Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Kỳ tích cứu bào thai mắc "song thai không tim" cực kỳ nguy hiểm

Kỳ tích cứu bào thai mắc

Song thai chung một bánh rau với chiến chứng thai không tim - một hội chứng cực kỳ nguy hiểm và hiếm gặp. Nhưng lần đầu tiên một trường hợp như vậy đã được các bác sĩ can thiệp thành công.

Sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Con Cuông- Nghệ An) mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim. Tuy nhiên, chị Hường đã sinh được một bé gái như một kỳ tích. Đây là trường hợp đầu tiên sinh con trong số 14 ca đã được mổ can thiệp bào thai tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội- bệnh viện công đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật này.

Can thiệp từ trong bụng mẹ

Can thiệp bào thai là bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp các dị tật ở thai nhi, sau đó chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng sẽ sinh nở bình thường. 

Bé gái đầu của chị Hường đã 5 tuổi, chị và gia đình không thể ngờ, lần thứ 2 mang thai của chị lại gian nan đến vậy. Ở tuần thai 12, chị đi khám tại phòng khám ở Hưng Yên (nơi hai vợ chồng đang làm công nhân) và được thông báo mang song thai, nhưng một thai đã  chết lưu.

“Khi đó, bác sĩ bảo một thai đã bị lưu và sẽ dần tiêu đi. Nhưng ngược lại, thai này ngày càng phát triển và to hơn thai còn lại khiến tôi rất lo lắng. Tôi đã nghĩ là sẽ không giữ được con nữa”, chị Hường kể.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khi tiếp nhận trường hợp này đã nhanh chóng xác định sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim. Đây là một hội chứng rất nguy hiểm và hiếm gặp. 

Theo bác sĩ Sim, với những trường hợp song thai chung bánh rau, tức chung nguồn dinh dưỡng, nếu không được chẩn đoán sớm sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở trường hợp này, là biến chứng song thai không tim. Một thai vẫn phát triển, còn một thai được tuyến dưới xác định là lưu, nhưng thực chất, thai này vẫn có các mạch máu, tuần hoàn bình thường nên lấy dinh dưỡng từ thai đang phát triển, khiến thai bình thường có nguy cơ lưu vì mất máu.

Bác sĩ Sim siêu âm kiểm tra cho bệnh nhân sau mổ sinh. Ảnh: Thuỳ Linh

Bác sĩ Sim siêu âm kiểm tra cho bệnh nhân sau mổ sinh. Ảnh: Thuỳ Linh 

Ở tuần 26, trước tình trạng nguy cấp khi thai còn lại của sản phụ Hường có nguy cơ lưu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh- Giám đốc Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và chỉ đạo thực hiện mổ can thiệp bào thai cấp cứu. Ca mổ can thiệp nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai không tim, nhằm cứu em bé còn lại trong bụng lâu nhất có thể.

Theo chia sẻ của bác sĩ Ánh và bác sĩ Sim - người trực tiếp thực hiện ca mổ này: Đây là trường hợp can thiệp khó khăn nhất vì thai không tim đã rất to, dây rốn phù nề, trong khi dụng cụ can thiệp trong buồng ối rất nhỏ nên kẹp được dây rốn này đòi hỏi phải thật sự kiên trì và có tay nghề cao.

"Sau ca can thiệp, sản phụ Hường được giữ lại viện để dưỡng thai vì cổ tử cung quá ngắn, cơ địa yếu, có nguy cơ đẻ non. Quá trình giữ thai cho sản phụ này rất gian nan, thậm chí phải dùng những loại thuốc đắt nhất thế giới hiện nay. Chúng tôi hồi hộp, chờ đợi từng ngày, dốc lòng chăm sóc cho sản phụ từ tinh thần đến dinh dưỡng"- bác sĩ Sim cho biết. 

Ca mổ sinh cũng "thót tim"

May mắn thay, đến tuần 33, sản phụ mới bị rỉ ối, chuyển dạ và nhanh chóng được mổ lấy thai ngay đêm thứ 7 vừa qua (14.12).

"Bệnh viện đã huy động các bác sĩ giỏi nhất về sản khoa cũng như sơ sinh để phục vụ kíp mổ. Để lấy được 2 thai ra ngoài an toàn không hề đơn giản. Em bé thì non tháng, khối thai không tim thì phù nề, lúc này đã to gấp đôi thai khỏe mạnh, hình khối trơn trượt khiến các bác sĩ phải cực kỳ khéo léo để tránh vỡ tử cung, tránh chảy máu, đảm bảo an toàn cho sản phụ. Em bé chào đời nặng 1,2 kg, hiện phát triển tốt, có thể ra viện trong tuần tới"- Phó giáo sư Nguyễn Duy Anh chia sẻ. 

Sáng nay (19.12), chị Hường đã được ra viện trong niềm vui khôn tả. Chị còn may mắn nằm trong con số 30 ca can thiệp bào thai của Đề tài nghiên cứu y học bào thai của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nên mọi chi phí dịch vụ y tế từ khám thai, phẫu thuật can thiệp bào thai, chi phí giữ thai với những loại thuốc đắt nhất thế giới, đến chi phí sinh mổ, chăm sóc sơ sinh cho em bé... đều được miễn phí. 

Bác sĩ và bệnh nhân vui mừng với sự chào đời của em bé đặc biệt. Ảnh: Thuỳ Linh

Bác sĩ và bệnh nhân vui mừng với sự chào đời của em bé đặc biệt. Ảnh: Thuỳ Linh 

"Hai vợ chồng tôi đều là công nhân nghèo. Nếu không có các bác sĩ với kỹ thuật hiện đại, không được giúp đỡ về kinh tế, chắc chắn chúng tôi đã không cứu được con"- chị Hường xúc động nói.

Chị Hường và gia đình đang chờ đợi từng ngày, từng giây phút để mong gặp được con gái. Đối với họ, đó là món quà quý giá nhất. 

Thống kê của y văn thế giới trước đây cho rằng hội chứng song thai không tim hiếm gặp với tỉ lệ 1/35.000. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chỉ riêng năm 2016 đã gặp 2 ca song thai không tim trong tổng số 40 nghìn ca sinh. Riêng năm 2019, đã có tới 6 ca đang được quản lý tại bệnh viện. 

Nguồn:

https://laodong.vn/suc-khoe/ky-tich-cuu-bao-thai-mac-song-thai-khong-tim-cuc-ky-nguy-hiem-773189.ldo

https://phunuvietnam.vn/san-phu-bi-hoi-chung-song-thai-khong-tim-duoc-can-thiep-thanh-cong-20191219215813493.htm

Tổ Truyền thông