Hàng chục thai phụ thiểu ối đã được truyền dịch đẳng trương vô khuẩn để tăng thể tích nước ối cho bào thai.
Cạn ối dù chưa tới ngày sinh
Sau nhiều năm hiếm muộn, chị N.T.H. (ở Hà Nam) mới có thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, quá trình mang thai của chị H. gặp khá nhiều khó khăn. Mang thai đến tuần thứ 20, chị bất ngờ bị cạn ối, nguy cơ cao không giữ được thai.
Ở bệnh viện tuyến dưới, chị nhận được chỉ định đình chỉ thai. Khi chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhận định bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, hết ối, các bác sĩ chỉ định truyền ối vào buồng tử cung để cứu thai nhi. Và điều kỳ diệu đã đến. Sau khi truyền ối, em bé đã được cứu sống và chào đời bình thường. Cháu bé hiện đang lớn lên khỏe mạnh. Niềm hạnh phúc sau bao nhiêu năm hiếm muộn đã trọn vẹn với gia đình chị N.T.H.
Tương tự chị H., sản phụ T.T.V.A. (quê Phú Thọ) đến bệnh viện ở tuần thai thứ 24 trong tình trạng hết nước ối. Trước đó, ở bệnh viện tuyến dưới và một bệnh viện tư, sản phụ được theo dõi thấy cạn sạch ối. Do ở thời điểm đó, thai nhi mới 600g, người mẹ được tư vấn đình chỉ thai. Tuy nhiên, vì gia đình vẫn muốn giữ thai nên quyết định chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dị dạng tử cung nhưng quên khai tiền sử. Trường hợp này, thai phụ vỡ tử cung âm thầm, không gây triệu chứng nặng như nhiễm trùng, sốc mất máu. Vết vỡ nhỏ (2cm), lại ở vùng không có nhiều mạch máu nên không đau. Thai phụ chỉ đau khi vỡ tử cung, sau đó hết cảm giác này. Vì thế, nhiều bác sĩ không nghĩ đến tình huống vỡ tử cung, nhất là ở tuần thai 24. Từ kết quả thăm khám đó, bác sĩ nhanh chóng nhận định vỡ tử cung là nguyên nhân gây mất nước ối của bào thai. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định truyền ối vào buồng tử cung để cứu thai nhi.
Sau khi truyền dịch vào buồng ối, nước lại chảy dần ra ổ bụng. Bác sĩ dò thấy vết vỡ ở đáy tử cung. Lúc này, thai nhi vẫn phát triển, đồng thời người mẹ có toàn trạng bình thường. Gia đình bệnh nhân xin tiếp tục giữ thai. Các bác sĩ tiếp tục truyền ối lần hai đồng thời cho bệnh nhân dùng những loại thuốc tốt nhất nhằm giữ tình trạng người mẹ ổn định, không nhiễm trùng và thai nhi có thêm thời gian để phát triển. Với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ, thai nhi được giữ trong bụng mẹ thêm năm tuần. Vào tuần thai 31, bé trai nặng 1,5kg, có dấu hiệu không tăng cân, các bác sĩ quyết định mổ.
Truyền ối là kỹ thuật duy nhất điều trị thiểu ối
|
Đã có 25 em bé chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật truyền ối |
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trước đây, khi thai phụ bị thiểu ối (ít ối), bác sĩ dặn bệnh nhân về uống nhiều nước hoặc uống nước dừa; thậm chí có trường hợp cho bệnh nhân truyền dịch bằng tĩnh mạch. Tuy nhiên, khoa học chưa chứng minh các phương pháp này có hiệu quả hay không. Nếu thiểu ối kéo dài và ngày càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thai nhi chết.
Truyền ối vào buồng tử cung (còn gọi là kỹ thuật can thiệp bào thai trong tử cung) là phương pháp điều trị bệnh lý sản khoa kể trên. Truyền ối là kỹ thuật duy nhất điều trị thiểu ối hiệu quả bằng việc đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai.
Sản phụ thiểu ối nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ can thiệp thành công lên tới 80%. Truyền ối còn giúp thai phụ tránh tình trạng sinh non, loại bỏ các nguy cơ về rối loạn dinh dưỡng, chuyển hóa, các nguy cơ trong khi chăm sóc em bé thiếu tháng như nhiễm trùng, viêm phổi. “Đây là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực sản khoa, đòi hỏi vô trùng và chuẩn xác tuyệt đối. Thách thức lớn nhất là thai nhi vẫn cử động nên quá trình cần linh động. Bác sĩ phải can thiệp điều trị và đảm bảo thai phát triển tốt, tử cung còn nguyên vẹn không gây cơn co, không gây sẩy thai hay đẻ non” - phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - thông tin: “Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình người mẹ mang thai. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ; là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp. Nếu trong quá trình mang thai, nước ối bị cạn sẽ làm thai chậm phát triển, dị dạng thai nhi, hậu quả là đẻ non hoặc thai lưu.
Thiểu ối là tình trạng nước ối ít hơn bình thường theo tuổi thai. Việc chẩn đoán bằng siêu âm sẽ cho biết thai phụ bị thiểu ối nếu chỉ số ối nhỏ hơn 50mm hoặc góc ối sâu nhất nhỏ hơn 20mm. Thiểu ối nặng khi góc ối sâu nhỏ nhất nhỏ hơn 10mm.
Kỹ thuật truyền dịch ối được chỉ định cho những sản phụ thiểu ối còn nguyên màng ối và tuổi thai từ 16-32 tuần. Đồng thời chống chỉ định can thiệp kỹ thuật này cho các thai phụ đang mang thai dưới 16 tuần, tử cung ngắn có dấu hiệu dọa đẻ non, rỉ ối, vỡ ối, thai dị dạng, nhiễm trùng cấp.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật truyền ối, bác sĩ Sim cho hay: “Trong quá trình can thiệp, dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ xuyên kim “siêu nhỏ” vào buồng tử cung, truyền dịch vô khuẩn vào buồng ối. Khi lượng nước ối trở về bình thường, bác sĩ dừng thủ thuật, đồng thời lấy 10ml mẫu ối làm xét nghiệm di truyền cho thai.
Sau truyền ối, sản phụ được đánh giá tình trạng nhiễm trùng, toàn trạng mẹ và thai trong hai ngày, nếu ổn định thì cho ra viện. Sản phụ được tư vấn chế độ sinh hoạt, lao động, ăn uống và giải thích kết quả xét nghiệm ối. Khi bộ nhiễm sắc thể của em bé bình thường, sản phụ có thể yên tâm giữ thai. Trong trường hợp bất thường, thiểu ối do di truyền, các bác sĩ sẽ định hướng quyết định sớm cho sản phụ. Nếu một, hai tháng sau, sản phụ tiếp tục thiếu ối có thể sẽ được chỉ định truyền lại.
Được biết từ cuối năm 2019 đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp kỹ thuật truyền dịch ối hơn 50 ca thai phụ thiểu ối. Đã có 25 bé chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật này. Số còn lại đang được tiếp tục theo dõi, chờ ngày sinh. Tỷ lệ thành công này đã sánh ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến nhất thế giới. Vì vậy, các cơ sở y tế nên chẩn đoán sớm và chuyển thai phụ thiểu ối lên tuyến trên càng sớm càng tốt. Bởi can thiệp buồng tử cung sớm sẽ mang đến cơ hội em bé được lớn thêm nhiều hơn, sơ sinh tốt hơn.
Thiểu ối xuất hiện ở mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khác nhau. Thiểu ối trong ba tháng đầu, nguy cơ sẩy thai cao, chiếm 65-80%. Thiểu ối trong ba tháng giữa, nguy cơ dị tật thai cao. Thiểu ối trong ba tháng cuối, nguy cơ thai suy dinh dưỡng cao. Có tới 30% các ca thiểu ối không rõ nguyên nhân.
Người mẹ có thể tự nhận biết tình trạng thiểu ối qua một số dấu hiệu: bụng không lớn lên, bụng không tương đương với tuổi thai, sờ rõ các phần của thai ngay sát da bụng, cảm nhận về hoạt động của thai nhi rõ ràng hơn trước, lúc thai máy có thể khiến bụng người mẹ đau nhiều...
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/giu-lai-con-cho-me-bau-tung-duoc-tu-van-dinh-chi-thai-a1424371.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông
|