Đó là trường hợp của sản phụ H.T.H.T. (25 tuổi), 1 trong 3 ca lâm sàng được đưa ra trong báo cáo "Song thai không tim – Biến chứng nguy hiểm của song thai chung một bánh rau".
Báo cáo được nhóm bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội báo cáo trong Hội nghị Sản phụ khoa Việt Nam – Châu Á – Thái Bình Dương do BV Từ Dũ tổ chức, diễn ra vào các ngày 29 và 30/10 tại TP.HCM.
Hội chứng nguy hiểm khiến thai không có tim
Theo đó, chị T. được chẩn đoán song thai 1 bánh rau 2 buồng ối, có hội chứng song thai không tim từ 12 tuần.
Thai thứ nhất có hình dạng bình thường với chiều dài đầu mông 54.5mm tương đương 12 tuần. Tim thai 165/phút và không thấy bất thường hình thái.
Tuy nhiên thai thứ hai có hình dạng bất thường, không quan sát thấy phần đầu và chi trên, chỉ có từ phần ngực và 2 chi dưới. Khối thai dài 40.4mm, xương đùi dài 11mm tương đương 11 tuần tuổi. Dù không quan sát thấy tim thai nhưng vẫn cử động chi dưới.
Tiến hành siêu âm, các bác sĩ thấy có dòng máu chảy từ động mạch rốn thai bình thường đi dọc mép bánh rau sang thai bất thường.
Sản phụ T. được hẹn tái khám sau 2 tuần. Trong lần khám thứ 2 ghi nhận đầu mông thai thứ nhất có dài lên nhưng đã mất tim thai và cử động thai. Có hiện tượng phù da đầu và phù toàn thân. Thai thứ hai vẫn chỉ quan sát được từ vùng ngực trở xuống và 2 chi dưới.
Siêu âm không còn quan sát thấy dòng máu chảy nào bên trong cơ thể.
Chẩn đoán lúc này là hội chứng song thai không tim, 2 thai lưu. Sản phụ được nhập viện, dùng thuốc misoprostol gây sẩy thai.
12 giờ sau dùng thuốc, ghi nhận 2 thai sẩy ra gồm: thai 1 phù nề, đầy đủ các bộ phận, cân nặng 120gram. Thai 2 dị dạng thiếu đầu ngực và cân nặng 70 gram.
Một trường hợp khác cũng bị hội chứng trên khi thai 12 tuần tuổi là sản phụ N.P.M. (28 tuổi). May mắn hơn chị T., trong số song thai của sản phụ M. có 1 thai phát triển bình thường.
Sản phụ được theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc trưởng thành phổi để cứu con trong bụng. Đến khi thai 29 tuần tuổi, các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu đưa 1 bé trai nặng 1.300gram chào đời an toàn. Thai còn lại là 1 khối không tim và thiếu các cơ quan.
Thai bơm máu cũng có thể tử vong vì suy tim, sinh non
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Ánh cùng các cộng sự tại BV Phụ sản Hà Nội cho biết, dị tật bẩm sinh song thai không tim hay hội chứng song thai bơm máu động mạch đảo ngược (TRAP) là hội chứng có tiên lượng xấu và chỉ gặp ở song thai chung một bánh rau.
Tỉ lệ mắc bệnh là 1/35.000 ca sinh và gặp 1/100 ca song thai chung bánh rau.
Trong đó, 1 thai không có tim hoặc có tim nhưng không hoạt động được tưới máu nuôi dưỡng bởi thai còn lại (thai bơm máu) thông qua những thông nối mạch máu bất thường trong bánh rau. Điều này làm cho thai bình thường bơm máu có dấu hiệu thiếu máu, suy tim, phù thai và có nguy cơ thai lưu.
Khối thai không tim được nhận máu và phát triển bình thường, thậm chí lớn hơn thai có tim nhưng 100% sẽ tử vong sau sinh. Trong khi đó tỉ lệ tử vong của thai có tim là 50%.
Theo các bác sĩ, việc chẩn đoán sớm bằng kiểm tra siêu âm Doppler động mạch rốn của song thai bất thường là cần thiết để có kế hoạch quản lý và điều trị trước sinh.
Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã phẫu thuật can thiệp thành công vào buồng ối điều trị thành công biến chứng song thai không tim, cứu được 80% thai bơm máu.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, phẫu thuật nội soi can thiệp buồng ối đã được thực hiện từ tháng 10/2019.
Từ những trường hợp lâm sàng trên, các bác sĩ khẳng định chẩn đoán sớm, theo dõi đúng và điều trị kịp thời có vai trò lớn trong xử lý biến chứng song thai không tim.
Nhóm báo cáo viên nhận định cần phải có hướng dẫn đề nghị siêu âm 3 tháng đầu cho tất cả thai phụ để phát hiện đa thai cũng như chẩn đoán xác định số lượng bánh rau, buồng ối, dấu hiệu suy tim, thiếu máu ở thai bơm máu.
"TRAP được chẩn đoán trước sinh bằng cách siêu âm Doppler màu cho thấy lưu lượng máu đảo ngược trong động mạch rốn. Thai không tim thường có dây rốn 2 mạch máu, xuất phát từ dây rốn của thai bơm qua màng bánh rau vào thai không tim" - các bác sĩ phân tích.
Hội nghị Sản phụ khoa Việt Nam – Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 20 năm 2020 do Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tổ chức là diễn đàn y học lớn nhất khu vực phía Nam về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ.
Với vai trò là diễn đàn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, Sơ sinh, Tạo hình thẩm mỹ, những kiến thức tinh túy nhất của các chuyên gia đầu ngành từ các quốc gia trên thế giới và khắp mọi miền đất nước đã mở đường cho các kỹ thuật, công nghệ được chuyển giao hoặc mở đầu ứng dụng, phát triển tại bệnh viện như phương pháp chiếu đèn compact 2 mặt trong điều trị vàng da sơ sinh, ứng dụng Buble-CPAP, kỹ thuật INSURE sử dụng surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh…
Chương trình năm nay bao gồm 8 phiên hội nghị với hơn 70 bài báo cáo có liên quan đến nhiều quan điểm y học hiện đại, kỹ thực mới và kinh nghiệm thực hành, với sự tham dự của 2.300 đại biểu trên toàn quốc và thế giới.
Nguồn:
http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/hoi-chung-nguy-hiem-khien-san-phu-25-tuoi-phai-dung-thuoc-gay-say-thai-dua-con-khong-co-dau-ra-khoi-bung-me-162203010144750283.htm
https://afamily.vn/hoi-chung-nguy-hiem-khien-san-phu-25-tuoi-dau-don-phai-dung-thuoc-gay-say-thai-dua-con-khong-co-dau-ra-khoi-bung-me-20201030140224751.chn
https://lamchame.vn/hoi-chung-nguy-hiem-khien-san-phu-25-tuoi-dau-don-phai-dung-thuoc-gay-say-thai-dua-con-khong-co-dau-ra-khoi-bung-me-109453.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông