Bệnh thiểu ối là gì?
Theo TS. BSCKI Nguyễn Thị Sim - Phụ trách Đơn vị can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình mang thai.
Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp. Nước ối đa phần có nguồn gốc từ thai nhi, do sự bài xuất nước tiểu được lặp đi lặp lại tạo ra một lượng nước ối phù hợp.
Truyền ối là kỹ thuật đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai.
Bệnh thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, khi chỉ số ối AFI nhỏ hơn 5cm và màng ối còn nguyên vẹn. Thiểu ối tiềm ẩn những nguy cơ như thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn, khoèo chi...Nặng hơn là tình trạng cạn ối khi lượng nước ối đo được qua siêu âm (chỉ số AFI) nhỏ hơn 3cm.
Thiểu ối xuất hiện ở mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ thì tiềm ẩn những nguy cơ khác nhau:
- Thiểu ối trong 3 tháng đầu nguy cơ sảy thai cao chiếm 65-80%
- Thiểu ối trong 3 tháng giữa nguy cơ dị tật thai cao
- Thiểu ối trong 3 tháng cuối nguy cơ thai suy dinh dưỡng cao
Dấu hiệu nhận biết tình trạng thiểu ối
Mẹ bầu thường khó tự nhận biết tình trạng thiểu ối do triệu chứng bệnh không rõ ràng, chỉ phát hiện qua các chỉ số phát triển bất thường. Đầu tiên là số đo và chiều cao tử cung của mẹ thiểu ối thường thấp hơn bình thường so với cùng tuổi thai, có chiều hướng đi xuống so với đường chuẩn.
Ngoài ra, ở những tháng cuối của thai kỳ, nếu mẹ bị thiểu ối, thai cử động ít và yếu hơn bình thường. Khi bác sĩ kiểm tra bằng thủ thuật của Leopold sẽ thấy cảm giác phần thai nằm sát bụng mà không thấy nước ối. Tình trạng này khiến đầu thai khó di chuyển trước khi sinh, gây khó khăn cho quá trình sinh.
Khi có các dấu hiệu này, mẹ bầu nên kiểm tra kỹ hơn để chẩn đoán tình trạng thiểu ối. Tình trạng bệnh được chia thành 2 nhóm sau:
- Nhóm thiểu ối nặng: Khi đo chỉ số ối từ 3 - 5 cm.
- Nhóm vô ối: khi đo chỉ số ối thấp hơn 3cm.
Siêu âm là cách chẩn đoán thiểu ối chính xác nhất, ngoài ra cũng giúp bác sĩ đánh giá các bất thường khác liên quan như: bất thường về tư thế thai, bất thường về sự phát triển của thai, bất thường ở dây rốn,... Thiểu ối xảy ra càng sớm trong thai kỳ thì nguy cơ ảnh hưởng đến thai càng nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị bệnh thiểu ối
Truyền ối là kỹ thuật đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai. Chỉ định truyền ối khi thiểu ối và màng ối còn nguyên vẹn, tuổi thai 16-32 tuần.
Chống chỉ định truyền ối với thai dưới 16 tuần; Rỉ ối, vỡ ối non; Thai dị dạng; Nhiễm trùng cấp.
Kỹ thuật truyền ối phải được thực hiện tại phòng can thiệp bào thai vô trùng tuyệt đối theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiệu quả của truyền ối
Giảm tỷ lệ mắc bệnh cho thai nhi
Giảm tử vong sơ sinh
Giảm nhiễm trùng huyết sơ sinh
Giảm thiểu sản phổi sơ sinh
Nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/ba-bau-canh-giac-voi-benh-thieu-oi-169220812161128606.htm
Bá Thành - Tổ Truyền thông