Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

5 cách khắc phục tình trạng 'khô hạn' ở chị em sau sinh thường

5 cách khắc phục tình trạng 'khô hạn' ở chị em sau sinh thường

'Khô hạn' sau sinh nhất là sinh thường là nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em phụ nữ. Nếu chị em không biết cách cân bằng, cải thiện tình trạng này dễ dẫn tới lãnh cảm.

Trên Hội các mẹ nuôi con nhỏ, những chuyện làm sao để cải thiện tình trạng 'khô hạn' sau sinh được rất nhiều chị em phụ nữ chia sẻ.

Chị Phạm Tú Tr. (23 tuổi, Hà Nội) cho biết sau khi sinh con gái bằng phương pháp sinh thường, chị Tr. kiêng quan hệ vợ chồng 2 tháng. Sau đó, chuyện ấy trở thành nỗi ám ảnh của chị bởi tình trạng 'khô hạn', mỗi lần âu yếm chị thấy đau rát.

Chị Tr. cảm thấy stress bởi từ việc con ốm, con không chịu ăn sữa ngoài rồi đến chuyện chăn gối vợ chồng. Có lúc, chị thấy mình như trầm cảm và không thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Ra nhà thuốc chị được người ta bán thuốc cho uống nhưng hiệu quả vẫn rất chậm, hầu như không cải thiện được nhiều. Đã 19 tháng trôi qua, chị Tr. sợ tình cảm vợ chồng sẽ ảnh hưởng vì chuyện thầm kín. Mỗi lần nhìn vào gương, chị Tr lại sầu tới phát khóc khi da thì khô, nám xuất hiện còn chuyện chăn gối thì khô khan, không muốn gần gũi chồng mình.

Theo Ths. Bs CKI Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng khoa Khám phụ khoa tự nguyện - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, dù không muốn nhưng hầu hết phụ nữ sau sinh đều trải qua giai đoạn 'khô hạn'. Nguyên nhân là do sự thiếu vắng “chiến hữu” estrogen: hormone quan trọng giúp các tế bào tuyến cổ tử cung tiết chất bôi trơn tự nhiên cho âm đạo.

Bác sĩ Thủy cho biết các nguyên nhân suy giảm nồng độ hormone sau sinh. Do khi mang thai nồng độ nội tiết tố tăng mạnh để giúp cho sự phát triển nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh. Trong vòng 24 giờ sau sinh, nồng độ hormone estrogen và progesterone bắt đầu trở lại bình thường. Sự thay đổi nồng độ hormone này là nguyên nhân chính gây 'khô hạn'.

Ngoài ra, trong thời kỳ cho con bú, hormone prolactin được sản xuất ra, gây ức chế việc sản xuất hormone estrogen. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc con nhỏ, chị em thường xuyên gặp tình trạng căng thẳng, tình trạng này kéo dài gây ức chế estrogen.

Cơ thể thiếu estrogen không chỉ gặp tình trạng khô hạn mà còn xuất hiện một số triệu chứng giống trong thời kỳ mãn kinh như: bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, tóc khô xơ và gãy rụng.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng có lợi cho sữa mẹ, mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm sau giúp làm tăng chất bôi trơn tự nhiên, từ đó giảm trình trạng 'khô hạn'. Hai nhóm thực phẩm chị em nên ưu tiên đó là:

Thứ nhất, thực phẩm vitamin B, theo bác sĩ Thủy, việc thiếu hụt vitamin nhóm B làm ảnh hưởng đến khả năng tiết chất nhờn ở âm đạo, gây khô rát, xuất huyết, viêm nhiễm vùng kín… Để cải thiện, mẹ hãy bổ sung nguồn vitamin B5, B6: súp lơ, nấm, thịt, hạt hướng dương, sữa, ngũ cốc, hoa quả, rau xanh,…

Nguồn vitamin B2: gan động vật, cá tươi, rau cần, đậu tương, cà rốt,…

Thực phẩm giàu axit béo: cá thu, cá hồi, cá ngừ, hạt hướng dương, hạt vừng, bí ngô sống,…

Thứ hai, thực phẩm giàu vitamin A như khoai lang, cà rốt, rau bina, cải xoăn và dưa đỏ, cà chua,... là nguồn tuyệt vời cung cấp vitamin A - chất cần thiết giúp bài tiết chất nhầy và ức chế sự sừng hóa.

Thực phẩm hàm lượng cao Isoflavone - một loại flavonoid có cơ chế hoạt động và chức năng gần giống hormone estrogen ở nữ giới

Bổ sung thực phẩm có hàm lượng cao isoflavones sẽ cải thiện được tình trạng do suy giảm hormone estrogen. Mẹ dễ dàng tìm thấy trong: anh đào, đậu nành, cần tây, các loại hạt và thực vật họ đậu,…

Thứ ba, tập một số động tác thể dục thể thao nhẹ kết hợp với hơi thở cũng giúp cho khí huyết được lưu thông. Đặc biệt việc tập thư giãn có thể giúp ích nhiều trong quan hệ vợ chồng.

Thứ tư, nếu gặp phải chứng khô âm đạo chị em phụ nữ có thể sử dụng thuốc bôi trơn khi quan hệ. Thuốc bôi trơn này sẽ làm ướt âm đạo trong nhiều giờ, giúp vợ chồng vượt qua khó khăn. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc bôi trơn chị em chỉ có thể giải quyết được phần ngọn chứ không chữa được phần gốc và căn nguyên của triệu chứng.

Thứ năm, trao đổi với chồng, chị em cũng nên trao đổi với chồng để anh ấy hiểu và thông cảm hơn, việc này có thể giúp chị, em bớt đi một số những căng thẳng và lo lắng không cần thiết vì sự căng thẳng có thể làm ảnh hưởng đến sự điều tiết hóc môn

Nguồn:

https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/5-cach-khac-phuc-tinh-trang-kho-han-o-chi-em-sau-sinh-thuong-279784.html

https://hit.vn/5-cach-khac-phuc-tinh-trang-kho-han-o-chi-em-sau-sinh-thuong-jvEKXQVSzVqKbRb9zEGY2X

Hà Trang - Tổ Truyền thông