Để bảo vệ cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là phụ nữ mang thai, những ngày qua, Hà Nội đã tiêm vaccine Covid-19 cho các sản phụ, đồng thời triển khai tiêm diện rộng cho tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội với mong muốn sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Yên tâm hơn khi tiêm vaccine nhưng không chủ quan
Là một trong hơn 200 sản phụ tại quận Hoàn Kiếm được tiêm mũi 1 vaccine Pfize tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, chị Lê Hoàng Trang (30 tuổi, phường Chương Dương) đang mang thai tuần thứ 31 không lo lắng, hồi hộp mà cảm thấy yên tâm hơn sau khi tiêm vaccine Covid-19. Tại đây, trước và sau tiêm, sản phụ được các bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc, đo tim thai, huyết áp, siêu âm rất tận tình, chu đáo, tỉ mỉ. Đặc biệt, sản phụ được các bác sĩ tư vấn nhiệt tình về chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ, khoa học, hợp lý sau tiêm. “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, Nhà nước quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ cho các bà bầu, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và yên tâm. Bởi khi đã được tiêm, sau sinh con, bản thân mẹ và bé giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 giúp chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều, dù vẫn biết là chúng ta không thể chủ quan với dịch bệnh” – chị Trang chia sẻ.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, trước và sau tiêm, sản phụ được các bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc, đo tim thai, huyết áp, siêu âm rất tận tình, chu đáo, tỉ mỉ.
|
Những ngày qua, BV Phụ sản Hà Nội đã phối hợp cùng các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm tổ chức các buổi tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, đến nay, BV đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 500 sản phụ từ 13 tuần trở lên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Tại điểm tiêm của BV, công tác phục vụ chu đáo, sắp xếp khoa học, hợp lý. Sản phụ đến tiêm được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ngay từ ngoài cổng, khi vào trong điểm tiêm được hướng dẫn bảo đảm trật tự, khoảng cách an toàn, thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, dù BV đang đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, song trong thời điểm này không có ưu tiên nào cao hơn ưu tiên phòng chống dịch. Cùng với các cơ sở y tế khác, BV Phụ sản Hà Nội sẽ góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch bằng tất cả sức người, phương tiện vật chất huy động được. Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine thần tốc, bệnh viện đã thực hiện phương án phân công nhân lực với 220 cán bộ nhân viên tham gia điều động tiêm chủng.
Đồng thời, để đảm bảo việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, BV đã bố trí các khu vực tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước tiêm, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm tại BV với đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, đáp ứng quá trình tiêm, quản lý, theo dõi sát sức khỏe cho từng đối tượng tiêm chủng trước, trong và sau tiêm. Ngoài các bước khám sàng lọc như với các đối tượng thông thường, phụ nữ mang thai trước khi tiêm được tiến hành khám loại trừ các yếu tố nguy cơ như tiền sản giật, bong nhau non, các tai biến sản khoa đều phát hiện các yếu tố này, buộc phải xử trí trước khi tiêm.
Theo Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, TP chọn vaccine Pfizer tiêm cho phụ nữ mang thai, đây là loại vaccine ít có tác dụng phụ nhất nhưng không có nghĩa an toàn tuyệt đối 100% vì đáp ứng miễn dịch của từng người khác nhau. Sau tiêm, nếu gặp tình huống bất thường, sản phụ nên đến ngay cơ sở mình tiêm để được xử lý sự cố kịp thời.
Sản phụ được tiêm vaccine Covid-19 BV Phụ sản Hà Nội.
|
“Thời gian qua đã có nhiều sản phụ mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị với các triệu trứng nặng. Xót xa hơn tại khu vực phía Nam đã có nhiều sản phụ mắc Covid-19 tử vong. Sở dĩ như vậy là do bản thân sản phụ khi mắc bệnh, họ vừa lo sợ cho bản thân vừa bất an cho sinh linh bé bỏng trong bụng dẫn đến tình trạng khó thở tăng. Người bình thường khi khó thở đã nguy hiểm, với sản phụ đang mang trong mình một cơ thể khác nên mọi cử động càng nặng nề, khiến việc điều trị đối diện với nhiều khó khăn. Có thể nói, vaccine Covid-19 chính là chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Việc tiêm chủng vaccine cho các sản phụ nói riêng và người dân nói chung sẽ góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mọi người” - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.
Tương tự, tại BV Thanh Nhàn cũng đã tiêm vaccine Covid-19 cho 1.020 thai phụ trên địa bàn quận Hoàng Mai. Thai phụ đến tiêm được khám thai, sàng lọc kỹ tại bệnh viện, những sản phụ mang thai từ 13 tuần trở lên, đủ điều kiện sức khỏe mẹ và thai nhi được chỉ định tiêm chủng. Những trường hợp chống chỉ định đều phải dừng tiêm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả hai. Toàn bộ việc khám sàng lọc, kiểm tra thai trước và sau tiêm cho phụ nữ mang thai đều hoàn toàn miễn phí. Đối với phụ nữ mang thai dưới 20 tuần thì bác sĩ siêu âm trước khi tiêm và sau khi tiêm để nhìn hình ảnh thai. Đối với những trường hợp thai trên 30 tuần và sau tiêm có vấn đề, sẽ được chạy máy monitor để theo dõi tim thai.
Không chờ đợi, lựa chọn vaccine
BV Đa khoa Hà Đông cũng đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các phụ nữ mang thai trên 13 tuần tuổi tại điểm tiêm chủng Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện. Bác sĩ Trần Ngọc Cường – Phó Giám đốc BV cho biết, theo các nghiên cứu, phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm virus như nhau, song phụ nữ mang thai khi nhiễm dễ diễn tiến nặng hơn khi nhiễm Covid-19. Chủ động phòng bệnh với nhóm này là thực sự cần thiết nên tiêm vaccine là cách bảo vệ cả mẹ và em bé... Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần được sàng lọc kỹ trước tiêm, cần khám thai để biết tình trạng của mình và em bé trước khi tiêm. Với phụ nữ mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm vaccine nhưng cần phải tầm soát kỹ hơn và tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ. Sau tiêm, thai phụ cũng cần phải theo dõi sức khoẻ kỹ càng hơn cả với mẹ và em bé, nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện như sốt cao, tím tái, thở dốc... cần liên hệ y tế ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được khám, tư vấn ngay lập tức. Sau tiêm một đến hai tuần, thai phụ cũng nên đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và em bé.
Sau khi tiêm 30 phút, các bác sĩ tiến hành đo huyết áp, tim thai 1 lần nữa để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mẹ và con.
|
Còn tại BV Phụ sản Trung ương cũng đã tiêm vaccine Covid-19 cho 200 sản phụ. PGS.TS Trần Danh Cường – Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, sau tiêm, bác sĩ phải theo dõi sản phụ giống như những người bình thường với các triệu chứng, tác dụng phụ, phản ứng của vaccine, đồng thời theo dõi thai nhi. Thai nhỏ hay thai lớn theo dõi đều có quy trình. Tất cả các trường hợp đều làm theo một trình tự để phòng bệnh nhưng phải đảm bảo tiêm chủng an toàn nhất cho mẹ và thai nhi. Sau khi tiêm 30 phút, các bác sĩ tiến hành đo huyết áp, tim thai 1 lần nữa để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mẹ và con.
“Việc tiêm vaccine Covid-19 an toàn với cả mẹ và em bé. Không những thế, khi cơ thể người mẹ sinh kháng thể, sẽ truyền qua nhau thai bảo vệ em bé trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong những tháng đầu đời. Những phụ nữ có nhu cầu mang thai, làm thụ tinh nhân tạo có thể tiêm vaccine Covid-19 mà không ảnh hưởng gì đến quá trình mang thai”- Giám đốc BV Phụ sản Trung ương nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4355/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, trong đó quy định tiêm cho phụ nữ mang thai. Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ở phụ nữ mang thai, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai theo quy định và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần.
Bộ Y tế lưu ý cần ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và lực lượng y tế tuyến đầu, các đối tượng khác phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Các đơn vị tổ chức tiêm vaccine phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trước, trong và sau buổi tiêm chủng. Trong trường hợp cần chuyển đến cơ sở tiêm chủng khác, cơ sở tiêm chủng tiếp nhận ban đầu phải hỗ trợ hướng dẫn người tiêm đến cơ sở tiêm chủng một cách thuận lợi, hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phải khám sàng lọc trước tiêm theo quy định của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế, không chờ đợi, lựa chọn vaccine. Các cơ sở thực hiện việc theo dõi, hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đơn vị, cơ sở tuyên truyền, vận động để phụ nữ có thai đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ. Theo “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng Covid-19” của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vaccine Sputnik V.
Nguồn:
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-ty-le-bao-phu-vaccine-o-phu-nu-mang-thai-435788.html
Bá Thành - Tổ Truyền thông