Muôn nẻo đường đơn thân
Phóng viên du lịch Lam Linh được biết đến là phượt thủ điển hình với 15 năm đi phượt, qua 63 tỉnh thành khắp Việt Nam và 16 nước trên thế giới. 5 năm trước, chị buộc phải trở thành mẹ đơn thân vì bị “bỏ rơi” khi đang bầu ở tháng thứ 5. Một mình mang bầu. Một mình sinh con. Một mình nuôi con. Một mình đối mặt với tổn thương, nỗi buồn, sự hận thù, những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tài khoản về 0 khi thất nghiệp, xã hội nhòm ngó, gia đình bố mẹ phiền lòng và chính mình không thể thoát ra ý nghĩ đây chỉ là một giấc mơ. Thất nghiệp rồi thất bại trong công việc. Thất tình rồi tuyệt vọng trong tình yêu…
Sau một chuỗi những bi kịch ấy, người mẹ đơn thân quyết định cùng con trở thành bạn đồng hành, cho con đi phượt từ 10 tháng tuổi. “Tôi vấp phải phản đối từ phía bố mẹ, người thân. Mọi người bảo bé như thế cho đi thì biết cảm nhận được gì. Nhưng tôi thấy hễ mình bế con ra khỏi 4 bức tường đã là thành công. Bởi một đứa trẻ trong nhà và một đứa trẻ ra ngoài thì khác hẳn nhau”.
Trên Facebook có một diễn đàn mang tên “Single mom – độc lập và khí chất”, là nơi để những người mẹ đơn thân tìm đến và sẻ chia câu chuyện đời mình. Được thành lập từ 4/2017, đến nay đã có 31 nghìn thành viên, chủ yếu là những mẹ đơn thân. Phần lớn là họ gặp nhiều khó khăn trên hành trình vừa làm cha, vừa làm mẹ. Có rất nhiều lý do khiến họ “rơi” vào cảnh này: Đứa con bị người bố chối bỏ, mang thai con gái, chồng đột ngột qua đời… Cũng có cả những cô gái không muốn kết hôn, ngại cả yêu đương và cho rằng sinh con chỉ là vấn đề duy trì nòi giống, vậy thì chỉ cần kiếm một người đàn ông “giúp” mình có con, rồi tự mình sẽ nuôi dạy. Nhưng rồi khi đối mặt với điều đó thì không đủ dũng khí và nghị lực để vượt qua. “Làm mẹ đơn thân là sự lựa chọn tuyệt vọng và cô đơn khi muốn làm mẹ, không thể làm vợ và mất đi niềm tin nơi người đàn ông mình yêu thương”, một người mẹ đơn thân viết trên diễn đàn.
Chị Trần Thị Kim Thoa, chủ một thương hiệu địu vải, trở thành mẹ đơn thân của 3 con nhỏ sau khi ly hôn. Các con chị phải mất một thời gian trị liệu về ngôn ngữ và vận động mới có thể giao tiếp và hoạt động như những bạn cùng lứa tuổi, bởi những sang chấn về tâm lý sau khi bố mẹ chia ly. “Giá như lúc ấy cái tôi của mình không quá lớn thì các con tôi đã được hưởng hạnh phúc trọn vẹn”, chị đã từng trải qua nhiều cảm giác tiêu cực bởi buộc phải làm mẹ đơn thân và cố vực dậy bằng cách dành nhiều thời gian cho các hoạt động vì cộng đồng.
BS Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 từng đỡ đẻ cho một sản phụ còn rất trẻ. Đứa bé được người mẹ chọn giữ lại và sinh ra, dù người cha không thừa nhận và điều quan trọng, cô gái chấp nhận làm mẹ đơn thân, một cách dứt khoát. Tức là “sẽ làm mẹ đơn thân” chứ không còn là “phải làm mẹ đơn thân” như những câu chuyện trên nữa.
“Tôi gặp nhiều trường hợp như vậy. Tôi thấy quan điểm của người phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ đang thay đổi, họ có thể chủ động có con bằng cách tìm đến bác sỹ, mong muốn xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân, với thái độ rất dứt khoát và tỏ rõ rằng mình hoàn toàn tỉnh táo và chịu trách nhiệm về điều này. Điểm chung nhất có thể thấy ở các bạn đó là độ tuổi phổ biến ngoài 30, có ngoại hình ổn, công việc, thu nhập ổn định, và hoàn toàn tự nguyện”.
Ảnh minh họa
Với kinh nghiệm chuyên môn và thường xuyên giảng dạy về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, BS Định nhận định rằng: “Làm mẹ đơn thân không phải là yếu tố bệnh lý, mà hoàn toàn xuất phát từ yếu tố xã hội và diễn ra ngày càng nhiều. Tôi nghĩ họ không muốn ràng buộc. Họ tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình, vì thế, làm mẹ đơn thân giờ đây không còn là điều gì quá tồi tệ nữa”.
Ai cũng khát khao hạnh phúc, mẹ đơn thân cũng vậy!
Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: Phụ nữ ngày nay đã khẳng định mình trên rất nhiều lĩnh vực, đạt được rất nhiều thành công trong công việc lẫn cuộc sống. Càng quyết tâm, có ý chí, quyết đoán, tự lập, bản lĩnh thì thường đi kèm với việc không có nhu cầu lệ thuộc vào bờ vai người đàn ông nào đó.
Ông nhìn nhận, hiện tượng phụ nữ đơn thân đang xảy ra ở nhiều nước, nhất là những nước phát triển. Việt Nam cũng là nước đang chứng kiến “vệt dầu loang” này. “Đây là dấu hiệu của sự tan vỡ tế bào gia đình. Người ta đã nghiên cứu những bà mẹ đơn thân mà nuôi con thì kinh tế sẽ khó khăn so với gia đình có đủ 2 vợ chồng. Việc giáo dục đứa con cũng thiệt thòi hơn, nhất là con trai khi chỉ có mẹ thì dễ hư hỏng hơn”.
Xã hội cũng không khắt khe mà rất thông cảm với người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh này. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, dù xã hội phát triển đến đâu thì vai trò của mỗi người một khác. Thật khó có thể “đổi vai” cho ai một cách trọn vẹn được. Dạy dỗ con cái biết sống đàng hoàng, tử tế rất cần vai trò của người cha. Gia đình truyền thống với con cái có đủ đầy cha mẹ vẫn là điều tốt đẹp hơn nhiều.
Ảnh minh họa
Chuyên gia này cũng mở rộng thêm, dù “một tay” có vững chãi về kinh tế, có độc lập về tài chính đến đâu chăng nữa, thì sâu thẳm cuộc sống của mẹ đơn thân ít nhiều vẫn mong được sự chở che, luôn yếu mềm trước một ai đó có thể “bắt đúng cảm xúc” của mình. “Cho nên cũng cần phân biệt sự mạnh mẽ, bản lĩnh ở góc độ nhất định, chứ không phải tuyệt đối trong tất cả vấn đề. Nhất là trong vấn đề hạnh phúc, một đứa trẻ sinh ra cần được có sự chăm sóc của cả bố và mẹ”.
Chính vì vậy, lời khuyên vẫn luôn là sự chấp nhận việc đơn thân nuôi con như một giải pháp bất đắc dĩ, đáng để chia sẻ, cảm thông nhưng không cổ xúy, khuyến khích. Bởi, giữ một mái ấm gia đình, gìn giữ hạnh phúc đôi lứa mới là hạnh phúc trọn vẹn nhất. Các con cần biết gia đình là phải đủ cả cha lẫn mẹ, để sau này các con lớn lên, sẽ xây dựng gia đình hoàn hảo hơn. Ðặc biệt là con trai, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần có vai trò của người đàn ông trong việc giáo dục con.
Còn BS Nguyễn Công Định thì bày tỏ, bất cứ người phụ nữ nào cũng có nhu cầu được làm mẹ. Và khi họ chịu trách nhiệm cho hành động của mình, chúng ta nên tôn trọng thay vì phán xét hoặc miệt thị. Tôi không cổ xúy cho cuộc sống đơn thân, với những trường hợp muốn phá thai, tôi vẫn cố gắng khuyên nhủ các bạn suy nghĩ lại. Với những trường hợp phụ nữ hiện đại có cuộc sống tự chủ dù là khách quan hay chủ quan, vẫn làm tốt nhiều vai, thì vẫn rất đáng trân trọng”.
Nguồn:
http://baophunuthudo.vn/article/90358/213/bai-toan-lam-me-don-than-cua-phu-nu-hien-dai/
Hà Trang - Tổ truyền thông