Chị Kim Dung mang thai lần đầu được 24 tuần tuổi. Trong một lần đi khám thai định kỳ, chị Dung đã bàng hoàng khi nghe bác sỹ ở phòng khám thai yêu cầu phải vào bệnh viện để khám lại chuyên khoa Sản để đánh giá lại tình trạng thai nhi.
Sau khi được các bác sỹ thăm khám, chị Dung lại nghẹn thắt tim khi nghe bác sỹ cho biết khả năng phải đình chỉ thai khá cao do thiếu ối trầm trọng, thai nhi bị tử cung bó chặt, nguy cơ thai lưu là rất cao.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình mang thai. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng như giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp. Nước ối đa phần có nguồn gốc từ thai nhi, do sự bài xuất nước tiểu được lặp đi lặp lại tạo ra một lượng nước ối phù hợp.
Bệnh thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, khi chỉ số ối AFI nhỏ hơn 5cm và màng ối còn nguyên vẹn. Thiểu ối tiềm ẩn những nguy cơ như thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn, khoèo chi... Nặng hơn là tình trạng cạn ối khi lượng nước ối đo được qua siêu âm (chỉ số AFI) nhỏ hơn 3cm
Thiếu ối đa phần xuất hiện ở những thai quá ngày sinh, thai chậm phát triển trong tử cung, một số ít xuất hiện sớm trong những tháng đầu thai kỳ trường hợp này tiên lượng thường xấu hơn, thường liên quan đến bất thường của thai nhi. Thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì vậy việc phát hiện sớm giúp cho quá trình điều trị tiên lượng tốt.
Thiểu ối xuất hiện ở mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ thì tiềm ẩn những nguy cơ khác nhau: Thiểu ối trong 3 tháng đầu nguy cơ sảy thai cao chiếm 65-80%; Thiểu ối trong 3 tháng giữa nguy cơ dị tật thai cao; Thiểu ối trong 3 tháng cuối nguy cơ thai suy dinh dưỡng cao.
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hoài, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, có 4 nguyên nhân chính gây ra thiểu ối :
- Vỡ ối , rỉ ối trước chuyển dạ: Do màng ối bị rách gây nước ối thoát ra ngoài từ đó dẫn đến thiểu ối. Việc chẩn đoán vỡ ối, rỉ ối dựa trên khai thác triệu chứng ra nước, ra dịch âm đạo, bệnh nhân cần được bác sỹ thăm khám, test kiểm tra nước ối trong dịch âm đạo (test quỳ, amnisure..), xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng .
- Chức năng tử cung - bánh nhau bị suy giảm gây ra thai chậm phát triển và cạn ối kèm theo, chẩn đoán dựa vào siêu âm chỉ số trở kháng PI Doppler động mạch tử cung và/ hoặc động mạch rốn cao và có sự tái phân bố tuần hoàn thai nhi.
- Bất thường hệ tiết niệu thai nhi: Bất sản thận 2 bên, thận đa nang hoặc thận nhiều nang, tắc nghẽn niệu quản, hội chứng van niệu đạo sau, suy chức năng thận.... Phát hiện bằng siêu âm, xét nghiệm máu tĩnh mạch rốn thai nhi.
- Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi: Chẩn đoán dựa vào chọc ối xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ hoặc Micro array nếu siêu âm thai có hình ảnh bất thường hoặc thai nhi chậm phát triển.
Trước đây, đa phần các bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, hiện đã có phương pháp điều trị truyền ối. Đây là kỹ thuật đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể hiệu quả khi sản phụ được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Nguồn:
https://giadinh.net.vn/song-khoe/can-benh-de-khien-say-thai-di-tat-ma-thai-phu-nao-cung-can-phai-biet-de-cuu-con-20210227023036099.htm
https://afamily.vn/can-benh-de-khien-say-thai-di-tat-ma-thai-phu-nao-cung-can-phai-biet-de-cuu-con-20210227182817242.chn
https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3081259
Hà Trang - Tổ Truyền thông