Phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, để hiểu rõ hơn về vị lãnh đạo vừa có tầm, lại có tâm luôn đau đáu với ước mơ xây dựng Phụ sản Hà Nội thành bệnh viện công đạt tiêu chuẩn quốc tế.
PV: Xin ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi vinh dự được chọn là gương điển hình tiên tiến Thủ đô đi dự Đại hội thi đua yêu nước công nhân viên chức lao động lần thứ X?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh: Là một trong những gương điển hình tiên tiến dự Đại hội, tôi thực sự xúc động và biết ơn trước sự quan tâm và đánh giá của các cấp lãnh đạo, của hội đồng thi đua khen thưởng. Đây là niềm vinh dự, tự hào xứng đáng dành cho sự nỗ lực của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, với ngành Y tế thì đây là sự ghi nhận đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, ngành Y là ngành đặc thù và nhân viên y tế cũng làm việc trong môi trường đặc thù. Vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong công việc… đội ngũ tri thức, người lao động trong Ngành vẫn luôn ngày đêm cống hiến tận tụy bằng tất cả sức lực, tâm huyết cho sứ mạng cao cả là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và cao hơn nữa là vì sự phát triển của nền y học Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết những hoạt động cụ thể mà Bệnh viện đã triển khai trong thời gian qua, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, người lao động?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh: Hiện nay cơ chế cho các bệnh viện công đã được cởi trói rất nhiều, nhưng nếu so với các bệnh viện tư cơ chế của nhà nước có rất nhiều điểm thiếu thuận lợi để phát triển. Bởi vậy, bên cạnh hoạt động chuyên môn thì công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, người lao động luôn được Công đoàn Bệnh viện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt… để họ yên tâm công tác. Cụ thể, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện đã chủ động phối hợp với ban lãnh đạo Bệnh viện chăm lo cho đoàn viên công đoàn và người lao động đảm bảo các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Ban chấp hành Công đoàn Bệnh viện đã luôn bám sát chương trình công tác của Công đoàn ngành Y tế để kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, người lao động.
Đặc biệt, cán bộ, người lao động của Bệnh viện được Bệnh viện coi như những thành viên trong một gia đình. Ngoài lương, chế độ phúc lợi của cán bộ, người lao động còn được Bệnh viện chăm lo toàn bộ mọi chế độ học hành nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, hỗ trợ con cán bộ, nhân viên học hành. Bên cạnh đó, những lúc cán bộ, người lao động gặp rủi ro trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp, thai sản… đều được Bệnh viện chăm lo, miễn giảm 100%.
PV: Vừa qua, đề tài Y học bào thai của ông và các cộng sự đã được duyệt cấp Nhà nước và được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện. Vậy những điểm lợi mà bệnh nhân được thụ hưởng từ khi đề tài này được triển khai thành công là gì, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là Bệnh viện sản phụ khoa hàng đầu của Việt Nam và có nhiều uy tín cũng như ảnh hưởng với ngành sản phụ khoa thế giới. Bệnh viện đã thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học ở các đề tài quốc tế nhằm thay đổi những phương pháp điều trị trên lâm sàng. Bệnh viện cũng chung tay với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu khoa học, tìm ra các giải pháp để thay đổi, cải tiến hiệu quả điều trị. Đặc biệt, Bệnh viện còn có nhiều bài báo quốc tế chất lượng ở hầu hết các hội nghị quốc tế trên toàn thế giới từ nhiều năm nay.
|
Phó Giáo sư Nguyễn Duy Ánh và các bác sĩ trong Bệnh viện thực hiện thủ thuật truyền ối cho thai phụ. |
Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện những kỹ thuật cao nhất trong chẩn đoán và điều trị, nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Điển hình là các kỹ thuật sàng lọc tư vấn trước hôn nhân, khi mang thai (trước sinh) và sau sinh. Các kỹ thuật can thiệp chữa bệnh cho thai nhi ngay khi thai nhi còn nằm trong tử cung để giảm thiểu những thai bệnh lý nặng, hay những thai mang các bệnh di truyền gen hiếm… mà khi sinh ra sẽ trở thành những gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngoài các hoạt động sản phụ khoa thông thường, Bệnh viện còn thực hiện sàng lọc để dự phòng và phát hiện sớm ung thư vú, ung thư phụ khoa; chăm sóc sơ sinh đặc biệt non tháng.
Riêng với các kỹ thuật y học bào thai mà Bệnh viện đang triển khai được đánh giá là kỹ thuật cao nhất về sản khoa hiện nay trên thế giới. Đây cũng là kỹ thuật có ý nghĩa rất nhân văn. Bởi can thiệp trong bào thai trong buồng tử cung là chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ, nhằm khắc phục những bệnh lý, bất thường của bào thai khi đã biết rõ những bệnh lý, bất thường này không thể chờ đợi đến khi trẻ chào đời, nếu tiếp tục chờ đợi, thai nhi sẽ tử vong trong tử cung hoặc chào đời với những dị tật nặng hơn.Hiện tại, với kỹ thuật khoa học hiện đại, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, chúng tôi có thể cứu chữa được thai nhi với tỷ lệ thành công tới 90%, trẻ sinh ra sẽ không còn bị dị tật, hoặc tử vong.
PV: Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn Bệnh viện còn có nhiều hoạt động hướng về cộng đồng, vậy ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Với những đóng góp đối với sự phát triển của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói chung và ngành Y tế nói riêng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” năm 2010; Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua thành phố” năm 2012; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2012; Phong hàm chức danh “Phó Giáo sư” năm 2016; Danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” năm 2017; Danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2018; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2018; Gương điển hình tiên tiến Thủ đô đi dự Đại hội thi đua yêu nước công nhân viên chức lao động lần thứ X năm 2020. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh: Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, tập thể Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảm ơn Đảng, Chính phủ và biết ơn nhân dân đã tin yêu, đó chính là động lực để chúng tôi ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn của mình. Hơn nữa, ngoài việc làm tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chúng tôi còn có thể tri ân xã hội và hướng về cộng đồng bằng những hoạt động thiện nguyện như: Xây nhà tình nghĩa, xây cầu cho học sinh vùng cao, giúp đỡ làng trẻ SOS; giảng dạy và phát tài liệu miễn phí cho hàng vạn trẻ vị thành niên về kiến thức sức khoẻ sinh sản; tri ân các gia đình chính sách, các bệnh nhân nghèo khó…
PV: Thời gian tới, với cương vị là lãnh đạo Bệnh viện, ông có những dự định và hướng đi nào để giúp Phụ sản Hà Nội ngày càng phát triển, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh: Con đường hành nghề y chữa bệnh cứu người là nghĩa vụ quan trọng mà xã hội giao cho các bệnh viện. Nhưng với Phụ sản Hà Nội bên cạnh việc chữa bệnh cứu người còn có một trách nhiệm lớn lao hơn là đồng hành với các chị em phụ nữ lên “chuyến xe” để cùng thực hiện một hành trình hạnh phúc – làm mẹ an toàn. Chính vì trách nhiệm lớn lao đó, Bệnh viện luôn thay đổi, phát triển và cải tiến mọi mặt hướng đến chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh.
Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tập trung vào các mục tiêu chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các mũi nhọn chuyên sâu và quản lý bệnh viện theo các quy trình chuẩn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin… Tương lai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đặt mục tiêu hướng tới là xây dựng bệnh viện công đầu tiên của Việt Nam được công nhận là bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, người dân có thể thụ hưởng những dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay trong nước mà không tốn tiền ra nước ngoài điều trị. Đặc biệt, từ đó vị thế của ngành Y tế Việt Nam càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Nguồn: https://laodongthudo.vn/cang-dien-hinh-tien-tien-cang-phai-hang-say-lao-dong-113664.html
Hà Trang - Tổ truyền thông