây hoạt tử và nhiễm trùng. Dấu hiệu đầy hơi, buồn nôn thường nhầm lẫn triệu chứng bệnh về tiêu hóa khiến các chị em chủ quan, coi thường bệnh.
Đi tiểu liên tục: Hiện tượng rối loạn tiểu tiện có thể do nhiều yếu tố và có thể do nhiều bệnh lý gây ra, bao gồm những vấn đề bàng quang, đường tiết niệu, các triệu chứng của đường huyết cao nhưng cũng là biểu hiện của bệnh u nang buồng trứng do sự chèn ép lên bàng quang của khối u từ đó thôi thúc bạn có nhu cầu đi tiểu nhiều hơn, nhưng khi tiểu lại có cảm giác đau buốt, bứt rứt.
Đau khi quan hệ tình dục: Nếu bạn quan hệ tình dục và cảm thấy đau ở một bên so với bên kia, thì bạn cần nghĩ đến u nang buồng trứng. Một số u nang khi phát triển với kích thước lớn, có thể nằm ngay ở cổ tử cung gây cản trở. Do đó, bạn sẽ xuất hiện cảm giác đau đớn khi quan hệ.
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh bất thường hay còn gọi là chứng rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện của nhiều bệnh phụ khoa trong đó có liên quan đến buồng trứng.
Tăng cân không rõ nguyên nhân: Mặc dù không phải là triệu chứng điển hình của bệnh, tuy nhiên nếu bạn tăng cân bất thường đi kèm với một số triệu chứng kể trên thì bạn nên nghi ngờ và đến gặp bác sĩ để được thăm khám và phát hiện sớm.
2. Biến chứng u nang buồng trứng
- Hầu hết các u nang buồng trứng là lành tính và tự khỏi mà không cần điều trị. Những u nang này thường không gây ra hoặc rất ít triệu chứng. Tỉ lệ u nang buồng trứng tiến triển thành ung thư không nhiều.
- Xoắn buồng trứng là một biến chứng hiếm gặp khác của u nang buồng trứng khi một u nang lớn làm cho buồng trứng xoắn hoặc di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Tình trạng này khiến cho quá trình cung cấp máu cho buồng trứng bị gián đoạn. Nếu không được điều trị nó có thể gây tổn thương hoặc hoại tử mô buồng trứng. Các trường hợp xoắn buồng trứng chiếm khoảng 3% các ca phẫu thuật phụ khoa khẩn cấp.
- U nang vỡ cũng hiếm gặp, có thể gây đau dữ dội và chảy máu bên trong. Biến chứng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
3.Chẩn đoán u nang buồng trứng
Có thể phát hiện u nang buồng trứng khi khám phụ khoa định kỳ. Kiểm tra trên siêu âm là một kỹ thuật hình ảnh giúp xác định kích thước, vị trí, hình dạng và tính chất (rắn, dịch) của một u nang.
Các kỹ thuật hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán u nang buồng trứng bao gồm:
Vì phần lớn các u nang biến mất sau một vài tuần hoặc vài tháng, bác sĩ có thể không lên kế hoạch điều trị ngay lập tức. Thay vào đó có thể kiểm tra siêu âm lại trong một vài tuần hoặc vài tháng để kiểm tra tình trạng tiến triển của u nang.
Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc gia tăng về kích thước, bác sĩ có thể tiến hành thêm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bao gồm:
-Thử thai để đảm bảo bệnh nhân không mang thai
- Kiểm tra mức độ hormone xác định các tình trạng liên quan đến hormone
- Xét nghiệm máu CA-125 để sàng lọc ung thư buồng trứng
3. Điều trị u nang buồng trứng
Điều trị nhằm mục đích thu nhỏ hoặc loại bỏ nếu u nang không tự biến mất hoặc phát triển lớn hơn.
Thuốc tránh thai
Nếu u nang buồng trứng tái phát, bác sĩ có thể kê toa thuốc tránh thai để ngừng rụng trứng và ngăn ngừa sự phát triển của u nang mới. Thuốc tránh thai đường uống cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Nguy cơ ung thư buồng trứng thường có tỉ lệ cao hơn ở phụ nữ mãn kinh.
Nội soi ổ bụng
Nếu u nang nhỏ và kết quả chẩn đoán hình ảnh xác định không phải là ung thư, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật nội soi để phẫu thuật cắt bỏ u nang.
Phẫu thuật hở
Nếu có một u nang lớn, thể phẫu thuật cắt bỏ u nang sẽ được tiến hành thông qua một vết mổ lớn ở bụng. Nếu kết quả sinh thiết xác định rằng u nang là ung thư, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ cả buồng trứng và tử cung.
Các bác sĩ bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khuyên chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để sớm phát hiện những bất thường và điều trị .
Mọi nhu cầu khám chữa bệnh vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
Tổng đài đặt khám: 1900 6922
Đặt lịch qua website: http://datkham.benhvienphusanhanoi.vn/
Ứng dụng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3ahl0KL
Kênh Youtube Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3evh4t3
Kênh Tiktok: https://vt.tiktok.com/rvXtAe/
Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
Thu Linh - Tổ Truyền thông