Bằng mọi giá giữ lại đứa con cho bệnh nhân
Sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, trú tại Con Cuông, Nghệ An) phát hiện mang song thai ở tuần thứ 12 sau khi thăm khám tại một phòng khám ở Hưng Yên. Tuy nhiên, bác sĩ khám thông báo một thai đã bị lưu.
Sau đó, ở những lần kiểm tra thai tiếp theo, sản phụ phát hiện thai lưu ngày một to lên nên đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán: Sản phụ ở tuần thai 23, mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và Sơ sinh cho biết: "Khi tiếp nhận trường hợp sản phụ Hường, chúng tôi xác định sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau hiếm gặp với biến chứng thai không tim".
Bác si Nguyễn Thị Sim kiểm tra sức khỏe cho sản phụ.
Ở tuần thai 26, trước tình trạng thai còn lại của sản phụ có nguy cơ lưu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và tiến hành can thiệp chữa bệnh cho thai nhi ngay trong bụng mẹ.
Sau ca can thiệp, sản phụ Hường được giữ lại bệnh viện để dưỡng thai vì cổ tử cung quá ngắn, nguy cơ đẻ non. Quá trình giữ thai cho sản phụ này rất gian nan, bệnh viện đã lựa chọn những dịch vụ tốt nhất, thậm chí phải dùng những loại thuốc đắt nhất thế giới hiện nay để chăm sóc sản phụ và thai nhi. Đến tuần 33, sản phụ chuyển dạ và nhanh chóng được mổ lấy thai ngay trong đêm 14/12.
"Khó khăn nhất trong ca phẫu thuật mổ bắt con cho sản phụ Hường là vừa đảm bảo cho thai nhi chào đời khỏe mạnh vừa phải lấy khối thai lưu không tim bị phù gấp đôi thai sống và có nguy cơ vỡ trong tử cung. Chúng tôi phải lần kéo phẫu thuật cắt từng đoạn ngắn dây rốn do bị phù, trơn... Cuối cùng, em bé chào đời với cân nặng 1,2kg. Cả sản phụ và em bé được theo dõi sát sao sau mổ" - Bác sĩ Nguyễn Thị Sim cho hay.
Đến giữa tuần này, sản phụ Hường sức khỏe ổn định và đã được xuất viện. Em bé tiếp tục được theo dõi thêm 1 tuần nữa.
Đây là trường hợp đầu tiên sinh con trong số 14 ca đã được mổ can thiệp y học bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tất cả các ca này đều được bệnh viện miễn phí hoàn toàn. Bệnh viện cũng dự kiến sẽ miễn phí hoàn toàn cho 30 ca can thiệp đầu tiên.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tặng sữa cho sản phụ Hường.
Can thiệp sớm - Tránh biến chứng
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Hội chứng truyền máu song thai là một cấp cứu sản khoa cần được điều trị kịp thời. Khi mắc hội chứng truyền máu song thai, nếu không được điều trị thì 90 - 100% thai sẽ chết. Còn nếu một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề".
Trước đây, cứ 35.000 ca sinh thì có 1 ca mắc hội chứng này. Tuy nhiên, hiện nay do kỹ thuật hiện đại, tỷ lệ phát hiện bệnh nhiều hơn. Ngay trong tháng 11-12/2019, tại Bệnh viện Sản phụ Hà Nội đã phát hiện 8 ca mắc bệnh. Năm 2016, bệnh viện cũng ghi nhận 2 ca trên tỷ lệ 40.000 ca sinh.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, tùy từng trường hợp để có các phương pháp điều trị khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hội chứng này và tình trạng sức khỏe của thai phụ. Mục tiêu điều trị vẫn là giúp cho thai phụ mang thai an toàn và khỏe mạnh cho đến khi cả hai thai nhi đều có thể ra đời một cách an toàn. Tuy nhiên, điều trị bằng phẫu thuật laser khi ở giai đoạn II - IV Quintero tuổi thai 16 - 26 tuần được coi là phương pháp tối ưu trong điều trị hội chứng truyền máu song thai.
Đối tượng nguy cơ mắc phải hội chứng truyền máu song thai là những người mẹ mang đa thai và có một bánh nhau. Thai phụ mang song thai có thể phát hiện được sớm trong khi mang thai, nhờ việc siêu âm thường xuyên, nhất là trong tuần thai thứ 12 - 16. Do đó, các bà mẹ mang thai cần phải thường xuyên siêu âm trong suốt thai kỳ để kiểm soát được kích thước và tình trạng sức khỏe của cặp thai nhi trong bụng.
Nguồn:
https://vtv.vn/suc-khoe/em-be-dau-tien-duoc-chua-benh-tu-trong-bung-me-chao-doi-20191218181335812.htm
https://nhandan.com.vn/y-te/item/42633502-em-be-duoc-can-thiep-bao-thai-dau-tien-chao-doi-khoe-manh.html
Tổ Truyền thông