Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Giải pháp để chủ động phòng tránh đẻ non

Giải pháp để chủ động phòng tránh đẻ non

Trong bối cảnh tỷ lệ sinh non đang có xu hướng tăng, các chuyên gia đề xuất một số phương pháp có thể giúp thai phụ hạn chế tình trạng này, gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đẻ non được định nghĩa là xảy ra từ tuần 20 đến 36 của thai kỳ. Đáng chú ý, trong các trường hợp đẻ non, chỉ 20-25% là kết quả của những can thiệp y tế. Trong khi đó, tới 75-80% trường hợp xảy ra một cách tự nhiên, sau khi chuyển dạ sinh non hoặc vỡ ối non tháng.

Tỷ lệ đẻ non toàn cầu ước tính đã tăng từ 9,8% lên 10,6% trong giai đoạn năm 2000-2014, chiếm gần 15 triệu ca đẻ non còn sống trong năm 2014 và hơn một triệu trường hợp tử vong vào năm 2010.

Chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Chỉ đạo Tuyến chuyên ngành Sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 10, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết đẻ non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sơ sinh trên toàn thế giới. Mặt khác, những trẻ sống sót cũng có nguy bệnh tật suốt đời, gây gánh nặng cho gia đình và cho toàn xã hội.

Tia sáng để hạn chế nguy cơ đẻ non

Theo TS Hà, chiều dài cổ tử cung được cho là có liên quan chặt chẽ với nguy cơ đẻ non ở cả những thai phụ có nguy cơ cao và nguy cơ thấp với tình trạng này.

Y học thế giới còn nhiều tranh cãi về các cách dự phòng đẻ non. Ảnh minh họa: jonathan_borba.

“Các nghiên cứu chỉ ra rằng chiều dài cổ tử cung ở quý 2 của thai kỳ có khả năng tiên lượng nguy cơ đẻ non cao”, vị chuyên gia nói.

Do đó, bà cho rằng ngành y tế cần không ngừng có những chuẩn hóa cách thức đo chiều dài cổ tử cung, từ đó tối ưu hóa tính chính xác của phép đo này.

Đến nay, đo chiều dài cổ tử cung qua đường âm đạo theo tiêu chuẩn được khuyến cáo bởi ISUOG (Hiệp hội Siêu âm Sản phụ khoa Thế giới) đã được chấp nhận rộng rãi trong quá trình sàng lọc nguy cơ đẻ non.

“Vẫn còn khá nhiều tranh cãi về việc có nên sàng lọc thường quy chiều dài cổ tử cung hay chỉ sàng lọc ở nhóm có nguy cơ cao đẻ non, điểm cắt chiều dài cổ tử cung là bao nhiêu để bắt đầu áp dụng các biện pháp dự phòng đẻ non”, TS Hà cho hay.

Tuy nhiên, nhiều hiệp hội uy tín về sản phụ khoa và siêu âm trong sản phụ khoa đã khuyến cáo căn cứ vào tính khả thi, sẵn có của trang thiết bị, kỹ năng bác sĩ và sự chi trả từ xã hội, chúng ta nên sàng lọc thường quy chiều dài cổ tử cung qua siêu âm đường âm đạo ở tuổi thai từ 18 đến 24 tuần để tiên lượng đẻ non.

Trong khi đó, điểm cắt chiều dài cổ tử cung dưới 25 mm được đa số chuyên gia chấp nhận để áp dụng các biện pháp dự phòng đẻ non.

Vị chuyên gia thông tin đến nay, có rất nhiều khuyến cáo về các biện pháp dự phòng sinh non. Những hướng dẫn này không giống nhau về thời điểm bắt đầu dự phòng và kết thúc, phương pháp dự phòng hay việc có phối hợp các biện pháp hay không.

Tuy nhiên, đa số khuyến cáo đều đồng thuận:

  • Trong trường hợp đơn thai, không có tiền sử đẻ non, cổ tử cung ngắn, nên sử dụng progesterone cho đến khi thai được 34-36 tuần.
  • Trường hợp ngắn cổ tử cung kết hợp với tiền sử đẻ non, khâu cổ tử cung là liệu pháp được khuyến cáo phổ biến nhất.
  • Trường hợp cổ tử cung mở, không có cơn co tử cung và không có tình trạng nhiễm trùng, khâu vòng cổ tử cung cấp cứu là phương pháp được khuyến cáo.
  • Trường hợp khâu vòng cổ tử cung qua đường âm đạo không thành công, khâu cổ tử cung đường bụng là một lựa chọn điều trị.
  • Vòng pessary cổ tử cung dự phòng sinh non chưa được khuyến cáo.
  • Trường hợp mang song thai, hầu hết hướng dẫn đều khuyến cáo không điều trị tích cực để dự phòng đẻ non.

Vai trò của can thiệp bào thai

Trong quá trình dự phòng đẻ non, y học bào thai cũng là vấn đề được nhắc tới như một phương pháp hữu hiệu. Chia sẻ tại buổi hội nghị, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, khẳng định y học bào thai tập trung vào việc quản lý các vấn đề của người mẹ và thai nhi trước, trong và sau khi mang thai.

Y học bào thai được là một trong những phương pháp chăm sóc mẹ và bé hiệu quả ngay từ trước khi sinh. Ảnh minh họa: raymart_arnino.

Đối với người mẹ, các bác sĩ chuyên khoa y học bào thai sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khỏe có từ trước cũng như biến chứng do mang thai gây ra.

Trong khi đó, đối với thai nhi, các bác sĩ y học bào thai sẽ thực hiện các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán trước khi sinh, cung cấp phương pháp điều trị và thực hiện phẫu thuật can thiệp bào thai.

“Trước đây, các kỹ thuật của y học bào thai chỉ tập trung vào việc sàng lọc và chẩn đoán, lên kế hoạch sinh nhằm tránh tử vong cho thai nhi khi ra đời. Tuy nhiên, ngày nay, mục tiêu của y học bào thai còn là chữa bệnh cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ”, GS Ánh cho hay.

Ngoài sàng lọc và chẩn đoán, lĩnh vực trị liệu thai nhi cũng đang rất phát triển, từ đó cung cấp các lựa chọn can thiệp hoặc phẫu thuật vào bào thai trước sinh đối với một số dị tật của thai nhi.

“20 năm trước, y học bào thai chủ yếu gồm kỹ thuật phẫu thuật mở buồng ối nhưng hiệu quả điều trị chưa cao vì đa số bị vỡ ối và sinh non. 10 năm trở lại đây, phẫu thuật nội soi thai kết hợp tia laser, sóng vô tuyến, dao điện... đã được chứng minh là kỹ thuật khả thi và đem lại hiệu quả vượt bậc. Trong tương lai, đây có thể là kỷ nguyên ứng dụng liệu pháp tế bào gốc và gene để điều trị một số bệnh cho thai nhi”, vị chuyên gia kết luận.

Nguồn:

https://zingnews.vn/giai-phap-de-chu-dong-phong-tranh-de-non-post1381326.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông