Luôn khắc ghi lời Bác dạy
Hơn một tháng chăm sóc người thân bị tai biến mạch máu não nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, chị Trần Thị Nguyệt (ở xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) rất biết ơn các y, bác sĩ nơi đây. "Tính mạng của bố tôi “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng nhờ được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, động viên, thăm hỏi, đến nay, sức khỏe của bố tôi đã dần ổn định", chị Nguyệt bày tỏ.
Chăm cháu 2 tháng tuổi bị sốt và tiêu chảy tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình được hơn 1 tuần, bác Vũ Thị Lan (ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa) nhận xét, mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng bệnh viện vẫn dành một phần diện tích xây dựng khu căng tin khang trang, sạch sẽ phục vụ bữa ăn cho cán bộ, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nhờ đó, những người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân cũng đỡ cảnh vạ vật tìm quán ăn bên ngoài…
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình Nguyễn Văn Đông cho biết: Ngày 20-4-1963, bệnh viện là một trong số ít cơ sở y tế trong cả nước vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và căn dặn: “Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần: Có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt...”.
Ghi sâu lời dạy ấy, lớp lớp các thế hệ y, bác sĩ của bệnh viện coi đây là phương châm hành động, là mục tiêu để phấn đấu. Tại các buổi giao ban, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề của bệnh viện đều được lồng ghép với những lời dạy của Người.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn tổ chức các phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thời gian qua, bệnh viện đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người bệnh, giáo dục y đức luôn được trau dồi... Mỗi tháng một lần, bệnh viện tổ chức họp hội đồng người bệnh, tiếp thu ý kiến phản hồi của người bệnh, từ đó rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng.
Thấm nhuần lời Bác dạy, các cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vân Đình còn nỗ lực học tập, làm chủ nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu để người bệnh được chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến cơ sở.
Bác sĩ Trần Đăng Tuấn, Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện cho biết, với đặc thù người bệnh chủ yếu là nông dân, kinh tế còn khó khăn nên bệnh viện đã cố gắng phát triển các kỹ thuật cao để phục vụ bệnh nhân được tốt nhất, giúp họ không phải đi xa, đồng thời cũng giảm tải cho tuyến trên.
Chính vì vậy, dù là bệnh viện hạng II của thành phố nhưng hiện Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đã làm chủ được một số kỹ thuật của bệnh viện hạng I, như: Mổ nội soi về gan mật, thay khớp háng, thay chỏm xương đùi...
Không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình mà tại nhiều bệnh viện của ngành Y tế Thủ đô, các y, bác sĩ đang hằng ngày, hằng giờ phấn đấu làm theo lời Bác dạy. Như tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, dựa trên nền tảng kỹ thuật lấy mẫu ối (chọc ối) để chẩn đoán trước sinh, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước và sau sinh, đã cải tiến kỹ thuật này bằng việc thay thế kim nhỏ hơn giúp bệnh nhân không đau, giảm tai biến. Từ đầu năm 2019 đến nay đã có gần 500 trường hợp được thực hiện thành công bằng kỹ thuật mới này.
“Từ kỹ thuật này có thể mở ra bước tiến mới là điều trị can thiệp trong bào thai. Chẳng hạn, khi phát hiện thai nhi thiếu máu, các bác sĩ có thể truyền máu cho bào thai; thậm chí điều trị cả những bệnh lý được chẩn đoán trước sinh và có sự can thiệp sớm để em bé ra đời, tránh được những rủi ro, dị tật…”, bác sĩ Nguyễn Thị Sim nói.
“Lương y phải như từ mẫu”, thấm nhuần lời dạy đó, mới đây các y, bác sĩ của Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội còn tổ chức quyên góp tiền giúp đỡ hai mẹ con bệnh nhân Phan Thị Giang (ở Thái Nguyên xuống Hà Nội mưu sinh) bị sốt xuất huyết, phải điều trị dài ngày. Dù không có tiền đóng viện phí nhưng hai mẹ con chị Phan Thị Giang vẫn được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tận tình.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện cho biết: Chúng tôi luôn đặt mình vào tâm thế của người bệnh để lắng nghe, thấu hiểu, gần gũi, động viên người bệnh có thêm động lực vượt qua bệnh tật…
Chất lượng chuyên môn song hành với y đức
Hiện nay, toàn ngành Y tế Thủ đô đang quản lý 41 bệnh viện; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 8 đơn vị quản lý nhà nước và trung tâm chuyên khoa với 24.470 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 4.412 bác sĩ, 4 thầy thuốc nhân dân, 28 thầy thuốc ưu tú.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bên cạnh sự đầu tư, phát triển về chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, ngành Y tế Hà Nội trong những năm qua đã có nhiều thành tựu đáng tự hào. Có thể kể đến thành công trong việc triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới tại nhiều bệnh viện, nhất là xây dựng được Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đạt tiêu chuẩn châu Âu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế, như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. 100% bệnh viện của thành phố đã thực hiện nghiêm túc việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình khám, chữa bệnh, giảm phiền hà, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Để có được sự tin yêu của người bệnh như hiện nay, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, suốt 64 năm qua, các thế hệ thầy thuốc Thủ đô luôn thấm nhuần lời nhắn nhủ trong thư Người gửi cán bộ y tế toàn quốc năm 1955: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn...”.
Theo ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành Y tế đang phải đối mặt với không ít khó khăn, như: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cơ cấu bệnh tật thay đổi, ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…
Điều đó cho thấy, nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo đặt ra với ngành Y tế là rất nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ y tế Thủ đô phải đoàn kết, nhất trí, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân. Có như vậy mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức, với truyền thống vẻ vang của ngành Y tế.
Nguồn: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/943942/het-long-vi-suc-khoe-nhan-dan
Tổ Truyền thông