Fluoroquinolon là kháng sinh được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Tương tự các thuốc khác, nhóm thuốc này có các phản ứng có hại.
Điều trị một số loại nhiễm khuẩn có thể bắt buộc sử dụng Fluoroquinolon.
Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được kê sau khi đã đánh giá kỹ lợi ích và nguy cơ gặp phản ứng có hại, và sau khi đã thông tin cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế và bệnh nhân cần lưu ý thận trọng khi sử dụng Fluoroquinolon, cũng như những dấu hiệu cảnh báo, cần làm gì khi thấy triệu chứng tiềm tàng của các phản ứng nghiêm trọng.
Fluoroquinolon là gì?
Các hoạt chất của nhóm kháng sinh này bao gồm:
- Ciprofloxacin
- Levofloxacin
- Ofloxacin
- Norfloxacin
- Moxifloxacin
- Lomefloxacin
- Delafloxacin
Fluoroquinolon được sử dụng trong trường hợp nào?
Fluoroquinolon được chỉ định trong điều trị một số loại nhiễm khuẩn nghiêm trọng, một số có thể đe dọa tính mạng. Nhóm kháng sinh này chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết.
Các phản ứng có hại tiềm ẩn của Fluoroquinolon là gì?
Việc sử dụng Fluoroquinolon có thể liên quan đến một số phản ứng có hại nghiêm trọng và không hồi phục.
- Tổn thương gân
- Rối loạn tim mạch
- Loạn nhịp tim
- Phình động mạch và bóc tách động mạch chủ
- Hở van và/ hoặc suy van tim
- Bệnh thần kinh ngoại biên (tổn thương thần kinh)
- Bệnh nhạy cảm ánh sáng
- Bệnh thần kinh - tâm thần
Thời gian khởi phát và kéo dài của phản ứng có hại:
- Thời gian khởi phát và kéo dài của phản ứng có hại phụ thuộc vào loại phản ứng và từng người bệnh.
- Triệu chứng có thể xuất hiện sau 48 giờ điều trị và kéo dài nhiều tháng sau khi đã ngừng thuốc.
- Thời gian kéo dài của mỗi phản ứng có hại khác nhau giữa các bệnh nhân. Nhiều phản ứng có hại có thể còn sau khi đã ngừng điều trị, tuy nhiên phần lớn mất đi.
Cần làm gì khi gặp phản ứng có hại?
Bệnh nhân và người chăm sóc cần liên hệ với Bác sĩ ngay khi xuất hiện những triệu chứng sau:
- Sưng đau các gân hoặc khớp
- Đau bất thường và/ hoặc yếu tay chân
- Đánh trống ngực, cảm giác loạn nhịp tim hoặc nhịp tim nhanh
- Khó thở, sưng phù chân
- Giảm thị lực hoặc có bất kỳ rối loạn thị giác
- Mẩn đỏ, kích ứng, ngứa da, đặc biệt khi dưới ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím nhân tạo (đèn tắm nắng, nhà tắm nắng,…)
- Khi xuất hiện đau nhói và dữ dội vùng bụng, ngực hoặc lưng, cần đến bệnh viện ngay lập tức.