Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Chuyện về những người sửa chữa tổn thương cho các bào thai

Chuyện về những người sửa chữa tổn thương cho các bào thai

Nếu như trước đây, những bác sĩ sản khoa vốn coi bào thai là nơi bất khả xâm phạm, đã từng bất lực trước ca khó, thì nay họ đã làm chủ được kỹ thuật đỉnh cao sản khoa, sửa chữa những tổn thương cho thai nhi còn trong bụng mẹ. Họ mạnh dạn đi ngược tạo hóa, gạn từng cơ hội nhỏ nhoi để cho hàng trăm sinh linh bé bỏng được chào đời.

Ba năm vừa học tập, vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa hợp tác chuyển giao kỹ thuật từ quốc tế, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã xây dựng được quy trình hoàn chỉnh, mang tầm quốc tế về kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực sản khoa - can thiệp cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Hai kỹ thuật xử lý hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối đã giúp cho hơn 100 em bé có cơ hội được sống. GS, TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 nhận định, nhiều kỹ thuật đỉnh cao khác, Việt Nam cần tới 10 năm để chinh phục thì can thiệp bào thai chỉ mất vài năm để đưa vào thường quy là một bước đột phá mà Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã làm được.

3 NĂM “NÍN THỞ” MANG KỸ THUẬT ĐỈNH CAO SẢN KHOA VỀ VIỆT NAM

Nhiều thai nhi bị hết ối đang bị bó chặt nằm bất động như trong túi hút chân không bỗng cử động được, tung tăng co duỗi khi được truyền ối. Nhiều bào thai tưởng chừng suy tim không thể qua khỏi vì hội chứng truyền máu song thai bất ngờ trái tim được hồi sinh, đập trở lại rộn ràng… sau khi được điều trị khỏi hội chứng truyền máu song thai… Sự sống trỗi dậy từ những bào thai mang lại niềm hạnh phúc không kể xiết cho những người theo đuổi con đường y học can thiệp bào thai.

“Chúng tôi áp lực khi tiếp cận với kỹ thuật đỉnh cao của sản khoa”

Tháng 5/2017, TS, BS Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã vinh hạnh là người đầu tiên và duy nhất được Thành phố Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lựa chọn cử sang Pháp học tập kỹ thuật can thiệp bào thai tại bệnh viện hàng đầu của châu Âu. Dù đã nghiên cứu, đọc rất nhiều tài liệu chuyên sâu về kỹ thuật này nhưng TS Sim chia sẻ, kiến thức lý thuyết này còn quá mới mẻ chưa được thực hành ở Việt Nam nên chị cũng có chút hoang mang. “Giai đoạn đầu thế giới triển khai can thiệp bào thai bằng mổ mở có rất nhiều tranh cãi, tỷ lệ thành công rất thấp, hơn 50% đẻ non, nhiều nước e dè ứng dụng. Nhưng bằng cuộc cách mạng mổ nội soi đưa sợi laser, dao hai cực siêu bé vào buồng tử cung bảo đảm an toàn cho buồng ối để sửa chữa những bệnh lý ngay từ trong bào thai đã mang lại những hy vọng mới về kỹ thuật đỉnh cao đầy tính nhân văn. Chúng tôi có lo lắng nhưng cũng đầy kỳ vọng”, bác sĩ Nguyễn Thị Sim bày tỏ.

Tinh thần học tập nghiêm túc được các giáo sư tại Pháp rất yêu quý, sẵn sàng tặng những giáo trình rất quý giá, thậm chí cung cấp cho những bộ dụng cụ can thiệp đắt từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để thực tập. “Hạnh phúc nhất trong quá trình học là chúng tôi được ghi nhận. Có rất nhiều ca mổ bị đổi lịch, đích thân GS Yves Ville (người đầu tiên can thiệp y học bào thai bằng nội soi) đã thông báo ngay cho tôi để cùng tham gia kíp mổ. Đó là niềm tin rất lớn từ thầy dành cho học trò Việt Nam nên chúng tôi không thể phụ công các thầy”, bác sĩ Sim tâm sự.

Vì vậy, sau 3 tháng học tập nỗ lực, thực hành dưới sự cầm tay chỉ việc của đội ngũ chuyên gia can thiệp bào thai hàng đầu thế giới, TS, BS Nguyễn Thị Sim đã tự tin làm chủ kỹ thuật, càng say mê lĩnh vực này hơn. Ngay khi trở về nước chị đã bắt tay ngay vào công tác triển khai ứng dụng kỹ thuật can thiệp bào thai tại Bệnh Viện Phụ sản Hà Nội.

Tiếp đó, tháng 7/2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp tục cử một ê-kíp gồm Giám đốc bệnh viện - PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, TS, BS Nguyễn Thị Sim và bác sĩ gây mê hồi sức - TS, BS Nguyễn Đức Lam sang Pháp tập huấn chuyên sâu để chuẩn bị tốt nhất cho những ca can thiệp đầu tiên tháng 10/2019.

Quyết tâm rất cao phải mang bằng được kỹ thuật này về Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh tâm sự, trong hơn 20 năm làm nghề, ông vô cùng đau xót khi nhìn thấy các sản phụ mất con trong đau đớn, thậm chí bị rối loạn tâm lý tới vô sinh. Nhiều sản phụ không may có bào thai mắc những bệnh lý cạn ối, truyền máu song thai tìm tới bác sĩ với hy vọng mong manh, nhưng thực tế các bác sĩ không thể làm gì khi có bào thai bị ứ nước trong não, tim, phổi, hay có bào thai bị thừa máu, phù thũng, suy tim. “Từ trăn trở đó, chúng tôi ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu hàng nghìn ca vô vọng”, PGS Ánh chia sẻ.

Với quan niệm bào thai cũng chính là một bệnh nhân và phải điều trị khi có vấn đề bệnh lý, nên ngay sau khi về nước, bác sĩ Sim đã làm việc suốt ngày đêm để kịp hoàn thành một bản báo cáo dày cỡ 200 trang, đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước có tên “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối”. Đây không chỉ là một bước tiến của kỹ thuật sản phụ khoa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và cả nước mà còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu rộng, ý nghĩa to lớn nhằm tăng cơ hội được cứu sống, điều trị cho các thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Nhận được cái gật đầu của hội đồng, tập thể bệnh viện đặt quyết tâm cao nhất phải chinh phục bằng được đỉnh cao này.

Hai kỹ thuật đầu tiên được các bác sĩ tận dụng từng giây phút quý giá để học tập là hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối.

Bác sĩ Ánh cho biết, truyền máu song thai là một hội chứng vô cùng nguy hiểm, xảy ra trong trường hợp hai thai có chung một bánh rau, máu từ thai này truyền sang cho thai kia thông qua các cầu nối mạch máu trong bánh rau. Khi đó, thai nhi cho máu sẽ thiếu máu, thai nhi sẽ thường có kích thước nhỏ hơn và bị thiểu ối. Trong khi đó thai nhi nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch gây phù thai.

“Đặc biệt, khi mắc hội chứng này, nếu không được điều trị thì từ 90% đến 100% thai sẽ chết. Số còn lại sống sót cũng bị di chứng thần kinh nặng nề, khoảng 30%. Trước năm 2018, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào ứng dụng laser phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu. Do đó mỗi năm có hàng nghìn thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai bị tử vong vì không được điều trị”, bác sĩ Ánh tiếc nuối kể.

Điều trị bằng phẫu thuật laser khi ở giai đoạn II - IV Quintero tuổi thai 16 - 26 tuần được coi là phương pháp tối ưu trong điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng cách nội soi vào buồng ối, sử dụng tia laser để làm đông các cầu nối mạch máu trong bánh rau, ngăn chặn máu thai này truyền sang thai kia, giúp cho 2 thai tiếp tục phát triển độc lập với nhau. Việc này giúp cứu sống được cả 2 thai 60% hoặc ít nhất 1 thai sống 80 - 90%.

Bên cạnh đó, các biến chứng chu sinh, dải xơ buồng ối là một trong những biến chứng nguy hiểm và để lại hậu quả nặng nề nhất. Dải xơ buồng ối là một loạt các dị tật bẩm sinh bao gồm sự phá vỡ, biến dạng và dị tật của các cơ quan của cơ thể thai nhi như cắt cụt các bộ phận, và thậm chí toàn bộ chi. Vòng thắt qua đầu và mặt có thể gây ra khe hở mặt. Nếu khe hở mở rộng đến hộp sọ, thai nhi có thể tổn thương não. Vòng thắt qua qua ngực (gây khe hở ngực hoặc tim lạc chỗ ngoài thành ngực) hoặc qua bụng (gây khe hở thành bụng). Dải xơ buồng ối có thể gây sẩy thai hoặc thai lưu.

Khi nhận đề tài, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh và các đồng nghiệp cũng có nhiều tâm tư. Các tiền bối cũng đã có những thất bại khi triển khai kỹ thuật này. Đó không phải sự thất bại của tay nghề, mà là sự thất bại do nhiều yếu tố kết hợp. Trong đó, vấn đề cốt lõi là cơ sở vật chất chưa bảo đảm, phòng mổ chưa vô khuẩn tuyệt đối, bệnh nhân cũng chưa được chuẩn bị thật tốt nên can thiệp muộn, hiệu quả điều trị không cao.

Phẫu thuật can thiệp bào thai là một kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa. Đây là can thiệp vào trong buồng ối bằng cách đưa dụng cụ phẫu thuật nội soi đâm xuyên qua cơ tử cung vào buồng ối, vì vậy có thể gây biến chứng viêm màng ối, vỡ ối hoặc xuất huyết tử cung sau khi can thiệp. Kỹ thuật can thiệp bào thai thực hiện trên các mạch máu nhỏ, dải xơ khó tìm, nhưng vẫn phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thai nhi đang sống, đang cử động trong buồng ối, phải bảo đảm màng ối còn nguyên vẹn và không nhiễm trùng. Việc này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ cao, khéo tay, tinh mắt và phối hợp tốt giữa siêu âm và nội soi.

Còn tâm tư nữa đến từ trái tim của những bác sĩ sản khoa, đó là trong quá trình làm việc, bác sĩ Ánh, bác sĩ Sim đã từng gặp không ít sản phụ có thai nhi dị tật mà chỉ biết lắc đầu và bất lực. Tỷ lệ phần trăm ít đó thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thậm chí có những người làm thụ tinh nhân tạo rất nhiều lần mới chắt chiu được cơ hội mong manh có con.

Bằng tất cả trí tuệ, khối óc của những người làm nghề không ngừng vươn cao hơn nữa trong kỹ thuật sản khoa và tình yêu thương những sinh linh bé bỏng, họ đã lao vào một hành trình học tập nghiêm túc. Không chỉ học tập kỹ thuật, bác sĩ Ánh và bác sĩ Sim còn học rất kỹ về quy trình khám, chẩn đoán phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu của nước bạn để về triển khai trong nước. Song song việc gửi nhân sự đi học nước ngoài, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngay lập tức triển khai phòng mổ đạt tiêu chuẩn châu Âu. “Các ca thất bại nhiều nhất trong kỹ thuật này do khâu nhiễm trùng, theo dõi giữ thai giai đoạn sau không thành công. Vì thế, phòng can thiệp phải bảo đảm điều kiện lọc khí tuyệt đối, vô khuẩn tuyệt đối, khống chế nhiễm trùng”, bác sĩ Ánh nói.

Những quyết định táo bạo để đưa kỹ thuật can thiệp phù hợp với sản phụ Việt Nam

ừ lý thuyết đưa vào thực tế là một hành trình được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hai ca đầu tiên được được giáo sư người Pháp hỗ trợ triển khai khiến cả ê-kíp mất ăn mất ngủ. Điều bác sĩ Sim và cộng sự có được sự yên tâm đầu tiên là khi Giáo sư Yves Ville (Giáo sư chuyên ngành sản phụ khoa, Trưởng khoa sản và y học bào thai Bệnh viện Necker - Enfants Malades Paris - Cộng hòa Pháp) gật đầu mỉm cười khi nhìn thấy cơ sở vật chất bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Căng thẳng nhất trong ca đầu tiên này là cần tìm mọi cách khống chế rủi ro. Điều này không chỉ liên quan đến sự thành công của kỹ thuật mà còn liên quan đến tâm lý của đồng đội và tương lai ứng dụng kỹ thuật tại Việt Nam. Nếu 2 ca ban đầu không thành công thì bước đường cũng gian truân giống như sự thất bại của các cơ sở y tế khác.

Chiều 4/10/2019, kíp mổ gồm các giáo sư hàng đầu châu Âu (đến từ Pháp) và các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công hai ca phẫu thuật trong buồng ối cho hai sản phụ mang song thai chung bánh rau. Hai sản phụ được lựa chọn đầu tiên đều mang song thai và mắc hội chứng truyền máu, trong đó một ca ở giai đoạn muộn. Trước nay rất nhiều sản phụ đành chịu mất cả hai con khi gặp bệnh lý này, hoặc nếu giữ được một thai cũng có nhiều biến chứng. Với kỹ thuật mới, các bác sĩ đã cắt đứt tình trạng truyền máu để điều trị khỏi biến chứng nguy hiểm này.

“Nhiều ngày đêm trằn trọc của chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng bằng hai ca bệnh thành công. Thầy chúng tôi gật đầu tán thưởng. Đó là bước đà để ê-kíp vững tin hơn làm ca tiếp theo”, bác sĩ Sim hạnh phúc khoe.

Nhờ sự nỗ lực của ê-kíp, hơn 100 ca đã được chính các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mà hai bàn tay vàng là PGS, TS Nguyễn Duy Ánh và TS Nguyễn Thị Sim cứu sống kỳ tích. Rất nhiều ca nặng, điển hình của hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối được can thiệp thành công. “Hiệu quả đạt được của chúng tôi ngang tầm thế giới với 84,9% em bé được cứu sống. Mỗi sản phụ sau can thiệp được theo dõi rất sát tới khi sinh con. Các em bé không chỉ được chào đời khỏe mạnh, mà còn được đánh giá về sức khỏe bằng thăm khám sau từng tháng chào đời. Chúng tôi còn chụp MRI để xem bé có những tổn thương sơ sinh nào không”, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.

Chia sẻ về những khó khăn nhất thời gian đầu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Ánh cho biết, đó chính là việc phối hợp ăn ý giữa sản khoa, gây mê, khống chế nhiễm khuẩn, theo dõi hậu phẫu. Ê-kíp ban đầu mỏng, chỉ có 3 người được học và triển khai thực tế nên lãnh đạo bệnh viện lo lắng không thể can thiệp được tất cả mọi ca.

“Tuy nhiên, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã sẵn sàng đứng đầu sóng ngọn gió để đưa ứng dụng kỹ thuật về Việt Nam với một quy trình hoàn chỉnh. Ngoài học kỹ thuật, quy trình, chúng tôi phải học cả thành công lẫn thất bại để khi mang về triển khai hạn chế tối đa xảy ra những tình huống không may xảy ra. Chúng tôi cũng lường được những khó khăn, thách thức và những kinh nghiệm thất bại từ nhiều nơi”, bác sĩ Ánh cho hay. 

Quyết tâm rất cao triển khai kỹ thuật mới, nhưng việc áp dụng lại đòi hỏi phải có những hướng đi phù hợp với Việt Nam nên các bác sĩ lại có những tính toán riêng để vừa bảo đảm sản phụ tuyệt đối không bị nhiễm khuẩn, vừa nâng cao dinh dưỡng cho sản phụ. Theo bác sĩ Sim, các sản phụ Việt Nam có chế độ ăn uống chưa khoa học nên các bác sĩ phải kiêm chuyên gia dinh dưỡng. Các nước trên thế giới sử dụng kháng sinh rất nhẹ và hạn chế nhưng người Việt Nam quen dùng kháng sinh từ bé, do đó các bác sĩ phải lựa chọn kháng sinh đồ phù hợp, tránh nhiễm trùng tối đa cho sản phụ. Bên cạnh đó, người nước ngoài có môi trường trong lành, an toàn hơn nên với các sản phụ Việt Nam, bác sĩ phải dặn dò tư vấn rất kỹ thêm về vệ sinh thân thể, vệ sinh vết mổ để bảo đảm thai kỳ khỏe mạnh.

“Phải thật sự trở thành người ruột thịt với bệnh nhân, tâm sự cả những điều thầm kín nhất để hỗ trợ cho sản phụ phòng tránh nguy cơ rủi ro. Mỗi khi có điện thoại của bệnh nhân ngoài giờ hành chính, chúng tôi rất lo lắng vì có thể ca bệnh đang không an toàn, thế nên chúng tôi không bỏ lỡ cuộc điện thoại nào, để có thể kịp thời xử lý tình huống, hướng dẫn và theo dõi cho bệnh nhân tốt nhất. Vì thế, những em bé can thiệp bào thai được chào đời được cả ê-kíp coi như con trong nhà, mong ngóng các bé phát triển từng ngày”, bác sĩ Sim tâm sự.

Khi đưa kỹ thuật can thiệp hội chứng truyền máu song thai trở thành thường quy, bác sĩ Ánh và bác sĩ Sim đã phải trải qua rất nhiều thách thức. Có những thách thức yêu cầu cần phải giữ cả hai thai, bác sĩ Sim phải cẩn trọng từng chút một để chặn từng mạch máu nhỏ nuôi dưỡng hai bào thai để ca hai cùng có đủ dinh dưỡng độc lập chờ ngày chào đời. Có ca đặc biệt hy hữu khi hai bào thai có cuống rốn cách nhau chỉ 1 cm hoặc những ca đến muộn không thể cứu được cả 2 thai. Thách thức đặt ra với ê-kíp là phải cố gắng hết sức để cứu được ít nhất một thai. Họ đã cân não để những ca như vậy được can thiệp thành công.

CHẮT CHIU TỪNG CƠ HỘI
CHO NHỮNG MẦM SỐNG

Hơn 14 năm theo ngành sản khoa, đỡ đẻ cho hàng nghìn sản phụ, nhưng với Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh những bào thai được chị và đồng đội tìm mọi cách để cứu sống bằng can thiệp qua buồng ối luôn là những đứa con đặc biệt mà chị luôn theo dõi, đồng hành trong suốt hơn 2 năm qua.

“Xin cứu con em, dù chỉ còn 1% em cũng vẫn hy vọng!”

Tin nhắn gửi từ sản phụ Nguyễn Thị Huế tại Gia Lai vào chiều muộn một ngày tháng 8/2021, khi Hà Nội đang triệt để giãn cách xã hội khiến bác sĩ Sim mất ăn, mất ngủ. Sản phụ mang thai đôi ở tuần 22 bị phù người, tình trạng truyền máu song thai khiến cả hai thai đều nguy kịch. Đứng trước lựa chọn vào TP Hồ Chí Minh gần hơn, nhưng sản phụ quyết tâm ra Hà Nội vì đặt trọn niềm hy vọng cuối cùng vào bác sĩ Sim. Ngoài Hà Nội, bác sĩ Sim tìm mọi cách để sản phụ có cơ hội thông tuyến để nhập viện.

Không có máy bay vì dịch Covid-19, quãng đường dài gần 2.000 km, Huế đánh cược chuyến đi này bằng xe cứu thương. 2 ngày 2 đêm trên đường, đủ trạng thái nằm, ngồi, lòng như lửa đốt, Huế chỉ cầu trời số phận run rủi cho cả ba mẹ con được an toàn bởi cô biết, khi mắc hội chứng truyền máu song thai nếu không được điều trị thì 90 - 100% thai sẽ chết. Còn nếu một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề.

Trước khi chuyển viện, tình trạng truyền máu song thai mới ở giai đoạn 2, nhưng chỉ sau 2 ngày, diễn biến nặng lên giai đoạn 3-4, cả hai bé gần như ở giai đoạn cửa tử. Suốt chiều và đêm 19/8 khi tiếp nhận sản phụ, bác sĩ Sim mặc bộ bảo hộ, siêu âm xem tình trạng thai. Lúc này, một thai đã rất yếu, suy tim. Huế trong tình trạng khó thở do bị thai chèn, ánh mắt ngước nhìn bác sĩ tìm niềm hy vọng cuối cùng “Còn 1% bác sĩ cũng cố cứu con em”.

Cả đêm, bác sĩ Sim cùng ê-kíp canh từng phút cho thuốc giảm cơn co, giảm men gan, hồi sức tích cực để bệnh nhân có đủ sức khỏe cho ca can thiệp vào sớm 20/8. Với một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kỹ thuật đi vào thường quy, sản phụ được thực hiện can thiệp bằng laser quang đông giải quyết vấn đề truyền máu song thai. các bác sĩ nỗ lực can thiệp để sản phụ giữ bằng được một thai còn khỏe.

Ngày 29/10, bé trai được các bác sĩ nỗ lực giành giật lại từ cửa tử đã được hạ sinh vào tuần 32. Dù chỉ nặng 1,8 kg, nhưng em bé rất cứng cáp, chỉ ba ngày da kề da mẹ, hai mẹ con đã được xuất viện. “Hành trình vượt 2.000 km, em thấy mình như vượt cạn thêm một lần nữa. Vừa lo sợ, vừa mệt không thở được, vừa cố gắng duy trì niềm hy vọng cuối cùng”, Huế tâm sự.

Đây là ca thứ hơn 100, bác sĩ Nguyễn Thị Sim và ê-kíp can thiệp thành công cho thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ. Nhưng với sản phụ Huế, bác sĩ Sim rất nhớ vì nỗ lực phi thường vượt hơn 2.000km trong tình trạng vô cùng khó khăn để đến với chị. “Niềm tin của sản phụ khiến chúng tôi phải nỗ lực hơn gấp trăm lần để ít nhất giúp thai phụ giữ lại được một thai”.

Trong số hàng trăm sản phụ đến với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được can thiệp thành công, có rất nhiều trường hợp cơ hội được làm mẹ mong manh. Hoặc là trước đó họ gặp nhiều bệnh lý không giữ được thai, hoặc họ phải can thiệp rất nhiều lần bằng thụ tinh nhân tạo để có được em bé. Vì thế, chỉ còn con đường cuối cùng bằng can thiệp bào thai để cho các bé một cơ hội sống.

Bác sĩ Sim vẫn nhớ ánh mắt của sản phụ đã vô sinh tới 10 năm và lần đầu tiên được có cơ hội hy vọng làm mẹ nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu ối. Buồng ối như bị hút chân không, em bé không thể cựa quậy. Sức ép khiến tuần hoàn bé bị đảo ngược, sắp dừng sự sống. Trong sự vô vọng của sản phụ, bác sĩ Sim quyết tâm nhưng không dám hứa hẹn vì áp lực quá lớn. Nếu không làm gì, thai sẽ lưu, người mẹ ở tuổi đã cao chỉ có một hy vọng cuối cùng 1%. Và có lẽ số nhờ sự quyết tâm của các bác sĩ và gia đình đã cho bé cơ hội được sống thêm lần nữa, ca can thiệp truyền ối vào bào thai thành công mỹ mãn. “Cả ê-kíp mừng phát khóc khi thai bắt đầu cử động lại, uống nước ối ừng ực và tuần hoàn dây rốn hết chèn ép. Hơn thế nữa em bé đã giữ được đủ tuần thai để chào đời”, bác sĩ Sim kể lại.

Những ca bệnh hy hữu và quyết định can thiệp dựa vào giác quan thứ 7

Mỗi ca can thiệp, đều mang lại một cảm giác hạnh phúc rất đỗi khác nhau. Bởi ở đó, những nỗ lực, những giọt mồ hôi bỏ ra, những cơ hội chắt chiu, những kinh nghiệm nhận lại là những bài học rất quý giá. Trong hơn 100 ca được can thiệp thành công, có rất nhiều ca bệnh đặc biệt, tưởng chừng cơ hội chỉ còn vài phần trăm hy vọng. Thế giới cũng đã gặp nhiều ca can thiệp biến chứng, nhưng bác sĩ Sim đã có trực giác của riêng mình, để gật đầu với cả những ca thách thức nhất.

Tháng 1/2020, sản phụ Nguyễn Thị T. (Bắc Ninh) gọi tới cầu cứu bác sĩ Sim. Sản phụ trẻ sinh năm 1993 mang thai lần 2 nhưng thai đôi cùng trứng, rau bám mặt sau, gặp hội chứng truyền máu song thai. Bệnh nhân tới viện trong trạng thái cơ thể phù to như “bột nở”, bị tiền sản giật nặng nề, 1 thai nhi hết ối nhẹ cân, một thai đa ối suy tim, phù thai sắp lưu. “Về cơ bản, phải đợi sản phụ ổn tình trạng tiền sản giật mới can thiệp, nhưng nếu đợi sản phụ ổn thì thai lưu. Tôi từng chứng kiến một trường hợp sản phụ gặp tình trạng này tại Pháp và đã xảy ra tai biến khi can thiệp. Sản phụ Pháp đó đã hôn mê ngay trên bàn mổ và thai bị lưu. Với  trường hợp của chị T. cơ hội mong manh cho cả mẹ và con, hội đồng chuyên môn tiên lượng mọi tình huống xấu giải thích cho người nhà, hội chẩn liên tục với giáo sư bên Pháp. Linh tính của giác quan thứ 7 khiến tôi có niềm tin sẽ chinh phục được ca khó này và quyết tâm can thiệp”.

Vừa làm vừa cân não, các bác sĩ cố gắng bảo đảm thời gian xâm lấn ngắn nhất và xâm lấn tối thiểu để cứu ít nhất 1 thai. Và thật đúng như linh cảm, với sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê-kíp, sản phụ được gây mê hồi sức an toàn, ca mổ đã thành công như kỳ vọng. “Ca mổ an toàn, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc”.

Vào tuần 33 bé trai khỏe mạnh Lê Đắc Gia H. chào đời. “Hiện bé rất ngoan và đã hát hò, chạy nhảy khắp nhà. Nếu không gặp bác sĩ Sim thì có lẽ em đã hỏng cả 2 thai”, chị T. hạnh phúc khoe.

Đó là ca can thiệp thứ 20 bác sĩ Sim trong cuộc đời cầm những dụng cụ tinh vi nhất trong lĩnh vực sản khoa để xâm nhập vào bào thai. Đó là ca đầu tiên cô phải đưa ra quyết định cân não có nên can thiệp hay không để giữ được ít nhất một thai và được theo dõi từng giờ để đánh giá thành công của ca can thiệp. Trong niềm vui vẫn xen lẫn nỗi buồn, tiếc nuối - giá như sản phụ được chẩn đoán sớm và chuyển viện kịp thời thì có lẽ cứu được cả 2 thai.

Vượt qua mọi thách thức, bác sĩ Ánh và bác sĩ Sim đã sẵn sàng đương đầu với tử thần để cứu được cả mẹ và con một sản phụ đã bị vỡ tử cung bất thường.

Tháng 8/2020, sản phụ Trần Thị Vân A., 21 tuổi, ở Phú Thọ đến viện ở tuần thai thứ 24 trong tình trạng hết nước ối. Tuyến dưới đã quyết định đình chỉ thai khi mới được 600gr. Gia đình tìm kiếm niềm hy vọng cuối cùng ở bác sĩ Sim.

Bằng một trực giác, bác sĩ Sim cố gắng tìm ra nguyên nhân sản phụ bị cạn ối và phát hiện có tử cung nhỏ bên cạnh bộ phận đang chứa thai nhi. “Vỡ tử cung là nguyên nhân làm mất nước ối của bào thai. Quyết định truyền ối vào buồng tử cung cho thai phụ Vân Anh khá liều lĩnh vì đây là hướng đi khó và nhiều rủi ro. Sau khi hội chẩn ban giám đốc, chúng tôi quyết định truyền ối vào buồng tử cung để cứu thai nhi. Ngay khi truyền được ối, em bé lại bơi lội. Chúng tôi phải truyền ối liên tục để thai nhi nở phổi, thận hoạt động, duy trì chống nhiễm trùng và bảo đảm an toàn cho mẹ.

Với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai nhi được giữ trong bụng mẹ thêm năm tuần. Vào tuần thai 31, bé trai nặng 1,5 kg và có dấu hiệu không tăng cân, các bác sĩ quyết định mổ. “Vết vỡ tử cung rất nham nhở và chúng tôi cố gắng cắt lọc và khâu để bảo tồn tử cung. Đây là một ca đặc biệt hy hữu với chúng tôi và giữ được tử cung là cả một kỳ tích bởi nếu thai phụ bị nhiễm trùng, bác sĩ phải mổ khẩn cấp để cứu mẹ. Tình huống xấu nhất là thai nhi không còn cơ hội cứu sống, người mẹ phải cắt dạ con. Nhưng chúng tôi đã thành công đã mang lại cơ hội làm mẹ cho sản phụ có tử cung dị dạng nhờ y học bào thai tiếp tục. Đây là ca đặc biệt đầu tiên trên thế giới chưa có y văn trong thế giới. Em bé chào đời khỏe mạnh, xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ bình thường. Hơn thế nữa, nhờ tử cung được bảo tồn nên chỉ hơn một năm sau, sản phụ này lại có thai và chúng tôi theo dõi sát, giữ thai được 34 tuần mới sinh”.

Niềm hạnh phúc này cũng lớn lao như ca song thai đầu tiên mà bác sĩ Sim trực tiếp can thiệp cho sản phụ Huỳnh Thị L. (Phú Thọ) vào cuối năm 2019. Sản phụ có hai thai dây rốn nằm ở hai mép của bánh rau nên không có khả năng nuôi dưỡng bào thai tốt, một thai đa ối, một thai thiểu ối. Thách thức cho cả ê-kíp là khi mổ can thiệp đốt các cầu nối bánh rau thì phải tạo tuần hoàn độc lập cho hai thai như là hai bánh rau. Sau 40 phút can thiệp, cả hai bào thai được bảo tồn và sản phụ L. tiếp tục được theo dõi sát sao. 10 tuần sau can thiệp bào thai, sản phụ L. đã chuyển dạ và sinh thường ở tuần thai thứ 33 vào ngày 28/12. Hai bé gái xinh xắn chào đời với cân nặng 1,8 kg và 1,7 kg trở thành 2 đứa con đặc biệt đầu tiên của bác sĩ Sim.

Có lẽ, chính vì trực giác của một người làm bác sĩ sản khoa đã giúp chị có những quyết định rất sáng suốt ở phút cuối. Có những ca bệnh ở tuyến dưới chẩn đoán cần can thiệp ngay nhưng khi chị trực tiếp thăm khám thì yêu cầu chỉ cần theo dõi. Có trường hợp thập tử nhất sinh, không ai dám động vào thì chị lại có niềm tin sẽ làm được và thuyết phục Hội đồng khoa học đồng thuận. “Không chỉ làm bác sĩ sản khoa, chúng tôi còn trở thành bác sĩ dinh dưỡng, tư vấn thai sản, theo dõi bệnh nhi để theo dõi cùng sản phụ từng chút một. Các bào thai có khi còn được thăm khám kỹ hơn cả người lớn”, bác sĩ Sim tâm sự.

Khi đưa kỹ thuật can thiệp hội chứng truyền máu song thai trở thành thường quy, bác sĩ Sim đã phải trải qua rất nhiều thách thức. Có những thách thức yêu cầu cần phải giữ cả hai thai, bác sĩ Sim phải cẩn trọng từng chút một để chặn từng mạch máu nhỏ nuôi dưỡng hai bào thai để ca hai cùng có đủ dinh dưỡng độc lập chờ ngày chào đời. Buồng ối vốn là nơi bất khả xâm phạm, vô cùng khó quan sát và ống nội soi để can thiệp cũng vô cùng bé nhỏ để dễ quan sát được hết trong quá trình can thiệp. Vậy mà họ đã lần lượt vượt qua những vô vọng, để có những ca như vậy được can thiệp thành công.

Là một bác sĩ còn trẻ, nhưng với nỗ lực học tập không ngừng, đặc biệt là với tình yêu thương của một bác sĩ sản khoa, luôn yêu thương con trẻ như chính con mình, mỗi ca can thiệp chị đều dốc hết tâm huyết, sức lực để mang lại kỳ tích cho nhiều gia đình. Nhìn thấy các thai nhi khỏe mạnh và chào đời, mọi vất vả dường như tan biến.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH VÀ TIẾP TỤC CHINH PHỤC ĐỈNH CAO MỚI

Hạnh phúc của người làm nghề sản khoa, chính là được nhìn những sinh linh bé bỏng phát triển từng ngày. Bác sĩ Ánh, bác sĩ Sim mỗi ngày nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn cảm ơn, bày tỏ sự kính nể và chia sẻ những hình ảnh hạnh phúc từ các gia đình đã có con được cứu sống thần kỳ. Trong 2 năm qua khi có hơn 100 em bé được tái sinh sự sống nhờ bàn tay vàng của những trái tim yêu thương con trẻ.

Nhân rộng mô hình chẩn đoán, can thiệp buồng ối

Có những tin nhắn đến mà trong lòng họ "reo vui" cả ngày như người thân trong gia đình vượt qua được hoạn nạn. Các bác sĩ tại đây thật sự trở thành người thân thiết của rất nhiều gia đình khi đồng hành với các sản phụ suốt từ quá trình can thiệp tới khi con chào đời khỏe mạnh, và chứng kiến từng bước phát triển của các bé.

Bác sĩ Sim tâm sự, để an tâm hơn, các em bé can thiệp bào thai đều được bệnh viện hẹn tái khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của các bé có nằm trong chuẩn không. Các bé sẽ được thăm khám chuyên sâu, thậm chí chụp MRI để xem não bộ bé có những ảnh hưởng nào sau khi can thiệp. Bác sĩ sản còn kiêm luôn “vai” bác sĩ dinh dưỡng để tư vấn cho các bà mẹ về thực đơn dinh dưỡng, về sản phẩm sữa, thuốc tốt nhất cho các bé hỗ trợ thêm cho các bé phát triển khỏe mạnh. Có những sản phụ sau lần đầu sinh con thành công, tới lần 2 quyết tâm “bám rịt” lấy bác sĩ Sim để giải tỏa bớt tâm lý lo sợ nguy cơ có thể cạn ối bất kỳ lúc nào.

Những ngày đầu tháng 11, số ca cần can thiệp bào thai tìm đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tìm tới niềm hy vọng cuối cùng ngày một đông. Đó là nhờ việc chuyển giao kỹ thuật liên tục cho tuyến dưới để các bác sĩ sản khoa tại các tuyến có những kiến thức chẩn đoán ban đầu về những bệnh lý này để tư vấn cho sản phụ kịp thời.

Trước đó, sau khi mang kỹ thuật đỉnh cao sản khoa này về Việt Nam và xây dựng được quy trình triển khai bài bản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức đào tạo thực hành cho nhiều bác sĩ sản khoa đến từ 3 miền đất nước Việt Nam, giúp cho nền y học bào thai Việt Nam ngày càng phát triển, giúp tăng cơ hội cứu sống nhiều thai nhi, giúp mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình

Tại buổi đào tạo, các học viên được tiếp cận các kiến thức nhận diện các bệnh lý bẩm sinh như: thiếu máu bào thai, tắc đường tiết niệu dưới, tràn dịch màng phổi, thoát vị hoành bẩm sinh, rối loạn nhịp tim ở thai, hẹp nặng đường ra thất trái, liệu pháp gien trong thời kỳ bào thai, đa thai một bánh rau phức tạp, nhiễm trùng bẩm sinh… từ các giáo sư hàng đầu thế giới của Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Bỉ. Từ các quy trình chẩn đoán, giúp các bác sĩ thực hành siêu âm chẩn đoán sớm được các hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối, nâng cao năng lực chuyên môn.

Trong quá trình đào tạo, bác sĩ Sim luôn nhấn mạnh, không phải cứ học kỹ thuật can thiệp là có thể tiến hành phẫu thuật trong bào thai cho sản phụ. “Chúng tôi mong muốn các cơ sở sau này có thực hiện y học can thiệp bào thai thì không phải học mỗi kỹ thuật can thiệp mà phải học toàn diện từ chẩn đoán, chăm sóc, quá trình mổ đẻ để cuộc sinh được chuẩn bị tốt nhất, chăm sóc sơ sinh cũng phải có kỹ năng tốt. Đặc biệt, các cơ sở phải được trang bị phòng mổ bảo đảm tiêu chuẩn để mọi cuộc can thiệp đều thành công”, BS Sim cho hay.

Khi phân tích cho các tuyến chuyển giao, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh luôn nhấn mạnh, nguy cơ rất cao của một ca can thiệp bào thai là sẽ hỏng thai nhi nếu nhiễm trùng. “Trên một bào thai nhỏ chỉ chừng dưới 500-600gr, thao tác xử trí trên bào thai, bánh rau hoặc buồng ối gặp rất nhiều thách thức. Một tia laser rất nhỏ nếu không được sử dụng can thiệp cẩn thận có thể gây nguy hiểm cho bào thai. Ranh giới trong màng ối rất mỏng manh đòi hỏi độ chính xác cao. Bất kỳ một kỹ thuật nào không đủ tinh xảo, sẽ gây ra tác động sang chấn rất lớn cho bào thai. Mọi thứ phải chuẩn chỉnh từng chi tiết nhỏ nếu không ca can thiệp thất bại rất lớn”, bác sĩ Ánh tâm sự.

Với 2 khóa đào tạo liên tục cho hàng nghìn bác sĩ sản trên khắp cả nước, hiện nay, bệnh viện không chỉ có một đội ngũ can thiệp bào thai vững vàng, hùng hậu mà họ còn có những cánh tay nối dài đến lĩnh vực sản khoa tại các địa phương để nhận biết sớm tình trạng bệnh lý, gửi lên tuyến trên kịp thời, mang lại cơ hội “cải tử hoàn sinh” cho các bào thai. Sau khi qua đào tạo có nhiều bác sĩ kể cả phòng mạch tư và đơn vị công có phát hiện bệnh lý sớm, hội chẩn trao đổi vừa gửi bệnh nhân tới viện để điều trị kịp thời. “Chúng tôi hạnh phúc vì bệnh viện đã chuyển giao đào tạo thành công. Nhờ đó, rất nhiều sản phụ được “chỉ điểm” đến đúng địa chỉ để giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh lý của bào thai”, bác sĩ Sim bày tỏ.

Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng có được sự may mắn, bởi việc phát hiện muộn các bệnh lý hoặc có những bệnh lý phức tạp mà y học Việt Nam chưa chạm tới. Kể từ khi chinh phục thành công kỹ thuật này, bác sĩ Sim chỉ có một điều ước tất cả sản phụ có vấn đề với bào thai phải được phát hiện ở giai đoạn sớm. Chỉ khi đó, mọi cơ hội để bảo toàn cho cả mẹ và con mới có nhiều phần trăm thành công.

Tháng 12/2021, khóa thứ 3 của đào tạo can thiệp bào thai lẽ ra được tổ chức tại Việt Nam do chính các giáo sư nước ngoài giảng dạy, nhưng vì tình hình dịch phức tạp, nên kế hoạch được chuyển sang đào tạo trực tuyến.

Vươn tới đỉnh cao mới trong kỹ thuật can thiệp bào thai

Sau can thiệp truyền máu song thai và dải xơ buồng ối, các bác sĩ đang triển khai rất thành công kỹ thuật mới là can thiệp thiểu ối cứu sống bào thai bằng ứng dụng truyền dung dịch vô khuẩn để nước ối em bé nhiều lên, làm em bé phát triển tốt hơn, phổi không bị thiểu sản, thận bài tiết và cứu được nhiều em bé. Tiến tới, các bác sĩ sẽ can thiệp truyền máu thiếu máu bào thai, qua cuống rốn để cứu những bé bị thiếu máu phù thai đang có nguy cơ chết lưu.

Bác sĩ Ánh tâm sự, thế giới đã đi trước chúng ta 15 năm và họ làm được nhiều kỹ thuật mà Việt Nam còn cần phải học thêm nữa. Vì thế, mục tiêu trong tương lai gần, các bác sĩ sản khoa Việt Nam sẽ tiếp tục chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao mới như “sửa chữa” các bệnh về não, tim, thận, tủy sống cho bào thainhằm giúp thai nhi không may mắc các bệnh lý vẫn có thể phát triển tốt trong tử cung của người mẹ và chờ đến ngày chào đời. Ê-kíp can thiệp bào thai gồm 8 người đang chuẩn bị hành trình lên đường tới Pháp để tiếp tục học tập để chữa các bệnh về van tim, thận ứ nước, não úng thủy cho bào thai.

“Số kỹ thuật thực hiện càng nhiều, khả năng cứu sống, sửa chữa bào thai bất thường trong túi ối càng nhiều và sửa chữa đó tăng cơ hội cứu sống bào thai. Những bất thường bệnh lý đó nếu không sửa chữa để lại di chứng khá nặng nề sau khi sinh, thậm chí thai chết lưu trong buồng tử cung. Vì thế, chúng tôi cần tiếp tục phải đi, phải học và phải chuyển giao kỹ thuật về Việt Nam để trong tương lai tăng cơ hội cứu sống bào thai, các sản phụ không cần tốn kém chi phí hàng trăm triệu đồng ra nước ngoài”, bác sĩ Ánh tâm sự.

Với bác sĩ, tâm niệm nghề y là cứu người nên khi cứu được bất kỳ thai nhi nào đứng ở cửa tử, họ đều hạnh phúc hơn hết vì đã có thêm một sinh linh được có cơ hội sống. Sự chào đời khỏe mạnh của một bào thai, không chỉ là câu chuyện của một số phận con người, mà đó còn là câu chuyện chất lượng dân số của cả một thế hệ. Bác sĩ Ánh không giấu được kỳ vọng tới đây bất kỳ bào thai nào có vấn đề cần can thiệp được cứu sống sẽ chào đời khỏe mạnh, loại bỏ nguy cơ tật nguyền để Việt Nam có được chất lượng dân số tốt hơn.

Đề tài can thiệp bào thai được Hội đồng khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là một trong những đề tài xuất sắc vì sự thành công trong ứng dụng và mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Thành tựu này là tiền đề để bệnh viện xin Bộ Y tế cấp phép danh mục kỹ thuật để y học bào thai được triển khai rộng khắp trong cả nước. “Khi là danh mục kỹ thuật, được đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế, các sản phụ sẽ không phải mất nhiều chi phí cho một ca can thiệp, nhiều bệnh viện trên toàn quốc có thể thực hiện được sẽ tăng cơ hội cứu sống nhiều thai nhi hơn”, bác sĩ Ánh bày tỏ nguyện vọng.

Nguồn: https://special.nhandan.vn/chuyennguoisuabaothai/index.html

Thu Linh - Tổ Truyền thông