Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

THÔNG TIN THUỐC BẢN TIN SỐ 1 NĂM 2020

THÔNG TIN THUỐC BẢN TIN SỐ 1 NĂM 2020

THÔNG TIN THUỐC

BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 1 NĂM 2020

     Vai trò của canxi và vitamin D đối với phụ nữ có thai

     Có ý kiến cho rằng phụ nữ mang thai sử dụng vitamin D kèm theo canxi có thể giúp giảm nguy cơ tiền sản giật, nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Hướng dẫn của RCOG (Royal College of Obtetricians and Gynaecologists) khuyến cáo phụ nữ mang thai có nguy cơ tiền sản giật cao nên dùng ít nhất 800 đơn vị vitamin D mỗi ngày kết hợp với canxi. Trên các đối tượng phụ nữ có thai khác, các chế phẩm kết hợp vitamin D và canxi không nên được dùng để điều trị thiếu hụt vitamin D do có thể làm tăng nguy cơ tăng canxi máu, thay vào đó phụ nữ có thai nên cố gắng nạp đủ lượng canxi (khoảng 700 mg) thông qua chế độ ăn.

     Thời điểm điều trị thiếu hụt vitamin D cho phụ nữ có thai

     Bổ sung thường xuyên vitamin D (ví dụ 400 đơn vị/ngày) nên bắt đầu sớm khi có thai hoặc trước khi thụ thai. Không có hướng dẫn nào khuyến cáo liều cao hơn nếu không phải là bắt đầu điều trị thiếu hụt vitamin D. Trong các nghiên cứu can thiệp, điều trị bằng vitamin D được bắt đầu từ tuần thứ 12 đến 28 và tiếp tục cho đến lúc sinh. Dữ liệu về tính an toàn hạn chế, dừng lại ở các chỉ tiêu đầu ra bất lợi trên trẻ sơ sinh khi mẹ được điều trị trong thai kỳ giai đoạn hai và ba.

     Đa phần sự tăng trưởng và phát triển xương của thai nhi xảy ra vào thai kỳ giai đoạn hai và ba. Thai kỳ giai đoạn đầu chủ yếu liên quan đến tính sinh quái thai (teratogenicity) và do vậy việc điều trị trong giai đoạn này về mặt lý thuyết có nguy cơ cao hơn. Tuy hiện vẫn đang có nhiều tranh luận xung quanh mức độ an toàn khi bắt đầu điều trị từ thai kỳ giai đoạn hai, nhưng chắc chắn thiếu dữ liệu về độ an toàn khi dùng liều điều trị thiếu hụt vitamin D trên phụ nữ có thai giai đoạn đầu.

     Các chế độ điều trị liều cao có an toàn cho phụ nữ có thai?

     Dữ liệu về độ an toàn khi điều trị bằng vitamin D đường uống trên phụ nữ có thai khá hạn chế. Trên quần thể chung, giới hạn trên của liều vitamin D hàng ngày được khuyến cáo là 10.000 đơn vị (trong trường hợp dự định dùng thuốc dài ngày, liều tối đa chỉ nên là 4.000 đơn vị). Ngoài liều hàng ngày, các biến cố bất lợi có nhiều khả năng xảy ra hơn khi dùng liều bolus đường tiêm hoặc đường uống với liều trên 10.000 đơn vị/ngày, do vậy cần tránh sử dụng liều cao vitamin D cho phụ nữ có thai.

     Phụ nữ có thai được điều trị thiếu hụt vitamin D nên được theo dõi với tần suất như thế nào? 

     Nhìn chung phụ nữ có thai điều trị thiếu hụt vitamin D nên được kiểm tra nồng độ canxi máu một tháng sau khi hoàn thành điều trị với vitamin D. Không cần kiểm tra thường xuyên nồng độ vitamin D nhưng nên kiểm tra sau 3-6 tháng điều trị vì nồng độ vitamin D ổn định thường đạt được sau khoảng thời gian đó.     

 

     Tài liệu tham khảo:

Theo trang thông tin thuốc của Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc – canhgiacduoc.org.vn