rao đổi với PV Infonet, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Định - Giám đốc cơ sở 2 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, ung thư cổ tử cung ở nữ giới đang là bệnh ung thư khá phổ biến. Thạc sĩ Định thường xuyên tiếp nhận phụ nữ đến khám và sàng lọc có các dấu hiệu tiền ung thư trong đó thủ phạm gây ung thư cổ tử cung là virus HPV. Virus HPV là virus gây u nhú ở người - Human Papilloma Virus - HPV là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư cổ tử cung.
BS Định cho biết virus HPV gồm hơn 100 chủng, phân ra loại nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Virus HPV chủ yếu lây qua đường quan hệ. Một số tuýp HPV gây ra mụn cóc trên các bộ phận khác nhau của cơ thể. Các tuýp này được gọi là các loại HPV nguy cơ thấp vì chúng hiếm khi liên quan đến ung thư.
Các tuýp HPV khác được gọi là loại nguy cơ cao vì chúng có liên quan chặt chẽ với bệnh ung thư. 14 chủng nguy cơ cao liên quan đến ung thư cổ tử cung: 59, 51, 39, 16, 56, 18, 68, 45, 52, 31, 33, 58, 35, 66. Trong đó, HPV chủng 16 & 18 gây nên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Nhiều phụ huynh đều băn khoăn xin tư vấn của bác sĩ về việc có nên tiêm vắc xin phòng virus HPV hay không? Thạc sĩ Định cho rằng theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ thì trẻ em từ 9 tuổi nên tiêm vắc xin kể cả bé trai hay bé gái. Theo thạc sĩ Định, virus HPV không chỉ gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới mà nó còn là thủ phạm gây ung thư dương vật ở nam giới, ung thư vòm mũi họng ở cả nam và nữ nên CDC khuyến cáo tiêm vắc xin trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, kể cả đã quan hệ tình dục thì vẫn nên tiêm vắc xin này, HPV có hàng trăm chủng khác nhau tiêm ngừa để phòng được nhiều hơn. Mặc khác, lý do cần phải tiêm vắc xin này nữa là khi bạn nhiễm HPV chỉ 1 chủng thì nguy cơ ung thư hóa cũng ít hơn mắc nhiều chủng.
Cách thức tiêm phòng vắc xin ngừa virus HPV: tiêm 3 mũi liên tiếp trong 6 tháng. Lưu ý, trong thời gian tiêm ngừa, người tiêm nên sử dụng bao cao su nếu có quan hệ. Nếu người tiêm có ý định mang thai, người đó phải hoàn thành mũi tiêm thứ ba trước đó ít nhất 1 tháng.
Thạc sĩ Định cũng cho biết thêm ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp nhất của phụ nữ với nguyên nhân chủ yếu (99,7%) là do HPV. Phụ nữ nhiễm HPV chủng 16 và 18 có khả năng phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung cao hơn gấp 35 lần người không nhiễm HPV.
Nhiễm HPV thường không có triệu chứng, vì vậy cách duy nhất để biết mình có bị nhiễm HPV hay không, đặc biệt là HPV chủng 16 và 18 là thông qua xét nghiệm HPV.
Sau khi nhiễm, HPV tồn tại ở cổ tử cung. Thời gian tồn tại phụ thuộc loại HPV, độ tuổi và đề kháng của bệnh nhân (thường là 24 tháng). Khi bị nhiễm trùng HPV cơ thể có thể tự đề kháng, tự khỏi. Tuy nhiên, đôi khi nhiễm trùng không biến mất và trở thành mãn tính, đặc biệt với các tuýp HPV nguy cơ cao.
Nguồn:
https://infonet.vietnamnet.vn/vi-sao-be-trai-dan-ong-van-nen-tiem-phong-virus-hpv-5008979.html
Bá Thành - Tổ Truyền thông