Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Biến chứng sản khoa khiến bác sĩ 'toát mồ hôi'

Biến chứng sản khoa khiến bác sĩ 'toát mồ hôi'

Tiền sản giật là một hội chứng thai nghén toàn thân và thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ. Thống kê cho thấy tiền sản giật chiếm đến 10% trong tổng số thai kỳ và là một trong 3 nguyên nhân chủ yếu gây tử vong mẹ.

Quản lý thai kỳ tại một phòng khám tư, chị Nguyễn Thị N. B. (SN 1988, Hà Nội) lại chưa từng sàng lọc hay điều trị dự phòng tiền sản giật, một bệnh lý liên quan đến thai nghén gây nguy hiểm tính mạng cho cả thai phụ lẫn thai nhi.

Từ tuần thứ 28, chị bắt đầu xuất hiện tình trạng phù, nhưng do chủ quan nghĩ rằng đây là hiện tượng bình thường trong thai kỳ. 3 tuần trôi qua, hiện tượng phù toàn thân cứ thế tăng dần, chị B. cũng xuất hiện cơn đau đầu dữ dội.

Ngày 5/11, chị đi khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng huyết áp cao, phù toàn thân, đau đầu nhiều, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, có triệu chứng phù não. Sản phụ ngay lập tức được chỉ định nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy rối loạn chức năng gan, thận đồng thời bác sĩ siêu âm phát hiện chị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi. Đây là các dấu hiệu và hậu quả của tiền sản giật nặng.

Ngay lập tức, bệnh viện nhanh chóng tiến hành hội chẩn. Xác định đây là trường hợp tiền sản giật thể nặng, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

Ca mổ được thực hiện bởi TS. BS. Đỗ Tuấn Đạt - Phụ trách khoa Sản bệnh A4 cùng ekip. Kết quả, 14h15 ngày 5/11, một bé gái nặng 1200g cất tiếng khóc chào đời. Các bác sĩ khoa Sơ sinh đón bé ngay tại phòng sinh sau đó nhanh chóng chuyển bé lên khoa điều trị tích cực. Dưới sự chăm sóc và theo dõi sát sao tại phòng Hồi sức tích cực, sản phụ trong trạng thái ổn định, sức khỏe tốt.

Theo TS Đinh Thúy Linh – Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiền sản giật là bệnh lý xảy ra ở người mang thai. Sản giật là biến chứng nặng của tiền sản giật bao gồm những cơn co giật có thể xảy ra trước, trong hoặc sau sinh. TS Linh nhấn mạnh sản giật trở thành nỗi ám ảnh với chính các chuyên gia sản khoa.

TS Linh cho biết mỗi năm có khoảng hơn 10 triệu thai phụ trên khắp thế giới mắc bệnh lý tiền sản giật. Tiền sản giật khiến hơn 2,5 triệu ca sinh non. Gây ra cái chết cho khoảng 76.000 bà mẹ và hơn 500.000 trẻ sinh non. Điều đáng tiếc là hiện tại tiền sản giật hoàn toàn có thể sàng lọc được.

Tiền sản giật là một bệnh lý xuất hiện trong thời gian có thai hoặc 6 tuần đầu sau sinh với các triệu chứng như tăng huyết áp, tăng protein trương nước tiểu, phù. Tuy nhiên, sản phụ có thói quen coi thường các dấu hiệu trên. Ví dụ như tăng huyết áp thì rất hiếm sản phụ đo huyết áp thậm chí đi kiểm tra thai cũng không đo huyết áp. Phù không phải ai bị phù cũng tiền sản giật. Có người bị phù do chèn áp dây thần kinh nhưng cũng không được chủ quan nếu thấy hiện tượng phù bất thường. Cần xét nghiệm nước tiểu khi đi kiểm tra thai định kỳ để phát hiện có bị protein niệu hay không?

Biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật

TS Linh cho biết, tiền sản giật thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và bé. Hầu hết các thai phụ bị tiền sản giật có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, một số trường hợp có triệu chứng nặng và các biến chứng như bong nhau non, sản giật, xuất huyết não, phù não khi mang thai.

Đối với thai nhi, tiền sản giật cũng ảnh hưởng nghiệm trọng. Nhiều trường hợp trẻ sinh non do mẹ bị tiền sản giật. Đặc biệt nguy hiểm là trường hợp bong nhau non thậm chí có thể khiến thai nhi tử vong ngay trong bụng mẹ.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh. Hầu hết thai phụ bị tiền sản giật đều phải nhập viện điều trị.

Các trường hợp thai phụ bị tiền sản giật có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Trong trường hợp này, TS Linh cho biết bác sĩ sĩ buộc phải mổ lấy thai chủ động hoặc cho chuyển dạ sớm.

Theo TS Linh hiện nay bệnh lý tiền sản giật hoàn toàn có thể sàng lọc được. Việc sàng lọc sẽ thực hiện giống với sàng lọc bệnh lý Down. Mẹ bầu nên sàng lọc ngay từ tuần 11 đến tuần thứ 14 của thai kỳ. Bác sĩ sẽ lấy máu xét nghiệm và siêu âm Doppler động mạch tử cung, đo huyết áp.

Nếu nguy cơ cao thai phụ sẽ được theo dõi sát thai kỳ và cho sử dụng thuốc dự phòng Aspirin. Việc sàng lọc giúp ngăn ngừa hoặc ít nhất làm chậm sự khởi phát của tiền sản giật nhờ đó quá trình mang thai có thể tiếp tục an toàn, thai nhi có thời gian phát triển.

Việc điều trị dự phòng tiền sản giật phải được sự chỉ định của bác sĩ trực tiếp thăm khám cho sản phụ chứ sản phụ không nên tự ý sử dụng thuốc – BS Linh khuyến cáo.

Nguồn:

https://baomoi.com/bien-chung-san-khoa-khien-bac-si-toat-mo-hoi/c/37475414.epi

https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/tien-san-giat-bien-chung-nguy-hiem-tiem-san-giat-tai-bien-san-khoa-khien-bac-si-toat-mo-hoi-273417.html

http://netnews.vn/Bien-chung-san-khoa-khien-bac-si-toat-mo-hoi-home-285-0-2537169.html

https://vietgiaitri.com/bien-chung-san-khoa-khien-bac-si-toat-mo-hoi-20201228i5476378/

Hà Trang - Tổ Truyền thông