Gần một tháng nay, dù 3 bé chào đời bình an nhưng mỗi khi nhớ lại ngày đi sinh, vợ chồng chị Hà Thùy Dung (31 tuổi, dân tộc Thái, sống tại Mai Châu, Hòa Bình) vẫn rưng rưng nước mắt. Ngày hôm đó, ông xã đã nắm tay chị và khóc khi nhìn thấy vợ được đẩy vào phòng mổ cấp cứu, đứng giữa ranh giới nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn 3 con.
Mang bầu 3 nguy hiểm, chồng cơm bưng nước rót đến tận giường
Chị Dung cho biết, vợ chồng chị kết hôn vào năm 2016. Thời gian sau, chị mang thai tự nhiên nhưng không giữ được em bé. Sau khi kế hoạch 1 năm, vợ chồng chị để thả nhưng chờ mãi chẳng có. Quá nôn nóng có con nên vợ chồng chị đã quyết định đi khắp các bệnh viện Hà Nội khám. Ngày nghe kết quả mình bị tắc vòi trứng, chị khá hoang mang nhưng khi được bác sĩ tư vấn cơ hội có con tự nhiên đến 50% vợ chồng chị lại yên tâm ra về. Tuy nhiên, chờ vài tháng cũng chẳng có, vợ chồng chị sốt ruột quá đã quyết định tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm luôn.
“Vợ chồng mình đến bệnh viện hiếm muộn làm IVF. Lúc đầu mình định làm IUI nhưng chồng mình bảo làm IVF vì nhà làm ảnh viện áo cưới cũng bận. Lần đầu làm mình chuyển phôi tươi luôn và đậu ngay lần đầu chuyển phôi”, chị Dung kể.
Chị Dung mang bầu 3 vô cùng vất vả, tuần nào chị cũng phải đi xe từ Hòa Bình xuống Hà Nội khám thai.
Chị Dung tâm sự khi thai được 6 tuần, chị đi kiểm trai chỉ phát hiện được 2 túi ối nên rất vui mừng và yên tâm, tuy nhiên 7 tuần đi siêu âm lại, bác sĩ phát hiện thêm túi ối nữa khiến vợ chồng chị khá lo lắng. Dù vậy, khi bác sĩ khuyên giảm thiểu một thai để đỡ nguy hiểm, anh chị vấn cố gắng giữ mà không giảm thiểu bé nào.
Từ ngày chuyển phôi đến khi mang bầu, chị Dung không phải làm bất cứ việc gì, chị cũng nghỉ hẳn công việc make-up để ở nhà dưỡng thai. Ngày nào chồng chị cũng chăm sóc chị từ A-Z, cơm bưng nước rót đến tận giường. Anh nghiên cứu, tìm hiểu từng món ăn một để nấu, đảm bảo dinh dưỡng cho 4 mẹ con. Tối đến, anh lại pha nước cho chị ngâm chân và xoa bóp chân tay để chị đỡ mỏi.
Mang bầu 3, có lẽ khó khăn nhất đối với chị Dung là phải di chuyển quãng đường dài từ Mai Châu xuống Hà Nội khám, cứ một tuần một lần. Nhiều lúc chị mệt mỏi, muốn bỏ hết nhưng nghĩ đến 3 con chị lại phải cố gắng.
“Quãng thời gian mang bầu lo lắng nhất của mình là khoảng 20-30 tuần, thai to người mệt mỏi, nguy cơ sinh non cao nên mình chỉ nằm một chỗ thôi. 30 tuần, mình tiêm trưởng thành phổi cũng yên tâm hơn nhưng đi bệnh viện bác sĩ lại bảo mình hơi yếu, có nguy cơ cao.
Lúc này mình xuống Hà Nội làm hồ sơ đăng ký đẻ trọn gói tại các bệnh viện quốc tế nhưng không bệnh viện nào nhận vì thai 3 nguy hiểm. Sau đó, mình đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm nhưng phải chờ 36 tuần mới được”, chị Dung chia sẻ.
Được biết suốt quãng thời gian mang bầu 3, chị Dung không ăn uống được gì, chỉ ăn hoa quả và uống nước lọc. 5 tháng đầu chị không lên cân, mãi đến khoảng thời gian sau đó chị mới tăng được 6-7kg, lên 67kg.
Mang thai chị Dung chỉ tăng 7kg nhưng các con đều trên 2kg.
Tiền sản giật nặng đến méo cả miệng, bác sĩ thót tim khi nhìn huyết áp
Mang bầu 30 tuần, lo lắng tình hình con, hơn nữa sức khỏe chị không thể đi quãng đường xa nhiều nên vợ chồng chị Dung đã quyết định thuê trọ ở Hà Nội để tiện đi lại, thăm khám. Những tưởng yên tâm hơn vì ở gần viện, nào ngờ, 34 tuần chị bất ngờ bị méo mồm, mụn mọc khắp người, gương mặt bị phá nét, mũi nở, chân tay sưng phù đến không nhận ra hình ảnh mình trong gương.
“Lo sợ bị tiền sản giật, mình cùng chồng vào viện khám nhưng lại được bác sĩ cho về vì chưa đến mức phải nhập viện. Tuy nhiên 2-3 ngày sau, mặt mình bỗng méo đi, không ngồi, đứng được, nằm nghiêng cũng khó khăn vì bụng bầu 3 quá lớn, thai chèn ép vào dạ dày, miệng bị méo ăn không được, uống nước cứ tràn ra, nôn cũng khó khăn lắm, còn mắt mình bị nháy một bên, một bên không mở được, mình khóc nhiều, sợ lắm.
Chồng mình bảo vào viện khám xem thế nào nhưng mình vừa mới khám vài ngày trước nên chần chừ. Sau chồng mình giục đi khám, đến viện đo huyết áp đã tăng 180, phải cấp cứu gấp, mổ lấy thai luôn. Hóa ra đó là những biểu hiện của tiền sản giật nặng”, chị Dung nhớ lại.
Chị Dung tâm sự, nhiều người nhập viện huyết áp cao giống chị, có người mất tim thai, có người cứu được mẹ, còn có người chỉ cứu được con. Chị may mắn được bác sĩ cấp cứu kịp thời, không chần chừ giây phút nào nên đã thoát khỏi cửa tử, 4 mẹ con đều mẹ tròn con vuông.
Nhớ lại ngày lên bàn mổ với tâm trạng đầy lo lắng, chị Dung lại rưng rưng nước mắt. Lúc đó, mặc dù cảm thấy cơ thể bình thường, có thể đi và ngồi được nhưng khi bác sĩ bắt buộc phải nằm trên xe cáng đẩy vào phòng mổ, chị bắt đầu lo sợ hơn, đặc biệt khi nhìn thấy giọt nước mắt của chồng, cái nắm tay chặt của anh trước khi 4 mẹ con được đưa vào phòng trong.
“Đi sinh chỉ có 2 vợ chồng, người nhà ở hết Hòa Bình, chồng mình làm thủ tục, lo cho vợ còn không nhớ nộp tiền viện. Lúc mình được đẩy vào phòng mổ, anh nắm tay mình khóc và nói: “Không sao đâu 4 mẹ con sẽ an toàn mà” khiến mình cũng chảy nước mắt. May mắn ca mổ thành công, 3 bé sinh ngày 18/6. 2 bé gái chào đời nặng lần lượt 2,4kg; 2,3kg còn bé trai út nặng 2,1kg”, chị Dung rưng rưng.
Nhờ có các bác sĩ mà 4 mẹ con chị đều mẹ tròn con vuông.
Vì bị tiền sản giật nặng, chị Dung phải ở phòng hồi sức 3 ngày theo dõi huyết áp ổn định mới được về với các con. Chồng chị lại thay chị chăm sóc 3 con chu đáo. Nói đến đây, chị cười hạnh phúc vì từ lúc mang bầu đến bây giờ sinh con được gần 1 tháng, chồng chị đều một tay chăm sóc vợ và 3 con. Anh đảm đương hết mọi việc khiến những khó khăn, vất vả của chị suốt thời gian qua được xua tan đi hết.
Nguồn:
https://eva.vn/ba-bau/co-gai-dan-toc-mang-bau-3-dau-meo-ca-mieng-bac-si-thot-tim-vi-qua-nguy-hiem-c85a399033.html
http://emdep.vn/lam-me/co-gai-dan-toc-mang-bau-3-dau-meo-ca-mieng-bac-si-thot-tim-vi-qua-nguy-hiem-20190718090428284.htm
Tổ Truyền thông