Giao thừa năm Canh Tý (2020), bé gái Nguyễn Hoài An, con sản phụ Lê Thị Hồng sinh năm 1992 (ở Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) chính thức chào đời trong niềm vui vỡ òa của không chỉ người thân mà của cả kíp trực hộ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong niềm hân hoan, gia đình chị Hồng không quên gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các y, bác sĩ Bệnh viện vì sự quan tâm, chăm sóc tận tình của họ dành cho hai mẹ con.
Chị Hồng và các bà mẹ khác sinh con đêm giao thừa có hay, trước khi vào ca trực, những bà đỡ này chỉ kịp tổ chức cho nhau một buổi tất niên nho nhỏ sum vầy nhằm xua tan đi không khí trầm lắng trong bệnh viện. Nhiều người trong số họ chỉ kịp ghé tới gắp vài miếng đồ ăn, chụp vài kiểu hình lưu niệm rồi lại bắt tay vào công việc - dưới phòng đẻ, sản phụ đang chờ...
Ths.BS Nguyễn Thị Minh Thanh - Phó khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tâm sự: “Tôi cùng các đồng nghiệp đã trực đêm nhiều giao thừa rồi, cũng chạnh lòng đấy, khi không được ở bên cạnh người thân, gia đình sum vầy bên mâm cỗ ngày 30 nhưng, làm sao có thể đem niềm vui cá nhân để so sánh với người bệnh khi mà họ trao cho chúng tôi niềm tin để chúng tôi đưa họ đến bến bờ hạnh phúc, làm mẹ an toàn”.
Và, họ đã thức trọn đêm giao thừa vừa qua để đón những công dân tí hon Việt Nam chào đời đầu tiên của năm Canh Tý (2020) trong niềm vui hân hoan của bao bậc làm cha, làm mẹ. Trước khi vào ca đẻ, các bà, các mẹ, các chị em và cả các ông chồng, ông bố có hay, các bà, các mẹ, các chị em và cả các ông chồng, ông bố có hay những y, bác sĩ ở đây luôn chấp nhận những hy sinh thầm lặng vì sự sống còn của tất cả chúng ta…
…Ngược dòng thời gian những năm về trước, có lần, vì mải chuyên tâm vào việc cứu chữa bệnh nhân đang bên bờ vực sinh tử mà gần 20 nhân viên y tế ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã bị phơi nhiễm HIV. Ấy là vào ngày 4/7/2015, một người phụ nữ đi xe khách từ Quảng Ninh lên Hà Nội được đưa vào bệnh viện trong tình trạng băng huyết tử cung nặng. Máu từ trong âm đạo chảy ra sàn xe taxi, cáng bệnh viện, bàn khám, sàn nhà, chảy kín cả hai bàn tay người điều dưỡng. Bệnh nhân đang trong tình trạng thở ngáp và có dấu hiệu tim ngừng đập. Nếu không được mổ ngay lập tức mà di chuyển sang phòng phẫu thuật, nơi có đầy đủ điều kiện và các phương tiện, thiết bị hành nghề theo đúng quy trình thì bệnh nhân không thể được cấp cứu kịp thời, chỉ sau vài phút, sẽ tử vong.
Người bệnh này có HIV nhưng, lúc ấy, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây không một ai còn nghĩ tới phải phòng vệ an toàn cho mình mà chỉ một lòng bảo nhau phải dốc lòng, dốc sức cấp cứu thật nhanh cho người bệnh. Họ đã tiến hành hồi sức cấp cứu và mổ ngay tại phòng khám để cứu bệnh nhân và chấp nhận phải đối mặt với một sự thật: Sẽ bị phơi nhiễm HIV.
Nữ bệnh nhân ấy qua khỏi cơn nguy kịch thì không chỉ các y, bác sĩ tham gia ca mổ cấp cứu cho chị hôm đó mà toàn bộ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng như tất cả những ai chứng kiến sự việc này hôm đó bắt đầu những ngày tháng lo âu. Và, rất may mắn cho họ, toàn bộ số kíp mổ hôm ấy sau này đều có kết quả âm tính khi được xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV.
“Tôi nghĩ với tôi hay bất kỳ con người nào có tâm gặp trường hợp, hoàn cảnh như vậy đều sẽ làm như họ, không do dự. Đơn giản chỉ vì lúc đó, chúng ta không có quyền do dự trước cái chết cận kề của đồng loại”- PGS. TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quả quyết.
Đây có lẽ là một trong những lý giải thuyết phục nhất cho câu hỏi: “Vì sao bệnh viện này được các bà mẹ tin tưởng nhờ cậy đỡ đẻ mẹ tròn con vuông từ 40-50 nghìn ca/năm, cao nhất miền Bắc, nhì cả nước, chỉ sau Bệnh viện Từ Dũ (khoảng 60nghìn ca/năm)?”. Để rồi, bây giờ, cùng với 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chính thức được Bộ Y tế xếp hạng là một trong những bệnh viện phụ sản tuyến cuối của nước ta.
Đây còn vì một lẽ, cơ sở y tế này không chỉ thường xuyên nhận được nhiều ca đỡ đẻ thường, mà các thầy thuốc ở đây còn có thể giải quyết được rất nhiều những ca khó như mẹ có bệnh lý hoặc con sinh non hay có dị tật bẩm sinh.
Ngoài ra, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn là đơn vị đầu ngành chỉ đạo và hỗ trợ tất cả các bệnh viện sản khoa thuộc địa phận Hà Nội và 5 tỉnh khác là Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn và Vĩnh Phú - những tỉnh có Bệnh viện sản nhi hoặc có khoa sản tại Bệnh viện Đa khoa. Cũng là vì các thầy thuốc ở đây không chỉ đơn giản là các bà đỡ giỏi mà còn làm tốt công tác đào tạo, giảng dạy cho tuyến dưới, từ sinh viên cho đến các bác sĩ.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nay không chỉ có sản khoa mà còn có nhiều chuyên khoa khác như nhi khoa, ngoại khoa, bệnh lý nội khoa, ung thư các loại (vú, tử cung, buồng trứng)… Ngoài ra, ở đây còn có các trung tâm kỹ thuật cao như: Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm, Trung tâm Y học bào thai, Trung tâm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh…
Không chỉ chú trọng vào chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn quan tâm định hướng đạo đức nghề nghiệp cho các nhân viên. Các bác sĩ ở đây còn dành nhiều thời gian tư vấn, giảng dạy miễn phí cho hàng chục ngàn lượt các em gái về sức khỏe sinh sản, tự vệ trước những nguy cơ có thể bị xâm hại tình dục, biết tự chăm sóc, vệ sinh phụ nữ, có thai ngoài ý muốn... - những điều hết sức cần thiết mà không phải bé gái nào cũng biết trước khi vào đời.
Đây còn là vì các bác sĩ ở đây đã và đang tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ từ thiện. Năm 2019 vừa qua, bệnh viện đã quyên góp xây được 42 nhà tình nghĩa, 1 chiếc cầu cho một xã tại tỉnh Y Bái, 1 trường và giúp đỡ sách vở, quần áo cho các em học sinh vùng sâu vùng xa. Tết vừa qua, các thầy thuốc ở đây đi tận Vân Đồn, Quảng Ninh làm từ thiện và đỡ đầu cho một làng trẻ em SOS… Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình có người thân bị ảnh hưởng chất độc da cam, các trại nuôi dưỡng thương binh nặng với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Chúng tôi biết những đóng góp này còn rất nhỏ bé, nhưng đó là tất cả tấm lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện. Ngoài động viên các anh chị em và bà con, chúng tôi muốn góp phần mang lại cho mọi người một niềm tin rằng: Vẫn còn có rất nhiều người tốt ở đâu đó quanh ta, trong xã hội đã và đang quan tâm đến cộng đồng, nhất là những người nghèo khó, có công với dân với nước” - PGS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.
Đây là một trong những đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, thương người như thể thương thân, mà Giám đốc Nguyễn Duy Ánh và các cộng sự, đồng nghiệp của ông ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang tiếp tục hành trình. Có lẽ chính vì điều đó nên ông cứ hoài niệm mãi một danh xưng được người dân trìu mến dành tặng cho các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội ngày nào - danh xưng “nhà thương”…
Nguồn: http://giadinhvaphapluat.vn/benh-vien-phu-san-ha-noinoi-in-dam-nep-nha-thuong-ha-noi-p71728.html
Tổ Truyền thông